.

Người đi tìm hài cốt đồng đội

.

Hơn 40 năm sau chiến tranh, người lính già vẫn lặn lội đi tìm hài cốt những đồng đội đã ngã xuống ở nước bạn Lào. Trong những hành trình trên con đường của ký ức ấy, có cả nước mắt, nụ cười và những duyên kỳ ngộ khó quên...

Đại tá Nguyễn Đức Chuyển (trái) và người lính Thái Lan được ông cứu năm xưa. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Đại tá Nguyễn Đức Chuyển (trái) và người lính Thái Lan được ông cứu năm xưa. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Hành trình của trái tim

Chúng tôi gặp Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Đức Chuyển (62 tuổi, ở phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) khi ông đang chuẩn bị cho hành trình mới, tiếp tục tìm kiếm, cất bốc hài cốt của một số đồng chí, đồng đội đã tìm thấy mộ cũng như chưa tìm thấy mộ về an táng tại nghĩa trang quê nhà. Ông tâm sự: “Nỗi trăn trở khi còn rất nhiều đồng chí, đồng đội chiến đấu, hy sinh nằm rải rác trên đất khu 5, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia chưa được đưa về quê nhà cứ dày vò tôi không yên. Bởi vậy, khi nghỉ hưu, tôi liền cùng một số đồng chí chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, dụng cụ, giấy tờ và lên đường sang Lào để tìm kiếm”.

Việc tìm kiếm hài cốt đồng đội ở trong nước còn khó, huống gì tìm kiếm trên đất bạn Lào. Ngay việc làm hộ chiếu, rồi ngôn ngữ, phong tục tập quán khác nhau... khiến ông Chuyển gặp không ít khó khăn. Mùa nắng, đi bộ dài ngày trong rừng khiến cả đoàn luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu nước. Mùa mưa, việc đi lại càng khó khăn hơn khi phải băng qua các sông, suối. Với chiếc thuyền độc mộc và chiếc ghe bằng nhôm chỉ đủ 2 người ngồi, nước lúc nào cũng mấp mé be thuyền, vậy mà những cựu chiến binh già vẫn vượt băng băng trên dòng Xê-Pôn, Xê-Băng-Hiêng.

Với sự dẫn đường bằng con tim và ký ức sau 40 năm, hàng chục hài cốt đồng đội được ông Chuyển và các bạn đưa về nghĩa trang quê nhà. Tìm được hài cốt đã khó nhưng đưa về lại càng gian nan. Mọi người phải làm lễ cúng tại nơi cất bốc theo phong tục, tập quán của dân làng. Lễ cúng với heo, hàng chục lít rượu..., mời dân bản, địa phương chứng kiến và làm thủ tục giấy tờ chuyển hài cốt qua cửa khẩu quốc tế giữa 2 nước Việt - Lào. Sau những tháng ngày ấy, món quà mà ông Chuyển không ngờ và cũng không nghĩ tới là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ dành cho ông về thành tích tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ.

Cuộc hội ngộ kỳ lạ sau 40 năm

Trong một lần cùng đoàn quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam hoạt động trên đất bạn Lào qua các thời kỳ đi thăm lại chiến trường xưa theo lời mời của Hội Cựu chiến binh Trung ương bạn, ông Chuyển đã gặp lại người lính Thái Lan năm xưa. Người lính ấy nay đã trở thành vị tướng từ Bangkok sang làm việc với Đại sứ quán Thái Lan tại thủ đô Vientiane của Lào, đến chùa Thạt Luổng thắp hương và tham quan. Khi nghe nói có đoàn Việt Nam, vị tướng Thái liên tục hỏi thăm từng người qua phiên dịch: “Ở đây có ai tham gia chiến trận Pạc-soòng, tỉnh Chăm-pa-sắc năm 1971 không?”. Khi đến gần ông Chuyển, vị tướng dừng lại và hỏi: “Hình như ông có tham gia trận Pạc-soòng tỉnh Chăm-pa-sắc năm 1971 phải không?”. Khi ông Chuyển gật đầu xác nhận, vị tướng hỏi tiếp về thời gian chiến dịch xảy ra, kết quả thiệt hại... với giọng run run vì xúc động. Chợt vị tướng ôm chầm lấy ông Chuyển và nói bằng tiếng Thái, đại ý rằng đã đi tìm ông - ân nhân cứu mạng - rất lâu mà giờ mới gặp được...

Câu chuyện ngày trước hiện lên rõ mồn một trong ký ức của ông Chuyển và vị tướng Thái Lan: Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sư đoàn 2 của Việt Nam hoạt động trên chiến trường khu 5 phối hợp với quân và dân Lào mở rộng vùng giải phóng. Trước sự thúc ép của Mỹ, giới cực hữu trong chính quyền Thái đã đưa quân sang Lào. Ngày ấy, ông Chuyển là đại đội trưởng đại đội trinh sát được phân công đưa đơn vị luồn sâu chặn cầu km38, cắt đứt sự chi viện của hậu phương địch cho phía trước, đồng thời chặn không cho đối phương chạy thoát về phía sau. Ông đã cùng đồng đội tấn công gây thiệt hại một đại đội quân cực hữu Thái Lan, phối hợp cùng các đơn vị trong Trung đoàn diệt gọn 2 tiểu đoàn quân phản động Lào và một đại đội quân Thái Lan, làm chủ chiến trường. Rồi ông Chuyển cùng đồng đội nhận nhiệm vụ truy lùng tàn quân địch. Trong lúc truy đuổi, ông Chuyển phát hiện một người lính thuộc quân đối phương cầm khẩu súng cách đó khoảng 20 mét. Khi áp sát, định bắt sống người lính Thái Lan, ông thấy người này bị thương quá nặng và giơ hai tay xin hàng. Ông Chuyển đã băng bó vết thương và nhường cả bình đông nước cho người lính kia. Để rồi giờ đây, cuộc gặp gỡ giữa 2 người từng ở 2 bên chiến tuyến cứ ngỡ như trong cổ tích bởi một lẽ giản đơn: Cổ tích sinh ra từ lòng người.

Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Đức Chuyển là một trong 10 cá nhân tiêu biểu đại diện cho Đà Nẵng được biểu dương tại Hội nghị biểu dương người có công cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2012 do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Quốc phòng, UBND thành phố Đà Nẵng, Báo Nhân Dân tổ chức sáng 7-7 tại Đà Nẵng.  

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.