.

Chung cư cho bà con làng cá

.

Gần một năm chuyển từ khu liền kề lên chung cư, đời sống của bà con làng cá Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) đã có sự thay đổi đáng kể.
 

Khu chung cư làng cá Nại Hiên Đông.
Khu chung cư làng cá Nại Hiên Đông.

Đỡ lo mùa mưa bão

Cách đây gần một năm, nhận được thông tin của thành phố về việc giải tỏa khu liền kề chuyển sang nhà chung cư, bà con làng cá Nại Hiên Đông rộn hẳn lên. Lại thêm lần nữa phải di chuyển nơi ở (trước đây chuyển từ nhà chồ sang khu liền kề) nhưng lần này, người dân thực sự có được nơi ở mới tốt hơn và tiện lợi hơn, đó là nhà ở chung cư.

Từ ngày chuyển lên chung cư, bộ mặt khu làng cá Nại Hiên Đông đã thay đổi diện mạo mới. Không còn cảnh phải chen chúc ra vào khu nhà liền kề với những mái tôn lụp xụp, ẩm thấp. Không còn cảnh sinh hoạt bất tiện, ồn ào vì nhà sát liền kề nhau như trước kia. Chuyển đến nơi ở mới khang trang và ấm cúng hơn, bà con khu làng cá rất phấn khởi. Mùa mưa không còn nỗi lo gió bão và mùa hè cái nóng không còn ám ảnh. Cô Nguyễn Thị Kim Cúc (phòng 402, nhà 1B) vui vẻ chia sẻ: “Ở nhà mới rộng rãi, thoáng mát và sạch sẽ hơn nhiều. Mùa hè thì mát mẻ, còn mùa đông chỉ cần đóng kín cửa là ngủ một giấc tới sáng”.

Gần một năm trôi qua, bà con làng cá Nại Hiên Đông dần dần thích nghi với cuộc sống mới. Với 15 triệu đồng hỗ trợ của thành phố, nhiều gia đình sắm sửa thêm tiện nghi trong nhà hoặc có một số vốn nhỏ để buôn bán làm ăn. Điều này chứng tỏ rằng, một cuộc sống mới, lâu dài đã và đang hình thành tại đây, theo đúng với tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo thành phố là từng bước ổn định đời sống của người dân khu chung cư làng cá Nại Hiên Đông.

Mong đời sống ổn định

Vấn đề nhà ở cố định, an toàn cho người dân làng cá Nại Hiên Đông là cần thiết và hợp lý, tuy nhiên đời sống của họ vẫn còn nhiều nỗi lo. Trước đây, ở nhà liền kề gần sông bãi nên bà con dễ dàng làm ăn. Tuy vất vả nhưng cũng đủ sống tạm qua ngày. Từ khi chuyển lên chung cư, một số gia đình khó khăn trong việc mưu sinh. Ông Lê Bé (tổ trưởng tổ 33, khu 1B) cho biết: “Từ khi chuyển sang nơi ở mới, dù có nhiều tiện lợi hơn nhưng nhiều gia đình mất thế làm ăn. Tại khu nhà liền kề có đến hơn 80% số hộ sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản nên chỗ đậu cất thuyền, ngư lưới cụ là nỗi lo đầu tiên”. Trước đây ở gần sông nước, những hộ có tàu bè có thể bảo quản tài sản được. Còn nay tình trạng mất cắp trên tàu xảy ra vì “người nơi của ngõ”. Anh Phạm Văn Thái (nhà 1C) cho biết: “Gần một năm nay, tàu chúng tôi bị mất ngư lưới cụ đến 3 đợt với tổng giá trị tài sản khoảng 5 triệu đồng”.

Ở chung cư, việc lên xuống cũng là nỗi khổ của người dân vì hiện nay thang máy ở các tòa nhà đều không hoạt động, do đời sống còn khó khăn nên bà con không có tiền đóng. Nhiều gia đình phải vác ngư lưới cụ lên tận tầng 6, tầng 7. Có hộ bán hàng ăn buổi sáng cũng phải bưng nồi cháo, nồi bún từ tầng trên xuống rất vất vả. Nhiều cụ già ở tầng trên cũng gặp khó khăn trong việc đi lại. Bà Lê Thị Có (75 tuổi, nhà 1C) nói: “Tui sống ở tầng 7. Nhiều khi muốn xuống dưới đất chơi với bà con chòm xóm cho khuây khỏa tuổi già cũng không xuống được. Già rồi, sức khỏe đâu nữa mà lên xuống nên đành phải ở trên này suốt”. Bà con làng cá cho biết, trước đây ở nhà liền kề chỉ đóng tiền điện, tiền nước, thế nhưng ở chung cư phải đóng thêm tiền gửi xe (60.000 đồng/1 chiếc/tháng), tiền thang máy (100.000 đồng/1 tháng). Bà con làng cá mong muốn giảm các khoản tiền trên để có thể trang trải thêm trong sinh hoạt hằng ngày.

Nhiều người còn khó khăn trong việc chuyển đổi ngành nghề. Ông Lê Văn Bốn (55 tuổi, nhà 1B) chia sẻ: “Những người còn trẻ thì có thể học cái này cái khác nhưng những người già như tụi tui, mấy đời bám biển thì biết làm chi bây chừ”. Các ngư dân mong thành phố quan tâm hơn nữa đến công tác an sinh xã hội, tạo điều kiện cho ngư dân chuyển đổi ngành nghề để đời sống bà con ổn định.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN
 

;
.
.
.
.
.