.

Giúp đỡ bệnh nhân chạy thận

.

Từ tháng 3-2012 đến nay, nhiều bệnh nhân bị suy thận mãn tính đang điều trị tại Khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Đà Nẵng) đã nhận được sự giúp đỡ từ quỹ từ thiện của khoa. Nhờ sự hỗ trợ về vật chất, những bệnh nhân này đã có chỗ ở ổn định để tiếp tục chữa bệnh.

Hầu hết các bệnh nhân chạy thận nhân tạo đều không có khả năng tự mưu sinh.
Hầu hết các bệnh nhân chạy thận nhân tạo đều không có khả năng tự mưu sinh.

Lấy hành lang làm chốn ở

Từ huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) đưa con ra Bệnh viện Đà Nẵng chữa bệnh suy thận mãn tính, chị Nguyễn Thị Thi không đủ tiền để có thể điều trị lâu dài cho Nguyễn Văn Quang, đứa con trai lớn trong gia đình. Nhà làm nông, thu nhập lại bấp bênh, để có tiền chạy thận cho con, thời gian đầu, gia đình chị Thi phải vay mượn khắp nơi. Tính đến nay, hai mẹ con chị đã tá túc tại Bệnh viện Đà Nẵng hơn 3 năm. Mặc dù gần đây, với chính sách nhân đạo của thành phố Đà Nẵng, kinh phí chạy thận đã được miễn hoàn toàn nhưng khoảng tiền để đi lại, ăn ở, mua thuốc cũng là gánh nặng không nhỏ đối với chị Thi. Thương con đau ốm, ngày đêm chị Thi theo con để chăm sóc. Sau những giờ chạy thận, hai mẹ con lại nương náu, ngủ vạ vật dọc hành lang khoa Thận nhân tạo. Chị kể: “Thời gian trước, hai mẹ con cứ ngủ lang thang ngoài hành lang. Bảo vệ đuổi thì tìm cách trốn sang chỗ khác. Đi thuê ở ngoài thì không đủ tiền”.

Cùng hoàn cảnh như chị Thi, mẹ con chị Võ Thị Nga (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cũng trải qua nhiều tháng dài ngủ nghỉ ở hành lang Bệnh viện Đà Nẵng. Biết việc sinh hoạt như thế rất bất tiện và làm ảnh hưởng đến mỹ quan của bệnh viện nhưng vì không đủ tiền để thuê trọ ở ngoài nên mẹ con chị đành bám ở khu vực hành lang khoa Thận nhân tạo.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Đa, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết: “Do điều kiện kinh tế khó khăn, một số bệnh nhân chạy thận nhà ở tỉnh lân cận đã ngủ lại tại các khu vực hành lang bệnh viện. Có người xin tiền, xin cơm ăn để sống qua ngày hoặc tập trung đánh bài... Những hành vi như vậy đã tạo nên dư luận xấu về hình ảnh bệnh nhân chạy thận tại bệnh viện Đà Nẵng”. Trong nhiều năm, cảnh vật vạ của bệnh nhân chạy thận và người nhà của họ tại các khu vực hành lang Bệnh viện Đà Nẵng không những làm mất mỹ quan, ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường mà với bản thân họ cũng không bảo đảm sức khỏe trong thời gian điều trị bệnh.

Thoát cảnh lang thang

Để xóa bỏ hình ảnh phản cảm khi các bệnh nhân xin tiền, nằm vạ vật ở hành lang bệnh viện, khoa Thận nhân tạo đã vận động bệnh nhân và người nhà của họ vào ở trọ tại khu vực dịch vụ nhà nghỉ ngay trong Bệnh viện Đà Nẵng; đồng thời đề nghị bệnh viện giảm giá tiền trọ và khoa sẽ hỗ trợ một phần kinh phí ở trọ cho các bệnh nhân đến từ tỉnh Quảng Nam. Những khoảng tiền từ thiện của các cá nhân, tập thể hảo tâm hỗ trợ cho khoa được trích để chi trả một phần tiền phòng mỗi tháng. Với bệnh nhân Võ Thị Hoa (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), sự hỗ trợ này giúp chị giảm gánh nặng về khoản tiền 750.000 đồng/tháng cho việc ở trọ. Thêm vào đó, chị đã có chỗ ở ổn định, sạch sẽ, bảo đảm các điều kiện sinh hoạt cần thiết. “Nhưng đối với những bệnh nhân đến từ Quảng Ngãi thì khả năng của khoa không thể bao cấp hết được. Duy nhất một trường hợp bệnh nhân nữ Nguyễn Thị Lựu không chồng, không con, chúng tôi cũng hỗ trợ 50% tiền trọ như với bệnh nhân từ Quảng Nam. Còn với những bệnh nhân Quảng Ngãi khác, chúng tôi đề nghị các nhà hảo tâm hỗ trợ tiền để họ trang trải trong thời gian chạy thận”, chị Phan Thị Thanh Vân, điều dưỡng viên - khoa Thận nhân tạo chia sẻ.

Hầu hết các bệnh nhân chạy thận nhân tạo đều không đủ sức khỏe để lao động. Vì vậy, bản thân họ không có khả năng làm việc để mưu sinh mà chủ yếu dựa vào người thân trong gia đình hoặc sự trợ giúp của xã hội. Bây giờ, có một chỗ ở ổn định ngay trong khu vực bệnh viện đã là niềm vui, niềm an ủi lớn đối với người bệnh. Mặc dù vậy, gánh nặng về phần tiền trọ phải trả và tiền thuốc men, sinh hoạt vẫn cứ đeo bám mãi. Mong mỏi giúp đỡ và san sẻ bớt nỗi lo của bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Hữu Đa nhấn mạnh: “Khoản tiền từ thiện của khoa cũng chỉ có thể cầm cự đến hết tháng 8 năm nay. Sau đó, chúng tôi không còn khả năng hỗ trợ tiền trọ cho các bệnh nhân và thật sự rất cần sự giúp đỡ của xã hội nhằm tạo điều kiện cho họ có chỗ ở ổn định, bảo đảm sức khỏe để tiếp tục điều trị lâu dài với căn bệnh suy thận này”.

Bài và ảnh: MỸ HẠNH

;
.
.
.
.
.