.

Giúp nhau vượt khó

.

Những năm qua, Hội CCB huyện Hòa Vang nổi bật về các hoạt động giúp nhau vượt khó giảm nghèo, làm giàu chính đáng, với nhiều cách làm năng động, sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực.

CCB Nguyễn Trung (xã Hòa Liên) vượt khó vươn lên từ nghề trồng hoa.
CCB Nguyễn Trung (xã Hòa Liên) vượt khó vươn lên từ nghề trồng hoa.

Hằng năm, các cấp Hội CCB ở Hòa Vang tích cực tổ chức tập huấn kiến thức về cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và định hướng sản xuất-kinh doanh (SX-KD). Qua đó, hội viên được trang bị kiến thức trồng rừng, trồng măng tre Điền Trúc, sản xuất nấm, trồng hoa-cây cảnh, rau đậu ngắn ngày các loại… Đồng thời, Hội CCB huyện tăng cường tín chấp cho vay ưu đãi, giúp hội viên nghèo có vốn mở các mô hình kinh tế nhỏ, phù hợp với điều kiện thực tế của từng hộ. Toàn huyện có 46 tổ vay vốn do các cấp Hội CCB quản lý, với tổng dư nợ hơn 13 tỷ đồng. Các Hội cơ sở còn tổ chức góp vốn quay vòng với tổng số vốn góp đến nay hơn 3 tỷ đồng và 119 chỉ vàng. Nguồn vốn này được luân chuyển cho hội viên mượn SX-KD, nếu ai khó khăn hơn thì được ưu tiên mượn trước…

Từ những chủ trương đó, CCB Hòa Vang có nhiều cách giúp nhau vượt khó vươn lên. Ở thôn La Bông (xã Hòa Tiến), CCB Nguyễn Kiệm làm nông nhưng thiếu phân bón nên thu hoạch thấp, đời sống bấp bênh. Qua tìm hiểu nguyện vọng, Hội CCB huyện đã vận động hỗ trợ hai con bò giống, giúp ông Kiệm có nguồn phân bón dồi dào, nâng cao năng suất sản xuất và còn có lãi từ việc nuôi bò sinh sản. Từ đó, ông Kiệm đã thoát nghèo. Hội viên Quách Công Toản ở thôn Hòa Hải (xã Hòa Phú) được Hội hỗ trợ tiền để mua cây, con giống và hỗ trợ chi phí học tập cho một người con đang học cao đẳng sư phạm. Đồng thời, ông Toản được CCB Võ Sơn - chủ một trang trại trồng rừng ở cùng thôn bố trí việc làm, giúp gia đình ông có thu nhập ổn định. Hoặc một nhóm hội viên ở thôn Túy Loan Đông 2 (xã Hòa Phong) đứng tên cho CCB Đặng Lịnh ở cùng chi hội được vay 20 triệu đồng lãi thấp của Ngân hàng Chính sách xã hội. Và từ khoản tiền này, ông Lịnh đã đầu tư nuôi bò vỗ béo. Ông nuôi liên tục nhiều lứa, cứ ba, bốn tháng lại có bò bán, đưa gia đình từ nghèo khó trở thành hộ khá giả…

BCH Hội CCB huyện và các Hội cơ sở tích cực tổ chức đúc kết kinh nghiệm những mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao để nhân rộng và vận động những CCB làm kinh tế giỏi trao đổi cách làm ăn cho hội viên nghèo học hỏi, vận dụng. Toàn huyện đã hình thành 26 tổ hợp tác, 3 HTX và 3 doanh nghiệp của CCB, giải quyết việc làm cho hàng trăm CCB, cựu quân nhân, trong đó, tiêu biểu như doanh nghiệp Xây dựng Hòa Tiến, HTX Vận tải và Kinh doanh tổng hợp Hòa Liên…

Bên cạnh công tác giúp nhau vượt khó làm giàu, các cấp Hội còn vận động kinh phí, hỗ trợ vật liệu, công lao động để xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội cho 49 hội viên nghèo và hỗ trợ nâng cấp sửa chữa nhà cho 80 trường hợp khác. Đội ngũ cán bộ Huyện Hội và 16 Hội cơ sở hằng tháng tự nguyện trích lương, phụ cấp, hỗ trợ 11 gia đình có con bị di chứng chất độc da cam. CCB Võ Sơn (xã Hòa Phú) hỗ trợ giống, vốn và tận tình hướng dẫn kỹ thuật làm kinh tế trang trại cho những hội viên nghèo. CCB Ngô Văn Năm (xã Hòa Khương) mua một chiếc máy xay xát tặng đồng đội cũ. Đặc biệt, CCB Trần Hóa ở thôn Giáng Nam 2 (xã Hòa Phước) mỗi năm vận động con cháu ủng hộ đồng đội và các hộ nghèo trong xã trên 30 triệu đồng…

Từ những cách làm đó, đến nay toàn huyện không còn hội viên ở nhà tạm hoặc có mức sống nghèo (theo tiêu chí hiện tại của thành phố) và tỷ lệ CCB có mức sống khá, giàu liên tục tăng lên. 

Bài và ảnh: MINH NGỌC

;
.
.
.
.
.