.

"Sẵn sàng cung cấp cho Trung Quốc cứ liệu khẳng định chủ quyền Hoàng Sa"

.

(ĐNĐT) - Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng cho biết sẵn sàng cung cấp cho các đồng nghiệp Trung Quốc những cứ liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là bất di, bất dịch!

Mô phỏng quần đảo Hoảng Sa được dựng ở Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: Đắc Mạnh/ĐNĐT
Mô phỏng quần đảo Hoảng Sa được dựng ở Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: Đắc Mạnh/ĐNĐT

Các năm qua, Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, đóng góp quan trọng về tư liệu cho việc nghiên cứu, khẳng định của quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa. Trước sự việc Trung Quốc ngang nhiên thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", ĐNĐT đã trao đổi với Thạc sĩ Sử học Lưu Anh Rô, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng.

* Ý kiến của ông về cái gọi là "thành phố Tam Sa" của Trung Quốc?

-  Theo chúng tôi, cái gọi là "thành phố Tam Sa" nó chỉ nói lên được một điều: đây là lý lẽ của kẻ mạnh, bởi nó bất chấp luật pháp quốc tế và tính lịch sử lâu đời về một phần lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là Việt Nam đối quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bằng các cứ liệu lịch sử, chúng ta có thể khẳng định rằng: Việt Nam là quốc gia đầu tiên, duy nhất và liên tục đặt Trường Sa, Hoàng Sa dưới sự cai quản hành chính của mình. Từ giai đoạn 1954 về trước, tôi xin không đề cập bởi có nhiều nhà nghiên cứu đã nói, ở đây, tôi xin đơn cử việc chính quyền miền Nam Việt Nam thành lập xã Định Hải thuộc quận Hòa Vang, nay thuộc Đà Nẵng của chúng ta. Qua đó, để thấy việc bầu HĐND, bầu thị trưởng của "Tam Sa" mà Trung Quốc giới thiệu gần đây là vô giá trị.

Ngày 7-9-1951, tại Hội nghị San Francisco, đại diện chính quyền miền Nam Việt Nam đã tuyên bố trước sự chứng kiến của 51 nước tham dự rằng, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ lâu đời của Việt Nam mà không gặp bất kỳ một sự phản ứng nào. Tiếp đó, ngày 1-6-1956, đại diện chính quyền miền Nam Việt Nam lại tuyên bố tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Mới đây, trong khi nghiên cứu, chúng tôi được tiếp cận một số văn bản đóng dấu "Mật" của chính quyền miền Nam Việt Nam liên quan đến việc cai quản hành chính Hoàng Sa, thấy ngày 13-7-1961, chính quyền Nam Việt Nam đã ra Sắc lệnh 174/NV về thành lập một đơn vị hành chính cấp xã tại quần đảo Hoàng Sa và lấy tên là xã Định Hải, trực thuộc quận Hòa Vang. Điều đáng nói ở đây, khi Sắc lệnh trên được công bố, không thấy Trung Quốc phản ứng. Cho đến trước ngày 19-1-1974, khi Trung Quốc thực hiện cưỡng chiếm hoàn toàn Hoàng Sa, tại đây luôn luôn có hàng trăm người Việt Nam bảo vệ, khai thác kinh tế, nhiều nhất là người Quảng Nam - Đà Nẵng).

Phải sau 56 năm kể từ khi lấn chiếm dần dần (tháng 4-1956) rồi dùng vũ lực chiếm đoạt (bất hợp pháp) hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc mới lập ra cái gọi là "thành phố Tam Sa" bất chấp phản ứng mạnh mẽ của dư luận quốc tế. Trong khi đó, Việt Nam đã làm điều đó từ rất lâu trong lịch sử. Vì các lẽ trên, cách đây chừng 10 năm, Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng đã đề nghị tái thành lập xã Định Hải trên cơ sở một đảo hoặc một nhóm đảo nào đó của Hoàng Sa với một phần ngư dân đánh cá của Hòa Hải, đặt dưới sự quản lý của UBND huyện Hoàng Sa như hiện nay.

* Trong quá trình hoạt động nghiên cứu lịch sử, Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng có những nghiên cứu nào về Hoàng Sa?

- Với sứ mạng của những người nghiên cứu sử, Hội chúng tôi và cá nhân từng hội viên đã đóng góp rất nhiều cho việc sưu tầm, thu thập cứ liệu về Hoàng Sa và tuyên truyền trong nhân dân về một phần máu thịt này của Tổ quốc. Tựu trung chúng tôi thực thi trên 2 phương diện.

Thứ nhất, đẩy mạnh việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các ấn phẩm về Hoàng Sa. Các hội viên chúng tôi suốt hàng chục năm qua đã sưu tầm, công bố, bảo quản nhiều sử liệu quan trọng về Hoàng Sa, về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Một phần trong số đó, chúng tôi đã cho đăng tải trên các báo, tạp chí, nhất là sách "Lịch sử Xứ Quảng - Tiếp cận và Khám phá", tập san "Nghiên cứu Lịch sử Xứ Quảng" và "Kỷ yếu Hoàng sa".

Chúng tôi sẵn sàng cung cấp cho các đồng nghiệp Trung Quốc những cứ liệu khẳng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là bất di, bất dịch!

Thứ hai, chúng tôi đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa bằng nhiều hình thức. Ngoài việc cung cấp thông tin, trả lời phỏng vấn báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, chúng tôi còn tư vấn cho HĐND thành phố đặt tên đường Hoàng Sa, Trường Sa và nhất là đặt tên "Công viên Biển Đông" chỗ cuối đường Phạm Văn Đồng, sát bãi biển đã được sự đồng tình, đánh giá cao của dư luận.

Chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động như xây dựng mô hình quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trồng cây bàn vuông tại Bảo tàng Tổng hợp thành phố; giới thiệu sách về Hoàng Sa, giới thiệu những tư liệu, hình ảnh từ xưa đến nay về Hoàng Sa và Trường Sa cho nhân dân thành phố và du khách xa gần.

Sơn Trung (thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

;
.
.
.
.
.