.

Phấn khởi với điểm mới của Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn

.

Bộ Luật Lao động và Luật Công đoàn (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIII thông qua dù năm 2013 mới có hiệu lực, song theo ghi nhận của chúng tôi, ngay từ bây giờ, từ CNLĐ đến cán bộ Công đoàn, chủ doanh nghiệp hết sức phấn khởi bởi những nội dung mới đã tăng thêm quyền lợi cho tổ chức Công đoàn, CNLĐ.

* Chị Trần Thị Hoài Trang, cán bộ chuyên trách Công đoàn Công ty TNHH Daiwa Việt Nam:

Cán bộ Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI gặp muôn vàn khó khăn, áp lực khi kinh phí Công đoàn hạn hẹp, cơ sở vật chất ít được đầu tư, trang bị, thời gian cho cán bộ Công đoàn, đoàn viên tham gia hoạt động, sinh hoạt rất ít, chủ yếu phụ thuộc vào chủ doanh nghiệp. Muốn hoạt động Công đoàn sôi nổi, để Công đoàn là tiếng nói bảo vệ quyền lợi người lao động, tạo những sân chơi, hoạt động bổ ích cho người lao động đòi hỏi cán bộ phải có bản lĩnh, không chỉ hiểu biết về pháp luật mà còn phải năng nổ, nhiệt tình. Tuy nhiên, cơ chế bảo vệ cán bộ Công đoàn chưa rõ, chưa thỏa đáng. Chúng tôi rất quan tâm đến việc Quốc hội lấy ý kiến, thảo luận về Luật Công đoàn sửa đổi và vô cùng phấn khởi vì trong những điểm mới của Luật Công đoàn sửa đổi có cơ chế bảo vệ những người làm công tác Công đoàn. Đây có thể coi là điểm tựa để chúng tôi phấn đấu làm tốt vai trò của cán bộ Công đoàn và sẵn sàng làm người ở tuyến đầu trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động.

* Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Co.op Mart Đà Nẵng:

Điểm mới trong Luật Công đoàn sửa đổi lần này có đề cập đến kinh phí Công đoàn. Theo đó, tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều có nghĩa vụ trích nộp kinh phí Công đoàn bằng 2% quỹ lương làm căn cứ đóng BHXH, cho dù cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã thành lập được Công đoàn cơ sở hay chưa. Theo tôi điều này rất hợp lý. Bởi chỉ khi được bảo đảm về kinh phí thì Công đoàn mới bảo đảm hoạt động của mình, góp phần chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ, giáo dục, động viên người lao động phấn đấu hoàn thành tốt công việc, góp phần bảo đảm cho doanh nghiệp hoạt động bình thường và phát triển. Với hệ thống Co.op Mart, việc trích 2% quỹ lương đã thực hiện từ nhiều năm nay. Qua đó, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho quá trình chăm lo đời sống cán bộ, công nhân viên, cũng như các hoạt động của Công đoàn. Điển hình như tổ chức các hoạt động từ thiện, giúp đỡ người nghèo, các hoạt động vui chơi của thiếu nhi... Tuy nhiên, theo nhìn nhận của cá nhân tôi, việc thu kinh phí Công đoàn ở những cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn sẽ vô vùng khó khăn, bởi lẽ rất khó để những đơn vị này tự nguyện nộp kinh phí, vì điều này ít nhiều ảnh hưởng đến vấn đề tài chính của doanh nghiệp. Do đó, Công đoàn cần tăng cường công tác tuyên truyền để nhận được sự đồng thuận từ các đơn vị chưa có tổ chức Công đoàn.

* Chị Nguyễn Thị Linh, công nhân Công ty TNHH Vinakad:

Bộ Luật Lao động sửa đổi quy định thời gian nghỉ thai sản 6 tháng làm chúng tôi thực sự vui mừng. Hầu như công nhân ở khu công nghiệp là lao động nhập cư nên việc sinh con rồi nhờ ông bà chăm giúp rất hiếm. Trong khi đó, thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống nên việc thuê người về trông con không thể có. Tôi đã biết cảnh những người bạn của mình chạy đôn chạy đáo tìm chỗ giữ trẻ nhỏ dưới 6 tháng không ra. Có những chị đi làm thì nước mắt ngắn, nước mắt dài vì sữa căng đau, trong khi con không có sữa mẹ để bú. Có thể việc nghỉ thai sản kéo dài sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và cả thu nhập của nữ công nhân, nhưng trên hết, được chăm sóc con đến khi bé cứng cáp rồi mới đi làm thì chắc chắn rằng bà mẹ nào cũng muốn. Nữ công nhân nói riêng và phụ nữ nói chung có thể yên tâm vì xã hội đã thực sự quan tâm đến quyền lợi làm mẹ của họ.

 

* Chị Lê Thị Ngọc Mai, nhân viên Co.op Mart Đà Nẵng:

Tôi quan tâm đến thời gian làm thêm giờ được quy định trong Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Theo đó, Luật quy định giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong 1 ngày. Trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm. Việc quy định thời gian làm thêm sẽ phần nào hạn chế việc tăng ca ở các doanh nghiệp.

 

PHAN THỊ HÀ (lược ghi)

;
.
.
.
.
.