.

“Khắc tinh” của tội phạm

.

Trưởng thành từ một hạ sĩ quan, nay là “tư lệnh” của  lực lượng Cảnh sát hình sự (CSHS), Công an thành phố Đà Nẵng, Thượng tá Trần Mưu rút ra một kinh nghiệm: Muốn điều tra khám phá nhanh các vụ trọng án, người chỉ huy phải luôn ở tuyến đầu, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm nhưng phải linh hoạt, mềm dẻo...

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến thưởng nóng 200 triệu đồng cho Ban chuyên án 122T, trong đó có công lao đóng góp của Thượng tá Trần Mưu.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến thưởng nóng 200 triệu đồng cho Ban chuyên án 122T, trong đó có công lao đóng góp của Thượng tá Trần Mưu.

Lửa thử vàng...

Đêm 22, rạng sáng 23-7-2010, tại tổ 16, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, một người đàn ông nằm chết bên vệ đường, trên người bê bết máu với nhiều vết dao đâm. Nạn nhân được xác định là ông Nguyễn Ngọc Tĩnh (SN 1944, trú tổ 36, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê), làm nghề xe ôm. Xác định đây là vụ trọng án cướp của giết người, Ban Giám đốc Công an thành phố yêu cầu Phòng CSHS phối hợp với các đơn vị phá nhanh để trấn an dư luận. Lúc đó, Thượng tá Trần Mưu được bổ nhiệm giữ chức Trưởng phòng CSHS vừa tròn 20 ngày. “Một đồng chí Phó Giám đốc Công an thành phố đã gặp riêng tôi và quả quyết: Vụ án với những hành vi thật độc ác và tàn nhẫn, nhân dân đang rất phẫn nộ và mong chờ vào lực lượng Công an. Ban Giám đốc và nhân dân đặt niềm tin vào đồng chí! Cùng lúc đó, đến thăm Thiếu tướng Phan Xuân Sang đang nằm viện, dù đau đớn trước cơn bạo bệnh nhưng Thiếu tướng vẫn theo sát tình hình và nhắn nhủ tôi động viên anh em trong đơn vị cố gắng vượt qua khó khăn, điều tra phá án để làm yên lòng nhân dân. Tất cả những điều ấy thôi thúc tôi quyết tâm phải phá vụ án trong thời gian nhanh nhất...”, Thượng tá Trần Mưu kể lại.

Thượng tá Trần Mưu quyết định lấy trụ sở Công an phường Hòa An làm trung tâm chỉ huy, nơi ăn ở, họp án. Các trinh sát, điều tra viên dưới sự chỉ huy của Thượng tá Trần Mưu ngày đêm lăn lộn địa bàn truy tìm kẻ thủ ác. Chiều 29-7, các lực lượng phá án đã bắt một đối tượng có nghi vấn về hành vi lừa đảo tại Công an phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu). Những câu hỏi phủ đầu cùng ánh mắt nghiêm nghị của Trần Mưu làm Nguyễn Cữu Ry Goóc (SN 1989, trú phường Hòa Khánh Nam) mất hết thần sắc và khai nhận hành vi phạm tội. 6 ngày cho một chuyên án khó khăn, Trần Mưu đã giải tỏa những nỗi lo lắng, bất bình trong lòng nhân dân và khẳng định mình xứng đáng ở vị trí mới được bổ nhiệm.

Người chỉ huy phải ở tuyến đầu

Trần Mưu vào ngành Công an từ năm 1979, ở Đội CSHS Công an huyện Hòa Vang. Ngay từ khi còn là chiến sĩ, Trần Mưu đã tỏ rõ sự mưu trí, dũng cảm và khẳng định anh sinh ra để làm hình sự. Anh đã cùng đồng đội phá hàng trăm vụ án hình sự xảy ra trên địa bàn, được người dân khen ngợi. Bản lĩnh của anh thể hiện rõ hơn khi được bổ nhiệm làm Phó Công an huyện Hòa Vang rồi Phó Công an quận Cẩm Lệ. Trần Mưu chia sẻ: “Làm người chỉ huy không phải ngồi một chỗ chỉ tay năm ngón mà luôn phải ở tuyến đầu, lăn lộn với các trinh sát, điều tra viên trong từng hang cùng ngõ hẻm để điều tra, khám phá án”. Lúc mới giữ chức Phó Công an huyện Hòa Vang, Trần Mưu đã phải đối mặt với một vụ án gai góc. Bị hại là một dân phòng thôn Phú Thượng (xã Hòa Sơn) bị một thanh niên có tiền án đâm chết. Kẻ thủ ác nhanh chóng lẩn trốn vào rừng. Nhưng mặc cho cái giá lạnh và những cơn mưa tầm tã của mùa đông, Trần Mưu đã cùng anh em cơm đùm gạo bới, lăn lộn truy bắt được đối tượng.

Trần Mưu cho biết: “Trong quá trình phá án, người chỉ huy phải quyết đoán, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhưng không cứng nhắc. Trong đấu tranh phải phối hợp nhịp nhàng với các lực lượng khác”. Chính kinh nghiệm đó kèm sự xông xáo, bản lĩnh, niềm đam mê sẵn có nên từ khi Trần Mưu giữ trọng trách mới ở lực lượng CSHS Công an thành phố, những vụ trọng án xảy ra trên địa bàn Đà Nẵng đều được khám phá thành công. Trong vụ án giết người cướp tài sản xảy ra tại địa bàn phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ) vào dịp Tết Tân Mão, nạn nhân là vợ của một sĩ quan quân đội, cái khó là mối quan hệ nạn nhân rộng. Các tổ trinh sát đi nhiều nơi để xác minh bởi nghi ngờ thủ phạm là chiến sĩ giải ngũ, nhưng thực tế lại có quá nhiều chiến sĩ giải ngũ cùng lúc. Trần Mưu đã phải ra Thanh Hóa khi nắm thông tin về một thanh niên tên Bùi Văn Tuân (xã Hà Tiên, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) vừa giải ngũ có nhiều nghi vấn. Khi xuất hiện trước nhà Tuân, nhận thấy đối tượng có nhiều biểu hiện nghi vấn, nhất là trên khuôn mặt, ở cổ có vết sẹo, dù gia đình Tuân ngăn cản nhưng Trần Mưu quyết đưa đối tượng về trụ sở Công an huyện. Bằng kinh nghiệm và con mắt nghiệp vụ, anh đã buộc Tuân phải cúi đầu nhận tội.

Từ Đội phó, Đội trưởng đến nay là Trưởng phòng CSHS, Trần Mưu luôn thổi tinh thần thép vào mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, để rồi lực lượng CSHS Đà Nẵng được xem như một trường thành “bất khả xâm phạm”. Một lãnh đạo Bộ Công an nhận xét: Tội phạm khó qua mắt được CSHS Đà Nẵng. Bởi lẽ, “siêu” như “siêu trộm” Nguyễn Tuấn Vũ, khi Công an cả nước lập chuyên án và bắt hụt thì đến Đà Nẵng cũng phải “chui đầu vào rọ”. Trần Mưu - bằng bản lĩnh và sự quyết đoán của người chỉ huy, đã tạo được “thương hiệu” riêng cho lực lượng CSHS Đà Nẵng.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.