.
Chờ sổ đỏ

Kỳ cuối: Bao giờ có sổ đỏ?

.

Phải thấy rằng, hàng trăm hộ tại các dự án triển khai trước đây ở Hòa Vang đến nay chưa có sổ đỏ, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương và BQL các dự án. Họ đã không tính đến việc lập thủ tục cấp GCNQSDĐ cho người dân khi bố trí tái định cư. Đúng ra, công việc này phải triển khai ngay khi giao đất cho từng hộ. Đằng này người ta quên mất việc hết sức quan trọng là lập thủ tục và trao GCNQSDĐ cho những hộ được bố trí tái định cư. Để rồi khi dự án kết thúc, không ai chịu trách nhiệm.

Sự tắc trách này để lại hậu quả là những hộ tiên phong đi kinh tế mới, giãn dân và di dời khỏi vùng sạt lở ven sông mỏi mắt chờ sổ đỏ mà không biết kêu ai. Bên cạnh đó, một phần trách nhiệm thuộc về người dân. Họ đã quá thờ ơ đến quyền lợi chính đáng của mình. Chỉ đến khi quyền lợi không được đáp ứng, đụng giải tỏa, hay cần tài sản thế chấp vay vốn, họ mới nhận ra giá trị của sổ đỏ.

Niềm vui của bà con Cơtu ở thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc khi được nhận GCNQSDĐ lâm nghiệp.
Niềm vui của bà con Cơtu ở thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc khi được nhận GCNQSDĐ lâm nghiệp.

Theo lãnh đạo huyện Hòa Vang và Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện, tồn tại này chính quyền địa phương và ngành chức năng đã biết và đang có hướng xử lý. Cụ thể, ngày 4-6-2012, UBND huyện Hòa Vang có Công văn số 37/UBND-VP về việc đo đạc cấp GCNQSDĐ cho nhân dân thuộc Dự án 773 thôn Nam Thành, xã Hòa Phong gửi UBND xã Hòa Phong và Phòng TN-MT, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, Phòng NN&PTNT huyện. Theo đó, giao Phòng TN-MT chủ trì phối hợp với Phòng NN&PTNT, UBND xã Hòa Phong triển khai đo đạc, hoàn chỉnh hồ sơ liên quan trình thành phố cấp GCNQSDĐ cho 52 hộ thuộc dự án 773 thôn Nam Thành, xã Hòa Phong. Thực hiện công văn này, UBND xã Hòa Phong đã tiến hành đo đạc và lập hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ cho 52 hộ thuộc diện đi kinh tế mới trong những năm 90 thế kỷ trước.

Ông Lâm Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong, cho biết việc đo đạc đang gặp trở ngại do thiếu kinh phí. Những hộ đi kinh tế mới ở Nam Thành, ngoài đất ở, họ đang quản lý đất trồng cây lâu năm và đất lâm nghiệp với diện tích khá lớn. Việc đo đạc khá tốn kém, trong khi kinh phí của xã hạn chế. Xã đã có công văn gửi huyện Hòa Vang đề xuất hỗ trợ kinh phí. Trước mắt, xã sẽ thành lập Hội đồng xét cấp đất và đề nghị huyện cấp GCNQSDĐ đối với đất ở, mỗi hộ 200m2. Tiếp theo đó sẽ xét cấp đất trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp.

Tuy vậy, trong khi số hộ chưa có sổ đỏ thuộc các dự án triển khai tại nhiều xã ở Hòa Vang trước đây khá lớn, thế nhưng UBND huyện Hòa Vang chỉ đề cập đến thôn Nam Thành. Đúng ra, huyện Hòa Vang phải chỉ đạo các xã tiến hành rà soát việc quản lý sử dụng đất, từ đó phối hợp với ngành chức năng tiến hành đo đạc, lập thủ tục cấp sổ đỏ cho những hộ chưa được cấp.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, tuy không có chỉ đạo riêng như ở thôn Nam Thành, nhưng tại một số thôn đang xúc tiến đo đạc đất ở, đất trồng cây lâu năm như thôn Phước Sơn, thôn 5 xã Hòa Khương và tại dự án tái định cư thôn Nam Mỹ. Riêng 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc) hiện rất im ắng. Anh Trần Văn Vân, trưởng thôn Tà Lang cho biết, 27 trong tổng số 98 hộ toàn thôn chưa có sổ đỏ. Bà con chỉ mong cấp trên triển khai kịp thời.

Trên địa bàn huyện Hòa Vang còn nhiều hộ tự mua đất dựng nhà lập nghiệp, tách hộ, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên không mấy ai quan tâm đến sổ đỏ. Ông Nguyễn Trung, trưởng thôn Nam Thành cho biết trong số 162 hộ toàn thôn, chỉ khoảng 1/3 có sổ đỏ. Ngoài 52 hộ thuộc diện di dân kinh tế mới, hơn 50 hộ từ nơi khác đến mua đất lập nghiệp và tách hộ vẫn chưa có sổ. Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Trung cho biết người dân không rành về thủ tục. Nếu không có chủ trương làm đồng loạt từ trên, từng hộ khó ai thực hiện nổi. Đó là chưa nói, làm sổ đỏ phải nộp tiền sử dụng đất từ 50-100% giá trị đất, không phải ai cũng có số tiền lớn để lo liệu. Có hộ có sổ đỏ nhưng khu vực đất nơi cấp sổ đỏ nay đã thành sông thành suối. Đơn cử như hộ bà Đinh Thị Năm ở thôn Phú Túc. Năm 1996 gia đình bà được cấp sổ đỏ. Năm 1999 lũ quét cuốn hết nhà và đất ở. Năm 2000 bà dựng nhà tạm sát đường 604 để ở. Nay nhà đã kiên cố, đất vườn khá rộng, nhưng không có thứ giấy tờ gì. Trong khi đó, sổ đỏ tại nơi ở cũ bà vẫn cất kỹ trong tủ. Hoặc như hơn 10 hộ ở thôn Giàn Bí trước khi triển khai dự án giãn dân, họ đã có sổ đỏ. Dự án san ủi mặt bằng khu dân cư, cấp lại mỗi hộ 400m2 nhưng không có giấy tờ gì.

Có thể thấy việc quản lý đất đai và lập thủ tục cấp sổ đỏ cho người dân ở Hòa Vang còn nhiều bất cập. Hy vọng huyện Hòa Vang sẽ tiến hành sớm việc cấp sổ đỏ cho người dân.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU
 

;
.
.
.
.
.