.

Chú trọng công tác đền ơn đáp nghĩa

.

Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Đình Hồng (ảnh) cho rằng, việc cải thiện nhà ở cho gia đình chính sách, đền ơn đáp nghĩa, qua đó giáo dục thế hệ trẻ là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương này.

Ông Trần Đình Hồng cho biết: Trong 15 năm qua, huyện Hòa Vang đã xây dựng 309 nhà tình nghĩa với tổng kinh phí 6,1 tỷ đồng; hỗ trợ sửa chữa hơn 3.000 nhà xuống cấp với kinh phí hơn 22 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác giáo dục truyền thống, giáo dục nhận thức cho toàn dân, nhất là thế hệ trẻ, bằng những phong trào như: áo lụa tặng bà; xanh - sạch - đẹp nghĩa trang liệt sĩ; phụng dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), gia đình chính sách neo đơn là việc làm thường xuyên, liên tục của huyện. Nhiều mô hình hay đã được nhân rộng thành phong trào rộng khắp trên toàn huyện như: phong trào làm xanh - sạch - đẹp nghĩa trang liệt sĩ, các bia di tích, bia chiến thắng; thắp nến tri ân của Đoàn Thanh niên và Hội Cựu chiến binh; xây dựng khu vườn tình nghĩa của Hội Nông dân, hoạt động về nguồn của Liên đoàn Lao động huyện...

* Cấp ủy và chính quyền huyện Hòa Vang đã có những giải pháp gì để nâng cao mức sống cho gia đình chính sách?

- Hòa Vang là huyện nông nghiệp, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên việc thực hiện xã hội hóa công tác chăm sóc người có công thông qua các hoạt động đền ơn đáp nghĩa được huyện xác định là bước đột phá trong việc nâng cao mức sống cho gia đình chính sách. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đều đăng ký thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa như: tặng sổ tiết kiệm (mỗi đơn vị đều đăng ký tặng một sổ tiết kiệm trị giá ít nhất 2 triệu đồng). Kết quả, 15 năm qua đã tặng hơn 300 sổ tiết kiệm tình nghĩa cho gia đình chính sách với tổng kinh phí 700 triệu đồng.

Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên quan tâm đến đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách người có công của các địa phương; duy trì việc kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chế độ chính sách. Hằng năm đều có tổng kết biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa. Nhận phụng dưỡng, chăm sóc Bà mẹ VNAH và gia đình chính sách neo đơn, thương binh, bệnh binh nặng luôn được huyện quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ. Hiện có 175 Bà mẹ VNAH và gia đình chính sách neo đơn, thương binh, bệnh binh nặng được các đơn vị nhận phụng dưỡng, chăm sóc. Hình thức phụng dưỡng, chăm sóc cũng rất phong phú, xuất phát từ nhu cầu thường nhật của mỗi gia đình như bằng tiền mặt; giúp cây, con giống, công lao động để sản xuất, thu hoạch mùa vụ; sửa chữa nhà cửa; giúp nấu ăn, giặt giũ quần áo trong những lúc ốm đau...

Địa phương còn vận động các đơn vị, các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí xây nhà tình nghĩa, sửa chữa nhà xuống cấp. 15 năm qua, toàn huyện đã vận động 112 lượt doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ kinh phí, công sức thực hiện xây mới 225 nhà tình nghĩa và sửa chữa 140 nhà xuống cấp, với tổng kinh phí 5,9 tỷ đồng.

* Vậy những hoạt động đền ơn đáp nghĩa trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ năm nay là gì?

- Năm nay, chúng tôi tập trung vào các hoạt động như: khảo sát, điều tra đối tượng chính sách, người có công cách mạng có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ 78 hộ con liệt sĩ thuộc diện hộ nghèo, khó khăn, với  kinh phí 500 triệu đồng; vận động kinh phí xây mới 5 nhà tình nghĩa; hỗ trợ sửa chữa nhà xuống cấp, tập trung nâng cấp 196 nhà. Chúng tôi cũng thành lập đoàn tổ chức khảo sát, tìm kiếm, cất bốc mộ liệt sĩ ở những vùng sâu, vùng xa, khu căn cứ cách mạng để quy tập vào các nghĩa trang liệt sĩ; nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Tiến với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, UBND các xã tu sửa, vệ sinh mộ chí, kẻ lại bia mộ ghi tên liệt sĩ ở các nghĩa trang địa phương; thu thập thông tin hoàn thiện mô hình tái hiện Khu căn cứ Cách mạng Huyện ủy Hòa Vang, sau này biến nơi đây thành khu di tích lịch sử - sinh thái.

* Xin cảm ơn ông!

P.T thực hiện
 

;
.
.
.
.
.