.

Đề phòng tai nạn từ nhà cao tầng

.

Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập nhiều về những tai nạn tại các nhà cao tầng, chung cư trong các thành phố. Đó là những tai nạn do hỏa hoạn, do bất cẩn rơi từ các tầng cao xuống đất. Rất may ở thành phố Đà Nẵng trong nhiều năm qua chưa có vụ tai nạn nào ở các nhà cao tầng. Tuy nhiên, ở các nhà cao tầng đang ẩn chứa nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người sử dụng.

Điện lực Sơn Trà thường xuyên quan tâm đến công tác phòng chống cháy nổ. Trong ảnh: Một buổi diễn tập với tình huống giả định kho vật tư bị cháy do chập điện.
Điện lực Sơn Trà thường xuyên quan tâm đến công tác phòng chống cháy nổ. Trong ảnh: Một buổi diễn tập với tình huống giả định kho vật tư bị cháy do chập điện.

Theo Sở Cảnh sát PCCC, còn rất nhiều hộ dân ở các khu chung cư, nhiều cơ quan chưa chú trọng đến công tác PCCC. Nhiều hộ không có bình chữa cháy tại nhà, người có lại không biết cách sử dụng. Nhiều hộ trong các chưng cư đã tự tiện sửa chữa và khoan tường để mắc thêm điện cho các thiết bị mới nhưng không báo cáo với các đơn vị quản lý nhà chung cư. Do không nắm được sơ đồ điện của các căn hộ nên khi khoan tường hoặc sửa chữa nhà đã làm hỏng đường dây, nguy cơ bị chập điện rất cao.

Đặc biệt nghiêm trọng là các lan can của nhiều công sở không bảo đảm tiêu chuẩn. Điển hình như các lan can của nhà cũ và cả nhà mới của Sở Công thương, một số hội trường của các công ty lớn. Đem vấn đề này trao đổi với một số CBCC của Sở Công thương thì câu trả lời chung là “ai cũng biết như thế là nguy hiểm, nhưng từ xưa đến nay chưa xảy ra chuyện gì!”. Một số người thì nói: “Nếu làm cao nữa thì Tài chính không duyệt”. Tại cuộc họp bàn về công tác dừng xe để kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm chống buôn lậu và gian lận thương mại do Công an thành phố và Chi cục Quản lý thị trường chủ trì vào ngày 9-7 vừa qua tại Sở Công thương, trong giờ giải lao, một số người quan sát và nhận thấy mức độ nguy hiểm của lan can tầng 3 nhà làm việc mới xây của Sở Công thương (đưa vào hoạt động đầu năm 2012) vì quá mất an toàn. Đầu năm 2012, Bưu điện thành phố Đà Nẵng đã sửa lại toàn bộ lan can của nhà làm việc số 1 đường Lê Duẩn, sau rất nhiều ý kiến góp ý của nhân viên và khách đến quan hệ công tác vì lan can cũ, thấp.

Theo Quyết định số 682/BXD-CSXD của Bộ Xây dựng quy định về Quy chuẩn xây dựng Việt Nam thì chiều cao của các lan can nhà cao tầng phải từ 90 - 120cm. Chiều cao này ngày càng có xu hướng tăng do chiều cao của người Việt Nam ngày càng được cải thiện. Đặc biệt, ở một số nhà “chọc trời”, người ta đã không làm lan can mà bịt kín luôn bằng kính chịu lực, nhằm bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

Ông Trần Phước Hòa Bình (Phòng Quản lý và Kiến trúc, Sở Xây dựng) cho rằng, nguyên nhân của việc để những lan can nhà và các khiếm khuyết khác trong xây dựng gây mất an toàn hiện nay là do nhiều chủ đầu tư không hiểu biết về xây dựng, nhưng khi xây dựng lại không tham khảo ý kiến từ các nhà chuyên môn (sợ tốn kém). Đây cũng là hệ quả từ nguyên nhân do một số kiến trúc sư, kỹ sư khi vẽ hoặc thiết kế nhà, để được chủ nhà và chủ đầu tư chấp nhận bản vẽ đã không tuân thủ các quy định an toàn về xây dựng, nên vẽ lan can thấp xuống cho đẹp. Về vấn đề này cũng có nguyên nhân là do chủ nhà, chủ đầu tư cho rằng hành lang có lan can thấp chủ yếu để trang trí nên đã không tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam đã ban hành.

Các nhà cao tầng trong thành phố đã và sẽ được xây dựng ngày càng nhiều, đó là xu thế tất yếu của đô thị. Vì vậy, việc tuân thủ các quy định về an toàn cho người sử dụng rất quan trọng. Rất mong các cơ quan, đơn vị cần rà soát lại các tiêu chuẩn an toàn tại  nhà cao tầng để có biện pháp khắc phục, bảo đảm an toàn cho mọi người.

Bài và ảnh: ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.