.

Hòa Bắc, còn đó những nỗi lo

.

Lực lượng liên ngành huyện Hòa Vang đã ra quân truy quét nạn “vàng tặc” ở xã Hòa Bắc, những tưởng trả lại bình yên cho xã miền núi này nhưng người dân ở hai thôn Tà Lang, Giàn Bí hiện vẫn còn lắm nỗi lo.

Khu tái định cư Nam Mỹ vẫn hoang tàn.
Khu tái định cư Nam Mỹ vẫn hoang tàn.

Có hết nạn “vàng tặc”?

“Nước vẫn đục, không dám uống đâu. Không biết do trâu, bò lội suối hay người đào đãi vàng làm đục nguồn nước, nhưng không dùng đâu, chỉ để lắng trong lại và tắm, giặt thôi! Còn nước ăn phải xuống Khe Xô (Khe Cà Chang) cõng về dùng”, chị Trần Thị Anh (thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) nói khi tôi trở lại Giàn Bí. Trưởng thôn Giàn Bí cho biết, thôn có 101 hộ với 407 nhân khẩu, hiện còn khoảng 30 hộ “tránh” nguồn nước lấy về từ Khe Áo bởi lo sợ hóa chất, ô nhiễm gây ảnh hưởng sức khỏe. 30 hộ này phải cất công đi đường xa đến Khe Xô để xin nước về dùng, nhưng lượng nước Khe Xô cũng hạn chế vào mùa nắng. “Tôi nghĩ rằng còn “vàng tặc” đấy. Sau đợt ra quân truy quét của các lực lượng liên ngành huyện Hòa Vang, chúng (những người khai thác vàng trái phép - PV) im hơi, rút lui được một tuần, nửa tháng, thì rậm rịch trở lại. Tuy không đến tận nơi nhưng nhìn nguồn nước thì tôi đoán được thôi”, Trưởng thôn lý giải thêm.

Rời Giàn Bí, tôi vẫn không hết băn khoăn. Chính quyền, các ngành liên quan huyện Hòa Vang và xã Hòa Bắc đã tích cực truy quét những người vi phạm, tuyên truyền về việc nguồn nước không bị ô nhiễm, nhưng sao người dân vẫn lo ngại? Cũng dễ hiểu bởi tình trạng “lâm tặc” và “vàng tặc” khai thác rầm rộ diễn ra triền miên trên địa bàn các Tiểu khu 23, 25, 27, 29, 30 của rừng Hòa Bắc (ở Tà Lang, Giàn Bí). Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm, UBND xã Hòa Bắc đã phối hợp với các lực lượng liên ngành gồm trạm Kiểm lâm Hòa Bắc, Bầu Bàng, các trạm quản lý bảo vệ rừng, Công an huyện… tổ chức hơn 20 đợt kiểm tra, truy quét nạn khai thác gỗ và vàng trái phép; tịch thu và thanh lý 2,592m3 gỗ các loại, một xe bò kéo gỗ trái phép, phá hủy 5 máy nổ, 2 cối xay đá, 5 lán trại, 2 quạt gió, 180 lít dầu, 3 tua-bin điện, 1 ổn áp điện, 1.500 mét ống nước, 500m dây điện, 1 ti-vi, 50kg gạo và nhiều dụng cụ thủ công khác phục vụ cho khai thác vàng. Thế nhưng, ông Hồ Tăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc - lại lạc quan rằng: “Dẹp yên hết rồi! Mọi thứ yên ổn trở lại, ngành chức năng huyện cũng đã kiểm tra nguồn nước và xác định không bị nhiễm hóa chất độc hại”.

Khu tái định cư Nam Mỹ cằn cỗi

Bỏ lại câu chuyện “vàng tặc” sau lưng, đến với khu TĐC Nam Mỹ. Cánh đồng ngô trải rộng dọc triền sông trước mặt, trải ra mênh mông. Đối lập với hình ảnh ấy là đất đai cằn cỗi, thậm chí chẳng có chút đất nào trồng luống rau chứ đừng nói là “sản xuất nông nghiệp” tại khu TĐC. Thế mới biết vì sao các hộ dù có đất, có nhà tại khu TĐC nhưng vẫn sống trong “tăm tối đèn dầu” dưới bãi sông gần đó và không chịu “lên bờ”. “Lên sao được, đất đai, tài sản của họ ở dưới đó cả ! Lên đây không có đất sản xuất, người trẻ đã đành chứ người già biết lấy gì sống. Chỉ vào mùa mưa lũ, họ mới về lại khu TĐC để trú mưa bão thôi”, ông Trần Thanh Hùng, Trưởng thôn Nam Mỹ cho biết.

Thôn Nam Mỹ có 127 hộ với 349 nhân khẩu, thì có khoảng từ 40-50 hộ không có việc làm ổn định. Họ chủ yếu đi làm keo thuê, đi nhặt củi khô về bán, có bộ phận gia đình trẻ đi làm công nhân khu công nghiệp… nên thu nhập không ổn định. Có được Hợp tác xã trồng nấm Nam Mỹ thì nay cũng bấp bênh, dang dở. “Thành phố đã giao cho Sở NN&PTNT khảo sát lại số hộ thiếu đất sản xuất nông nghiệp để có phương án giải quyết tích cực (19 hộ). Đối với các nhà dân không ở, giao cho xã vận động người dân trở về tu sửa lại nhà và ở. Các hộ cũng đã cam kết trong cuộc họp dân vừa qua”, ông Phúc cho biết. Ông Phúc còn nói thêm rằng, xã cũng chỉ biết tuyên truyền, vận động người dân trở lại khu TĐC, chứ không thể bắt ép dân về nơi này được.

Rời Hòa Bắc khi cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm của xã khai mạc. Những được - mất, thành tựu - hạn chế sẽ được đưa ra để rút bài học kinh nghiệm. Hy vọng, ngày mới Hòa Bắc sẽ tươi đẹp, mơn man sức sống như màu xanh bạt ngàn cánh đồng ngô trước mặt tôi trên đường xuôi về thành phố.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.