Cực nam lãnh thổ Trung Quốc dừng lại tại Nhai Châu (tận cùng của đảo Hải Nam) ở 18 độ 21 phút 36 giây vĩ bắc. Hoàng dư toàn lãm đồ, công trình do chính hoàng đế Khang Hi thứ 58 chủ trì, hoàn thành năm 1719, ghi rõ.
Tiến sĩ Mai Hồng giải thích cho người xem về tấm bản đồ của Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa |
Là người thống kê, thu thập (bao gồm bản gốc, ảnh minh họa, phó bản...) hơn 180 địa đồ (bản đồ), trong đó có khoảng 50 tấm địa đồ chứng minh chủ quyền biển đảo Việt Nam, nhà nghiên cứu Hán - Nôm Phạm Hoàng Quân chia sẻ: Địa đồ hành chính toàn Trung Quốc được soạn vẽ hoàn chỉnh bắt đầu từ thời Tống. Chúng được khắc trên các phiến đá lớn, loại được soạn vẽ trên lụa, giấy hoặc in trên giấy còn lại đến nay được biết bắt đầu từ triều Minh, nhiều nhất là thời nhà Thanh.
"Chúng ta phải đặc biệt phân biệt địa đồ hành chính Trung Hoa và địa đồ hành chính thế giới, tuy hai loại này cùng do người Trung Quốc thực hiện nhưng ý nghĩa khác nhau rất xa. Mức độ ưu tiên trong nghiên cứu dĩ nhiên nằm ở loại nội dung thứ nhất - địa đồ hành chính Trung Hoa, vì chúng thể hiện rõ quan điểm của các triều đại đối với đất đai cương giới mà nhà nước phong kiến Trung Hoa quản lý" Nhà nghiên cứu Hán - Nôm Phạm Hoàng Quân |
* Cụ thể một số tấm địa đồ hành chính Trung Hoa trong đó người Trung Quốc không hề nhận Trường Sa, Hoàng Sa là của họ như thế nào, thưa ông?
Trong thời nhà Thanh, đa số các bức địa đồ hành chính Trung Hoa thể hiện đúng phạm vi cương vực Trung Hoa. Ngoài bức Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ, còn rất nhiều bức khác như Hoàng dư toàn lãm đồ 1719, Khang Hi thứ 58. Công trình này do chính hoàng đế Khang Hi chủ trì, các giáo sĩ Joachim Bouvet (Bạch Tấn), Petrus Pierre Jartoux (Đỗ Đức Mỹ), Jean Baptiste Regis (Lôi Hiếu Tư), Xavier Ehrenbert Fridelli (Phí Ẩn)... thực địa trắc hội và tư vấn. Địa đồ này được in khắc bản đồng, một màu, song ngữ Hán - Mãn. Họ quan trắc thực địa, ứng dụng kỹ thuật xác định điểm thiên văn ba góc, trắc lượng kinh vĩ độ toàn quốc 641 điểm, tại Quảng Đông 37 điểm, cực nam lãnh thổ Trung Quốc dừng lại tại Nhai Châu (tận cùng của đảo Hải Nam) ở 18 độ 21 phút 36 giây vĩ bắc.
Bìa ngoài tấm bản đồ |
Bắt đầu từ năm 1708, đến năm 1718 họ hoàn thành các bản vẽ. Từ bản vẽ này hình thành ba bản khắc: bản đồng 41 mảnh tiếp hợp, mỗi mảnh 52,5 x 77cm (năm 1719 chế xong); bản gỗ 32 mảnh phân theo tỉnh và khu vực (1719); bản gỗ 227 phiến thu nhỏ, phân tỉnh, phủ. Năm Ung Chính thứ 6 (1728) đưa vào tùng thư Cổ kim đồ thư tập thành (cuốn 101), đây là bản thu nhỏ của Hoàng dư toàn lãm đồ.
Hoàng dư toàn lãm đồ là bức địa đồ đặc biệt quan trọng, là cơ sở nền tảng về tọa độ kinh vĩ cho hầu hết các địa đồ hành chính về sau, kể cả bức Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ 1904.
* Sở hữu những tấm bản đồ có giá trị lịch sử và pháp lý, theo ông, điều chúng ta cần chú ý là gì?
Khi phân biệt một cách rõ ràng, chúng ta sẽ thấy rõ các kiểu lý giải gượng ép về một số địa đồ cổ của học giới Trung Quốc hiện nay, họ chỉ dựa vào hoặc đưa ra các bản đồ hành chính thế giới. Dĩ nhiên họ sẽ có vẽ và tiêu danh các đảo, cụm đảo trên biển Đông, nhưng việc này không có ý nghĩa xác lập chủ quyền của nhà nước Trung Hoa.
Mặt khác, khi phân biệt một cách rõ ràng, học giới Việt Nam sẽ thuận tiện khi cho các thông tin và trưng dẫn một cách chính xác trong việc sử dụng địa đồ cổ Trung Quốc vào các lập luận.
Cuối cùng, chúng ta sẽ thấy rằng suốt quá trình lịch sử, việc soạn vẽ địa đồ của các cơ quan công quyền, các học giả và các nhà du hành người Trung Hoa không có biểu hiện chiếm hữu các đảo, quần đảo trên biển Đông Việt Nam và biển Đông Nam Á.
Cần công bố các bản đồ thể hiện chủ quyền quốc gia
Sáng 25-7, lễ tiếp nhận tấm bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ (NXB Thượng Hải 1904), chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa không thuộc Trung Quốc, đã diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, số 1 Tràng Tiền, Hà Nội.
Tiến sĩ Mai Hồng trao lại tấm bản đồ cho đại diện Bảo tàng lịch sử quốc gia |
Tấm bản đồ này được TS Mai Hồng trao lại cho bảo tàng nhằm lưu giữ, bảo quản cẩn trọng, phục vụ nghiên cứu khoa học, đồng thời giới thiệu tới đông đảo công chúng trong nước và quốc tế.
Xúc động trước sự quan tâm của đông đảo người dân, TS Mai Hồng chia sẻ mong mỏi nhiều đơn vị như Bộ Ngoại giao, các đơn vị chủ chốt thuộc ngành hàng hải sẽ quan tâm hơn tới việc tuyên truyền, công bố các tấm bản đồ quan trọng, thể hiện chủ quyền quốc gia trên các website thuộc bộ hoặc dịch giới thiệu ra quốc tế. Tấm bản đồ hiện được trưng bày tại phòng trưng bày chuyên đề của bảo tàng.
Theo Tuổi trẻ