Quận Thanh Khê hiện là địa phương xếp thứ 3 thành phố về tỷ lệ trẻ mắc bệnh tay - chân - miệng (TCM). Tuy nhiên, việc nâng cao nhận thức về giữ gìn vệ sinh, phòng tránh bệnh cho trẻ tại gia đình và một số trường mầm non, nhóm trẻ gia đình vẫn còn hạn chế.
Giữ vệ sinh trong nhà trường để phòng tránh bệnh TCM cho trẻ. TRONG ẢNH: Các bé Trường mầm non tư thục Năng khiếu Việt. |
Tại Trường mầm non tư thục Năng khiếu Việt (thuộc phường Chính Gián, quận Thanh Khê), trong tháng 4-2012 đã có một trẻ mắc bệnh TCM. Theo chị Nguyễn Thị Thanh Hiền, phụ trách trường thì khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bệnh, chị đã báo ngay về Trạm y tế phường để tiến hành phun hóa chất khử trùng, đồng thời cho các em nghỉ học trong vòng 10 ngày. Sau trường hợp này, chị Hiền đã chủ động trữ dự phòng thuốc Cloramin B, hóa chất vệ sinh để khử trùng hằng tuần, thậm chí khi có trẻ bị đau bụng đi ngoài, bô chậu của trẻ cũng được tẩy trùng sạch sẽ. Chị Hiền cũng đã tham gia lớp tập huấn về bệnh TCM và lưu trữ những tài liệu tuyên truyền về bệnh này. Hằng ngày, khoảng 10 giờ 30, các giáo viên trong trường sẽ rửa tay cho trẻ để chuẩn bị ăn trưa. Theo quan sát, khu vực sinh hoạt của các em, khu bếp của trường khá sạch sẽ và gọn gàng. Từ sau ca bệnh đầu tiên, đến nay chưa có trường hợp nào trẻ của trường mắc bệnh TCM.
Chị Nguyễn Thị Trang, cán bộ chuyên trách phòng chống dịch, Trạm Y tế phường Chính Gián cho biết, hiện nay trên địa bàn phường có 10 nhóm trẻ gia đình (một số còn gọi là trường mầm non tư thục - PV). Thời gian qua, chỉ có 2 trẻ mắc bệnh TCM phát hiện tại các nhóm trẻ, tỷ lệ mắc bệnh TCM tại nhà chiếm đa số. Phường đã chủ động hướng dẫn các cô giáo theo dõi các em để sớm phát hiện bệnh. Đồng thời, tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức của giáo viên cũng như phụ huynh về việc giữ gìn vệ sinh cho trẻ, nhất là việc thực hành rửa tay đúng cách, đúng lúc.
Toàn quận Thanh Khê hiện có hơn 100 nhóm trẻ gia đình, tập trung nhiều tại phường An Khê, Chính Gián. Theo anh Huỳnh Trung Quốc, Đội phó Đội Y tế dự phòng quận Thanh Khê, việc tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kiến thức cho giáo viên, người phụ trách các nhóm trẻ đã được triển khai khá tốt. “Đa số giáo viên đều nhận thức và biết về bệnh TCM cũng như cách phòng tránh. Tuy nhiên, từ nhận thức đến thực hành cũng còn nhiều vấn đề. Bởi không phải giáo viên nào cũng rửa tay cho trẻ dưới vòi nước chảy, bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước khi tiếp xúc với trẻ như đã khuyến cáo”, anh Quốc nhấn mạnh. Gần đây, trong buổi khảo sát tình hình phòng chống bệnh TCM tại một số trường ở quận Thanh Khê, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh đã nhận xét: Việc giữ gìn vệ sinh, rửa tay đúng cách của các giáo viên một số trường chưa thật sự tốt. Trong khi đó, giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay đúng các bước theo khuyến cáo là cách hiệu quả nhất để phòng bệnh.
Một số trường hợp rửa tay cho trẻ trong chậu nước cũng không phải là cách hiệu quả để phòng bệnh TCM. Ở trường là vậy, còn tại các gia đình, việc giữ gìn vệ sinh phòng bệnh thật sự chưa được chú trọng. Vì thế, tỷ lệ trẻ mắc TCM tại nhà trên địa bàn quận Thanh Khê khá cao. “Chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt tập huấn về bệnh TCM cho các bà mẹ có con dưới 3 tuổi, độ tuổi chiếm tới 90% ca mắc TCM ở Thanh Khê. Tuy nhiên, giấy mời phát đến hàng trăm bà mẹ mà chỉ có vài chục người tham dự. Thậm chí, có phường chỉ trên dưới 10 người đến nghe”, anh Quốc nói thêm.
Trước sự thờ ơ và chủ quan của một số bậc phụ huynh, ngành y tế quận Thanh Khê cũng đã tìm nhiều biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ trẻ trước dịch bệnh TCM. Là người phụ trách công tác phòng chống dịch của quận Thanh Khê, anh Quốc đã nảy ra sáng kiến là thời gian đến sẽ thông qua các trạm y tế phường để tập hợp tất cả các số điện thoại di động của những bà mẹ có con dưới 3 tuổi. Sau đó, sẽ gửi tin nhắn khuyến cáo đến những đối tượng này với nội dung: “Để phòng bệnh TCM, mỗi người hãy thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dưới vòi nước chảy, nhất là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và trước khi tiếp xúc với trẻ”. Anh Quốc cho rằng, tin nhắn qua điện thoại đến với bà mẹ nhanh nhất và có thể sẽ tác động tích cực đến việc thay đổi nhận thức của họ trong việc phòng tránh bệnh TCM cho trẻ.
Tính đến ngày 8-7, toàn quận Thanh Khê có 348 trẻ mắc TCM. Tuy trong tháng 6, số ca mắc giảm so với tháng 5 nhưng theo sự phát triển của dịch thì đến tháng 9, dịch có khả năng bùng phát mạnh hơn. Vì vậy, ngay từ lúc này, trong gia đình và tại nhà trường, việc bảo đảm vệ sinh cho trẻ, nhất là thực hành đúng kỹ thuật rửa tay như nói trên thì sẽ hạn chế rất nhiều ca nhiễm bệnh.
Bài và ảnh: HÀ AN