Ngày 29-6, Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp với Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức tọa đàm “Đánh giá một số quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 từ thực tiễn xét xử Tòa án Nhân dân”.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đề cập đến vị trí quan trọng của BLDS trong hệ thống pháp luật nước ta. Qua gần 7 năm áp dụng, BLDS đi vào cuộc sống đã góp phần điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, đồng thời cũng là cơ sở pháp lý để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ các giao dịch dân sự. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc áp dụng luật vào thực tiễn vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc và có nhiều mối quan hệ phát sinh như: bồi thường thiệt hại; mối quan hệ giữa các chủ thể khác nhau trong giao dịch dân sự; quyền sở hữu; hợp đồng dân dự và quyền thừa kế trong BLDS năm 2005... Đa số các đại biểu đều cho rằng, cấu trúc của BLDS đã tạo ra nhiều nội dung trùng lắp, có nội dung được đưa vào những vị trí không rõ mục đích và không đúng bản chất. Kết quả là ý đồ, mục đích, quan điểm chiến lược của nhà làm luật không được thể hiện rõ, các quy định trong luật không mang tính hợp lý, hệ thống, logic rất khó áp dụng trong thực tiễn.
Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương đã tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu về BLDS năm 2005 và cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc sửa đổi BLDS hết sức cần thiết nhằm điều chỉnh những quan hệ dân sự phát sinh trong tình hình mới. Tuy nhiên, những sửa đổi này phải dựa trên lý thuyết cũng như thực tiễn. Những quy định, chế định nào không phù hợp sẽ loại ra nhưng những chế định không thể thiếu trong BLDS thì vẫn được giữ nguyên.
VĂN NỞ