Năm 1996, khi còn làm Trưởng Văn phòng đại diện Báo Lao động-Xã hội tại miền Trung-Tây Nguyên, vì cơ quan mới thành lập nên công việc của tôi khá bề bộn. Thời điểm này, phong trào phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khởi xướng đã được cả nước hưởng ứng. Tình hình kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn nên việc vận động các doanh nghiệp, cơ quan nhận phụng dưỡng với mức 100 ngàn đồng cho một Bà mẹ VNAH là sự phấn đấu rất lớn, đặc biệt với tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) là một trong 2 địa phương của cả nước (cùng với Thái Bình) có nhiều Bà mẹ VNAH nhất.
Nhiệm vụ của văn phòng là tập trung tuyên truyền về phong trào này ở khu vực và trực tiếp chăm sóc 3 Bà mẹ VNAH ở huyện Núi Thành do Báo Lao động-Xã hội nhận phụng dưỡng. Một nhiệm vụ không dễ dàng và cũng không kém phần vất vả là làm “hướng dẫn viên” cho các đơn vị ở các địa phương khác đến phụng dưỡng các Mẹ ở Quảng Nam-Đà Nẵng. Tất cả những vất vả ấy có thể vượt qua, khó nhất là việc xử lý những tình huống diễn ra trong quá trình phụng dưỡng.
Một lần tôi dẫn đoàn của Công ty Mỏ than Mông Dương (tỉnh Quảng Ninh) vào phụng dưỡng một Mẹ ở xã Bình Tú, huyện Thăng Bình. Đến nơi, tôi thấy khuôn mặt của Trưởng phòng TBXH và Chánh Văn phòng UBND huyện có gì đó băn khoăn, mọi nghi thức diễn ra chậm chạp. Tôi hỏi đồng chí Trưởng phòng “có chuyện gì đó không ổn à?”, đồng chí nói: “Họ vào phụng dưỡng Mẹ với số tiền lớn quá” (bao gồm tiền phụng dưỡng mỗi tháng 500 ngàn đồng và chi toàn bộ tiền sửa nhà, mua sắm vật dụng mới cho Mẹ). Tôi tiếp lời: “Như vậy thì quá tốt còn gì?”. Đồng chí Trưởng phòng cho biết, ở thôn có 3 Mẹ, một Mẹ đã được phụng dưỡng với số tiền 150 ngàn đồng/tháng, còn Mẹ này họ phụng dưỡng như vậy sẽ rất khó xử, trong khi trong thôn còn 1 Mẹ nữa chưa có đơn vị nhận phụng dưỡng. Huyện đã vận động họ phụng dưỡng cả 2 Mẹ với hình thức là chia đôi số tiền phụng dưỡng này nhưng họ không chịu”. Tôi đem ý kiến ấy nói lại với anh H., trưởng đoàn, nhưng anh đưa ra lý do chỉ thực hiện theo Nghị quyết của Đảng bộ công ty và sự chỉ đạo của Ban Giám đốc, không thể làm khác. Anh H. cho biết sẽ báo cáo lại với Đảng ủy và Ban Giám đốc công ty xem xét, còn việc tổ chức lễ nhận phụng dưỡng hôm nay phải diễn ra đúng kế hoạch. Được biết, sau này công ty cũng nhận phụng dưỡng thêm một Mẹ nữa ở huyện Thăng Bình.
Lần khác theo kế hoạch đã định, tôi dẫn đoàn của Nhà máy Kẹo Hải Hà (Hà Nội) vào nhận phụng dưỡng một Mẹ ở huyện Quế Sơn, nhưng khi vào tới nơi thì Mẹ đã có đơn vị khác nhận phụng dưỡng. Để thuyết phục được lãnh đạo nhà máy thông cảm về “sự cố” này, nhà báo phải trổ hết tài thuyết khách họ mới vui vẻ nhận phụng dưỡng Mẹ khác.
Hòa mình với phong trào, tôi cùng anh Lê Anh Dũng (thời kỳ đó ở Báo Quân đội Nhân dân) đã vận động được doanh nghiệp ảnh Trường Sơn - doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của cả nước nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH. Khi đặt vấn đề này thì chị Vân (chủ doanh nghiệp) vui vẻ nhận lời ngay. Chị yêu cầu tìm một Mẹ hoàn cảnh khó khăn nhất, đang sống cùng con cháu tại Đà Nẵng để tiện chăm sóc. Tôi nhờ anh Trần Sỹ Kỳ khi đó làm ở Trung tâm Xúc tiến việc làm của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (nay công tác ở Bảo hiểm Xã hội thành phố) tìm giúp. Anh đồng ý ngay và cùng chúng tôi đến thăm Mẹ Trản (ở phường Xuân Hà, Đà Nẵng). Nghi thức để doanh nghiệp phụng dưỡng Mẹ diễn ra nhanh chóng, báo chí đồng loạt đưa tin. Nhưng một sự cố lại xảy ra, số là sau khi báo chí đưa tin về doanh nghiệp ảnh Trường Sơn nhận phụng dưỡng Mẹ Trản, ngay hôm sau lãnh đạo phường Hải Châu 1 đến gặp doanh nghiệp với lý do “ở phường này sao lại phụng dưỡng Mẹ ở phường khác, trong khi phường chưa vận động phụng dưỡng hết các Mẹ trên địa bàn”. Và với tấm lòng hảo tâm, doanh nghiệp tiếp tục phụng dưỡng thêm một Mẹ nữa tại phường Hải Châu 1. Được biết, lúc bấy giờ Trường Sơn là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên của cả nước phụng dưỡng 2 Bà mẹ VNAH.
Gần 30 năm làm báo, tôi đã đi rất nhiều nơi, có nhiều kỷ niệm vui buồn, nhưng những kỷ niệm cùng các doanh nghiệp đi phụng dưỡng Mẹ VNAH luôn là đáng nhớ nhất. Tôi cũng ngộ ra một điều: Làm báo không chỉ là những bài viết có hiệu ứng xã hội cao, mà còn phải hòa mình vào cuộc sống bằng những việc làm cụ thể. Có như vậy, bài viết mới mang được hơi thở của cuộc sống, mới có sức lôi cuốn và có được hiệu quả tuyên truyền cao.
ĐỨC THỊNH