Nếu một đứa bé 1 tháng tuổi đã biết bò; 3 tuổi có thể đọc, hiểu hoàn toàn; 4 tuổi biết làm toán, thành thạo vài ngoại ngữ, lập tức đứa trẻ đó được gọi là thần đồng. Chúng ta thấy không nhiều trẻ em bộc lộ khả năng nói trên, càng không dám kỳ vọng con cái mình làm được điều kỳ lạ đó. Thế nhưng, trong một hội thảo về tiềm năng của con người được tổ chức mới đây tại Đà Nẵng, ông Lawrence Lee, Giám đốc đại diện Viện Glenn Doman (Viện Nghiên cứu thành tựu tiềm năng con người Hoa Kỳ), khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã khẳng định mỗi đứa trẻ đều có thể là thần đồng theo cách hiểu thông thường, với điều kiện đứa trẻ đó được giáo dục sớm.
Giáo dục sớm là khái niệm vừa cũ, vừa mới. Cũ là bởi đất nước ta luôn coi trọng công tác giáo dục, mọi trẻ em đều được khuyến khích đến trường. Các bậc cha mẹ Việt Nam sẵn sàng dành thời gian, tiền bạc cho việc học của con. Chúng ta không còn thấy xa lạ với hình ảnh những đứa bé chưa vào lớp 1 hay chỉ mới chập chững năm đầu tiểu học phải bù đầu học từ sáng sớm đến tối mịt. Không phải trẻ em đang được “giáo dục toàn diện” từ rất sớm thì là gì?
Cứ tưởng chúng ta đã đi đúng hướng trong việc chăm lo giáo dục cho thế hệ tương lai, nhưng qua những thông tin đã được khoa học kiểm chứng do các giáo sư trong và ngoài nước đưa ra tại hội thảo trên, mọi người mới giật mình nhận ra chúng ta đang nỗ lực… ngược. Tức là đứa trẻ càng lớn càng có nhiều cơ hội học tập, cả gia đình và xã hội đều cố gắng đầu tư cho các em thành tài. Trong khi đó, việc học của lứa tuổi từ 0-6 tuổi chỉ được hiểu nôm na là chăm lo cái ăn và ngủ. 0 tuổi (không phải thời điểm chào đời mà tính từ bào thai) mới được chú trọng về dinh dưỡng hơn thai giáo. Với nhóm trẻ dưới 3 tuổi, việc có nên cho trẻ học chữ, ngoại ngữ hay tiếp cận đa dạng các hình thức giáo dục khác trong trường mầm non hay không vẫn còn là điều tranh cãi.
Như vậy, giáo dục sớm thực chất là gì vẫn còn khá mới đối với chúng ta. Các nhà khoa học giải thích đó là quá trình não bộ (đặc biệt là não phải) của trẻ từ 0-6 tuổi, nhất là trẻ dưới 3 tuổi được kích hoạt để làm bừng dậy các năng lực tiềm ẩn như toán, hội họa, âm nhạc, ngôn ngữ…, mà nếu chúng ta bỏ qua cơ hội trong giai đoạn này thì những tiềm năng đó sẽ giảm cùng với quy luật không sử dụng sẽ bị triệt tiêu dần. Một trẻ 3 tuổi khỏe mạnh bình thường có số lượng các khớp thần kinh kết nối giữa các tế bào não nhiều hơn gấp hai lần so với người trưởng thành. Điều này là bởi sau 10 tuổi, não trẻ bị mất các khớp thần kinh mà chúng không sử dụng đến. Người ta đã chứng minh nếu một người trưởng thành đến 17 tuổi, trí lực đạt 100% thì lúc 4 tuổi đã đạt 50%, 8 tuổi đạt 80%, chừng đó cho đến lúc thành người lớn phát triển thêm 20% còn lại. Nền móng giáo dục cho trẻ “trước 5 tuổi” chiếm 90% cả quá trình giáo dục của một đời người. Theo cách giáo dục như hiện nay, chúng ta chỉ khai thác từ 3 - 10% khả năng của não. Sự lãng phí nguồn tài nguyên não bộ xuất phát từ chỗ gia đình và xã hội đã bỏ qua “Giai đoạn vàng”, quãng thời gian cực kỳ quan trọng để kích hoạt sức mạnh vô biên đang ngủ yên trong bộ não trẻ.
Giáo dục sớm ở Việt Nam đi sau thế giới khoảng 30 năm. Nhưng chắc chắn khi nhận thức về giáo dục sớm đến với cộng đồng, nó sẽ được hưởng ứng mạnh mẽ. Ai cũng muốn làm điều gì đó tốt nhất cho con em của mình. Hơn nữa, thế hệ mầm non lớn lên với trí lực dồi dào là “kho vàng” của đất nước. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần một chương trình chuẩn về giáo dục sớm để gia đình và nhà trường có cơ sở vững chắc trong lĩnh vực này. Nếu không, mọi người lại lầm tưởng về “giấc mơ thần đồng” để rồi nhồi nhét vào đầu trẻ em bao nhiêu là kiến thức khiến cánh cửa não bộ chưa kịp mở ra đã đóng sập vì… choáng ngợp!
Cần hiểu rằng, khai mở đầu óc của trẻ nhằm giúp trẻ thông minh hơn, sử dụng tối đa khả năng thiên bẩm. Điều này không có nghĩa bắt trẻ học nhiều, học trước chương trình nhằm đạt thành tích ảo. Ông Lawrence Lee nói rằng, phải để trẻ học thông qua việc chơi đầy hứng thú cùng với khát vọng khám phá. Con đường dẫn dắt đứa trẻ thành “thần đồng” không phải đi từ điểm số, giải thưởng mà bắt đầu bằng giáo dục trái tim. Đó là xây dựng tình yêu thương và tin tưởng nơi con trẻ. Các chương trình giáo dục sớm trên thế giới hiện nay tựu chung coi trọng trí thông minh cảm xúc (chỉ số EQ), xã hội SQ, sáng tạo CQ, sau đó mới là IQ. Lại thêm một lần thấy chúng ta đi ngược khi đặt IQ cao hơn những thứ khác.
THU HOA