.

Luật Đất đai đang "đá nhau" với nhiều luật khác

.

(ĐNĐT) - Vướng mắc trong quá trình thụ lý giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) trong quyết định hành chính liên quan đến đất đai là bất cập và mâu thuẫn do Luật Đất đai 2003 "đá nhau" với Bộ Luật Dân sự; Luật Khiếu nại, tố cáo (kể từ ngày 1-7-2012 trở về trước), Luật Nhà ở, Luật Công chứng.

UBND quận Liên Chiểu đối thoại với nhân dân để giải quyết khiếu nại về bố trí tái định cư dự án Tây Bắc 1
UBND quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng đối thoại với nhân dân để giải quyết khiếu nại về bố trí tái định cư dự án Tây Bắc 1

Đó là những vướng mắc mà UBND thành phố Đà Nẵng báo cáo với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết KNTC liên quan đến đất đai tại buổi làm việc chiều ngày 27-7.

Quyết định của chính quyền đúng pháp luật

Đoàn giám sát do ông Nguyễn Văn Phúc, Phó  Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XIII, dẫn đầu đã nghe đại diện UBND thành phố Đà Nẵng báo cáo khẳng định: Đà Nẵng đã thực hiện tốt pháp luật về KNTC liên quan đến đất đai kể từ khi triển khai Luật Đất đai 2003 đến nay, không để xảy ra điểm nóng, giữ vững ổn định trật tự xã hội.

Tổng số quyết định giải quyết KNTC của công dân trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố là 412 quyết định. So với 90.000 quyết định hành chính thu hồi đất để phục vụ công tác phát triển hạ tầng đô thị thì tỷ lệ KNTC về đất đai rất thấp. Nguyên nhân dẫn đến KNTC đối với các quyết định hành chính về đất đai là do chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, thiếu tính ổn định, còn bất cập.

Các quy định của Nhà nước về đền bù, tái định cư, hỗ trợ khi thu hồi đất có nhiều điểm chưa hợp lý. Bên cạnh đó, một bộ phận nhân dân đòi hỏi, yêu cầu quá đáng. Về nguyên nhân chủ quan, do các đơn vị, cá nhân khi thực hiện nhiệm vụ có sai sót trong kiểm định, đền bù, bố trí tái định cư. Mặt khác, một số dự án triển khai kéo dài nhiều năm, việc đền bù giải tỏa không được giải quyết dứt điểm tại thời điểm thu hồi đất dẫn đến công dân khiếu kiện.

Công tác giải quyết KNTC về đất đai của công dân đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, thấu tình, đạt lý. Các cấp chính quyền chú trọng giải quyết KNTC thông qua đối thoại trực tiếp, phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể vận động, thuyết phục, hòa giải ngay từ khi phát sinh KNTC ở cơ sở. Tỷ lệ đơn khởi kiện án hành chính rất thấp, 100% trường hợp bị tòa án các cấp bác đơn và khẳng định quyết định của UBND thành phố là đúng quy định pháp luật.

Cần sửa Luật Đất đai 2003

UBND thành phố Đà Nẵng nêu ra những vướng mắc thường gặp trong quá trình thụ lý giải quyết KNTC chính là sự bất cập và mâu thuẫn giữa Luật Đất đai với các luật có liên quan.

Đó là mâu thuẫn giữa Khoản 2, Điều 50 Luật Đất đai với Khoản 2, Điều 689 Bộ Luật Dân sự. Do đó cần sửa Luật Đất đai theo hướng thống nhất các giao dịch đất đai phải được công chứng hoặc được UBND cấp có thẩm quyền chứng thực. Không công nhận tính hợp pháp của các giao dịch chưa hoàn thiện nhằm tránh tiêu cực trong việc ký xác nhận của chính quyền, gây thất thoát nguồn thu của Nhà nước.

Từ sự mâu thuẫn giữa Luật Đất đai với Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo cho thấy cần phải sửa Luật Đất đai theo hướng: Người khiếu nại nếu không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần thứ hai thì có quyền kiện ra tòa án hành chính.

Cần phải sửa Luật Đất đai thống nhất về quy định: Các giao dịch liên quan đến đất đai phải có chứng nhận của tổ chức hành nghề công chứng. Hệ thống pháp luật chưa quy định rõ thẩm quyền thụ lý giải quyết giữa các cơ quan hành chính với hệ  thống tòa án nhân dân. Luật Đất đai và Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo chưa có sự thống nhất, đồng bộ trong quy định về trình tự giải quyết khiếu nại, tranh chấp. Việc quy định ủy quyền theo Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo phạm vi quá rộng đã tạo điều kiện cho một số phần tử lợi dụng để kích động khiếu nại thuê.

Những vướng mắc và kiến nghị của UBND thành phố Đà Nẵng được Đoàn giám sát tiếp thu để chuyển đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

S.Trung

;
.
.
.
.
.