.

Nhịp cầu hữu nghị

.

Triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào ký ngày 18-7-1977, từ những năm 1978-1984 tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đã cử nhiều chuyên gia các ngành nông nghiệp, giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục... sang giúp tỉnh Salavan kết nghĩa. Đồng thời tỉnh cũng đưa nhiều vật tư, vật liệu xây dựng cùng nhiều máy móc, thiết bị sang giúp bạn khôi phục và phát triển kinh tế-văn hóa. Hàng trăm lượt cán bộ quản lý và kỹ thuật nông nghiệp của tỉnh bạn đã được đào tạo tại Việt Nam. Số cán bộ này sau khi hoàn thành chương trình đào tạo đã trở về nhận công tác tại địa phương và trở thành những cốt cán trong các phong trào của tỉnh Salavan.

Lễ đón đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước CHDCND Lào Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn đến thăm Đà Nẵng ngày 9-8-2011.
Lễ đón đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước CHDCND Lào Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn đến thăm Đà Nẵng ngày 9-8-2011.

Đầu năm 1985, thực hiện chủ trương của tỉnh thành lập Đoàn Chuyên gia Quảng Nam-Đà Nẵng ở tỉnh bạn, tôi được Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh cử làm Trưởng đoàn Chuyên gia thường trú tại tỉnh Salavan cùng với một số đồng chí là cán bộ chủ chốt của các ngành kế hoạch, nông nghiệp, y tế, văn hóa, an ninh sang bổ sung thêm vào số chuyên gia của các ngành đã có từ trước. Trên cơ sở biên bản đã ký kết giữa hai tỉnh, Đoàn Chuyên gia thường trú chịu trách nhiệm tổ chức và quản lý số chuyên gia hiện có để thống nhất kế hoạch hướng dẫn giúp tỉnh và các ngành của bạn triển khai kế hoạch tổ chức sản xuất, đẩy mạnh các hoạt động kinh tế và đời sống.

Vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh, tỉnh bạn gặp vô vàn khó khăn về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Đời sống nhân dân thiếu đói trầm trọng. Cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì. Tình trạng “Không điện, không nước, không đường” kéo dài nhiều năm. Trong lúc đó, bọn phỉ tăng cường hoạt động ở nhiều nơi. Chúng thường xuyên phục kích, tập kích các đoàn xe chở hàng hóa, vật tư từ Viêng Chăn về và từ Đà Nẵng sang gây nhiều tổn thất về người, phương tiện và hàng hóa.

Trước tình hình đó, Đoàn Chuyên gia đã nhanh chóng ổn định tổ chức, tăng cường công tác tư tưởng, xác định rõ nhiệm vụ giúp bạn đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống nhân dân là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh nói riêng, giữa Việt Nam và Lào nói chung. Các đồng chí chuyên gia phụ trách các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông vận tải, kế hoạch, y tế, văn hóa... đã nhanh chóng thâm nhập thực tế, nắm chắc tình hình ở các huyện và cơ sở, đề xuất với Thường vụ Tỉnh ủy và chính quyền tỉnh nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, Đoàn đã đề xuất với lãnh đạo tỉnh bạn tiến hành quy hoạch, phân vùng sản xuất, củng cố các hợp tác xã đã có ở từng huyện, huy động dân làm thủy lợi, làm phân bón, áp dụng kỹ thuật canh tác mới, từng bước đưa giống mới có năng suất cao vào sản xuất thí điểm ở một vài hợp tác xã dưới sự hướng dẫn cụ thể, sát sao của các chuyên gia nông nghiệp. Tại hợp tác xã Na-than-cố (huyện Salavan) - đơn vị được chọn làm điểm, Đoàn chuyên gia đã giúp bạn khảo sát nguồn nước tự chảy về tưới cho cánh đồng điểm và các cánh đồng khác. Vụ hè năm ấy đã cho kết quả tốt, năng suất bình quân đạt 45 tạ/ha. Bà con nông dân rất phấn khởi, coi đây là vụ được mùa chưa từng có. Để có được kết quả trên, các đồng chí chuyên gia nông nghiệp đã không quản ngại khó khăn về tận các hợp tác xã ở huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên để chọn mua lúa giống phù hợp với đồng đất của bạn, tổ chức vận chuyển giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sang để cung cấp cho các hợp tác xã.

Trên lĩnh vực xây dựng cơ bản, Đoàn đã giúp đỡ tỉnh bạn tiến hành quy hoạch thị xã tỉnh lỵ Salavan, quy hoạch các khu trung tâm, các khu vực xây dựng trụ sở, bệnh viện, trường học, đài phát thanh, sân vận động, v.v... Trên cơ sở những định hướng ấy, tỉnh bạn tiếp tục quy hoạch chi tiết và đến nay thị xã tỉnh lỵ đã có bước phát triển nhanh về cơ sở hạ tầng giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế tương đối hài hòa, đồng bộ. Về giao thông vận tải, ngành giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đã giúp bạn quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ, khôi phục một số tuyến đường liên huyện. Đến nay đã hơn 30 năm song các công trình này vẫn còn sử dụng tốt.

Trên mặt trận văn hóa, giáo dục, y tế, những năm đầu sau giải phóng, tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng đã cử nhiều chuyên gia, đưa thiết bị, thuốc men sang giúp tỉnh bạn phòng chống dịch sốt rét, dịch tả, hướng dẫn giúp đỡ bạn xây dựng các bệnh viên tuyến tỉnh, các bệnh xá ở các huyện, đào tạo, cung cấp cán bộ chuyên môn cho các cơ sở điều trị. Chỉ sau ba tháng, dịch sốt rét, dịch tả đã được dập tắt. Cán bộ và nhân dân các huyện đã biết cách phòng trừ sốt rét bằng ngủ màn, tránh muỗi đốt, uống thuốc phòng ngừa, dọn dẹp phát quang khu vực nhà ở, thực hiện vệ sinh ăn chín, uống chín, v.v...

Những kết quả đạt được trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật nêu trên đã giúp tỉnh bạn bước đầu khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, tạo tiền đề cho bước phát triển mới vào những năm sau này.

Những kết quả ấy có ý nghĩa vô cùng đặc biệt: tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng vừa mới được giải phóng, nền kinh tế còn nghèo, sản xuất chưa phát triển, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn lại bị kìm hãm bởi cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết đặc biệt giữa hai nước, hai dân tộc, đã sẵn sàng nhường cơm sẻ áo giúp đỡ bạn, xây nên “nhịp cầu hữu nghị” cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

PHẠM THANH BA

(Nguyên Trưởng Đoàn Chuyên gia tại tỉnh Salavan; nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Lào thành phố Đà Nẵng)

;
.
.
.
.
.