.

Lịch sử chứng minh TQ chưa bao giờ có chủ quyền đối với Hoàng Sa

.

(ĐNĐT) - Dùng vũ lực chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nay lại tiến thêm bước lập chính quyền, bầu thị trưởng của cái gọi là "thành phố Tam Sa", Trung Quốc đang chà đạp lịch sử, bất chấp luật pháp quốc tế để ngửa bài, lộ tẩy dã tâm độc chiếm Biển Đông. Nhà nghiên cứu khoa học lịch sử Nguyễn Phước Tương bày tỏ quan điểm với Báo Đà Nẵng.

tuong.jpg
Nhà nghiên cứu khoa học lịch sử Nguyễn Phước Tương

* Dưới góc nhìn khoa học lịch sử, ông có ý kiến gì trước sự kiện chính quyền Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và tổ chức bầu cử HĐND, bầu thị trưởng ?

Theo tiến trình lịch sử Việt Nam, dưới thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1558-1613), hai gia tướng thân tín của thái sư Nguyễn Kim là Vũ Thì An và Vũ Thì Trung đã giúp Chúa Nguyễn Hoàng chiếm hữu Bãi Cát Vàng (tức hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa) vô chủ.

Tư liệu lịch sử để lại cho đời sau thì có quyển sách Phủ biên tạp lục của nhà bác học Lê Quý Đôn được biên soạn năm 1776. Đây là cuốn sách được các nhà sử học, học giả trên thế giới công nhận là cuốn sách cổ đầu tiên có nội dung khẳng định Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa. Như vậy về mặt lịch sử, Việt Nam đã xác lập chủ quyền một cách hòa bình đối với Trường Sa, Hoàng Sa từ thế kỷ 16, 17.

Nhìn lại lịch sử Trung Quốc cho thấy, các bản đồ Trung Hoa thời nhà Nguyên(1280-1360), Hải Quốc đồ chí in năm 1842 dưới thời nhà Thanh (1641-1911)… và nhiều bản đồ khác chỉ vẽ cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, không vẽ Tây Sa, Nam Sa (tức Hoàng Sa, Trường Sa).

Giới học giả Trung Quốc trong những năm gần đây đưa ra những công trình nghiên cứu với những chứng cứ rằng cha ông họ đã xác lập chủ quyền đối với Tây Sa, Nam Sa là ngụy tạo, không đúng sự thật. Điều đó cho thấy Trung Quốc chưa bao giờ có chủ quyền đối với Trường Sa, Hoàng Sa và hai quần đảo này chưa bao giờ thuộc Trung Quốc.

* Dưới góc độ pháp lý quốc tế ông thấy thế nào, thưa ông ?

- Về việc giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với lãnh thổ, pháp luật quốc tế đã hình thành nguyên tắc xác lập chủ quyền là nguyên tắc chiếm hữu thật sự và thực hiện quyền lực Nhà nước một cách thật sự, liên tục và hòa bình. Nguyên tắc này đã được các nước và các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng để giải quyết nhiều vụ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên thế giới. Luật pháp hiện hành là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Áp dụng nguyên tắc nói trên của pháp luật quốc tế vào trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý đều cho thấy rằng các Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thật sự hai quần đảo này hàng trăm năm qua.

Nói chính xác là các Nhà nước Việt Nam trong lịch sử và cho tới nay đã thực thi chủ quyền ở đây ít ra từ thế kỷ XVII khi hai quần đảo chưa hề thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào. Từ đó Việt Nam đã thực hiện việc xác lập và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục và hòa bình.

* Như vậy chính quyền Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không đáp ứng được hai điều kiện trên ?

Việc Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng đoạt quần đảo Hoàng Sa, tiếp theo lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", tổ chức bầu cử đại biểu HĐND, bầu thị trưởng, đưa quân đội ra đồn trú đều bất hợp pháp. Đây là hành động chà đạp lịch sử, bất chấp pháp luật quốc tế để xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

Nói cách khác, Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế và hành xử khẳng định “chân lý” của kẻ mạnh. Nó làm lộ tẩy dã tâm độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Hành động này không những không được dư luận thế giới đồng tình mà còn làm tổn hại đến hình ảnh của Trung Quốc trong mắt thế giới.

Sơn Trung (thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

;
.
.
.
.
.