.

Đẩy mạnh hợp tác giáo dục Việt - Lào

.

Trong những năm gần đây, hợp tác giáo dục, đào tạo giữa Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng với nước bạn Lào không ngừng phát triển. Sau hơn 10 năm, thành phố đã tiếp nhận 567 du học sinh Lào đến sinh sống và học tập, trong đó có 78 thạc sĩ, 5 tiến sĩ...

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng dự lễ khánh thành Trung tâm tiếng Việt tỉnh Savannakhet tháng 3-2011.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng dự lễ khánh thành Trung tâm tiếng Việt tỉnh Savannakhet tháng 3-2011.

Những công trình trên đất Triệu Voi

Sự hợp tác giáo dục giữa Lào và Đà Nẵng bắt đầu từ năm 2002, khi thành phố đón tiếp những du học sinh Lào đầu tiên sang học tiếng Việt, học đại học và cao học các chuyên ngành sư phạm và kinh tế. Không chỉ hỗ trợ học bổng toàn phần cho du học sinh Lào, Đà Nẵng còn tăng cường giúp đỡ Lào trong việc xây dựng các trung tâm dạy tiếng Việt ở các tỉnh Trung và Nam Lào; cử giáo viên và trao tặng nhiều trang thiết bị trường học như máy vi tính, máy in, bàn ghế học sinh... Từ năm 2005, Đà Nẵng đã hỗ trợ xây dựng hai trung tâm đào tạo tiếng Việt tại thị xã Pakse, tỉnh Champasak và thị xã Khanthabuli, tỉnh Savannakhet với quy mô mỗi dự án là 800 triệu đồng.

Trong năm học 2010-2011, nhiều công trình do thành phố Đà Nẵng tài trợ đã khánh thành và đưa vào sử dụng như Trung tâm dạy tiếng Việt tại thị xã Cayxon Phomvihan, tỉnh Savannakhet với tổng vốn đầu tư 4,5 tỷ đồng; Trường Chính trị - Hành chính tỉnh Sekong với tổng kinh phí đầu tư 10 tỷ đồng. Ngành giáo dục các địa phương Lào thường xuyên cử đoàn sang trao đổi, học tập kinh nghiệm với Sở Giáo dục-Đào tạo Đà Nẵng.

Là người có thâm niên hơn 10 năm công tác tại Lào, ông Lê Văn Hùng, Trưởng ban Quản lý các dự án Nam Lào đánh giá, trong những năm gần đây, Đà Nẵng tăng cường, đẩy mạnh sự hợp tác, giúp đỡ nước bạn về giáo dục. Để sự hỗ trợ thiết thực hơn, ngoài việc đưa giáo viên người Việt sang giảng dạy tại Lào, Đà Nẵng cũng chú trọng vào việc đào tạo tiếng Việt cho chính du học sinh Lào để sau này về giảng dạy tại các trung tâm  tiếng Việt ở nước bạn.

Trong chuyến thăm các tỉnh Nam Lào vào tháng 3-2011, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ nhấn mạnh, kết quả đạt được trong việc hợp tác phát triển thương mại, du lịch, giáo dục, nông-lâm là cơ sở thắt chặt hơn nữa tình cảm thắm thiết giữa hai địa phương. Từ những nội dung ký kết trong 7 Bản Ghi nhớ, Thỏa thuận, thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ tỉnh Savannakhet nhiều dự án về nông nghiệp, giao thông, thể thao, giáo dục với tổng kinh phí gần 5,5 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật nhất là lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Qua đó, giúp nước bạn xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của mình.

Như ở nhà mình

Từ các tỉnh Champasak, Sekong, Savannakhet, Salavan, Attapeu, Khammuon, Bolikhamxay, Đại học Champasak, Đại học quốc gia Lào..., các du học sinh Lào khi đến Đà Nẵng học tập đều nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cả cộng đồng.

Dù có thâm niên 7 năm sinh sống và học tập tại Đà Nẵng, nhưng Xaysena Ronereochay (sinh viên lớp Cao học ngành Quản lý giáo dục tại Đại học Kinh tế Đà Nẵng) vẫn nhớ như in những ngày đầu tiên đặt chân đến thành phố này. Tiếng Việt một chữ bẻ đôi không biết, đi đâu Ronereochay cũng mang theo cuốn từ điển tiếng Việt để phòng thân. “Trong ba tháng đầu tiên, mình chẳng dám trò chuyện với bạn bè cùng lớp vì vốn tiếng Việt quá ít. Vào học mình càng lúng túng khi từ ngữ chuyên ngành ít phổ biến, phải thường xuyên hỏi bạn, hỏi thầy mới có thể tiếp thu kiến thức”, Ronereochay chia sẻ.

Ông Hồ Công Lam, thành viên Ban hợp tác quốc tế, Đại học Đà Nẵng cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất của du học sinh Lào trong quá trình học tập là khả năng sử dụng tiếng Việt, đặc biệt là các sinh viên học chuyên ngành kỹ thuật. Vì thế, thời gian đầu đến Đà Nẵng học tập, du học sinh Lào thường rụt rè, e ngại trong giao tiếp với người Việt nên khó hòa nhập cuộc sống. Để giúp đỡ sinh viên Lào trong việc trao đổi và tiếp thu kiến thức, trong năm đầu tiên, Đại học Đà Nẵng đã tổ chức cho các em được học tiếng Việt tại Trường Đại học Sư phạm.

Bên cạnh đó, nhằm tạo cơ hội trao đổi ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam cho sinh viên Lào thông qua hoạt động ở nhà dân, từ năm 2011, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị đề xuất với UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện chương trình ở nhà dân (homestay) dành cho sinh viên Lào. Kế hoạch trong 2 năm 2011 và 2012, chương trình sẽ đưa 100 du học sinh đến ở nhà dân trong khoảng thời gian 2 tuần. Đề xuất này đã được Tổng lãnh sự quán Lào tại Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng, du học sinh và chính quyền các địa phương nhiệt tình hưởng ứng.

Thông tin từ Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị, tính đến tháng 4-2012, chương trình homestay đã tổ chức cho 65 du học sinh các Trường Đại học Sư phạm, Đại học Kinh tế về sinh sống tại nhà dân. Vui, tò mò và háo hức chờ đợi là tâm trạng chung của sinh viên Lào khi được tham gia chương trình này. Từ ngày về ở nhà ông Nguyễn Nhi (tổ 37, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu), Phetmany Vannalat và Sabayphon Chanthavongxay xem đây như nhà mình. Tại đây, hai cô gái tham gia việc bếp núc và trò chuyện vui vẻ cùng các thành viên trong gia đình. Ông Nguyễn Nhi nói vui: “Sự xuất hiện của các thành viên mới đã mang đến cho gia đình tôi nhiều tiếng cười và niềm vui. Đây cũng là dịp để chúng tôi tìm hiểu về con người, văn hóa Lào”.

Ngoài chương trình ở nhà dân, hầu hết sinh viên Lào khi đến Đà Nẵng học tập đều được bố trí vào ăn ở, sinh hoạt tại ký túc xá các trường đại học. Mặt khác, ban lãnh đạo nhà trường cũng tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập và vui chơi giải trí.

Tại Trường Đại học Kinh tế, hiện có 223 sinh viên Lào theo học các ngành thì đều ở ký túc xá. Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao và khuyến khích sinh viên Lào tham gia. Ngoài ra, Trường Đại học Kinh tế còn hỗ trợ địa điểm sinh hoạt, sân tập, nhà thi đấu, phương tiện di chuyển khi các em có nhu cầu và đề xuất Bộ Giáo dục-Đào tạo xây dựng một khu ký túc xá riêng dành cho sinh viên Lào trong thời gian tới.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.