Trong chiến đấu, họ đã không tiếc máu xương để tô thắm lá cờ đỏ sao vàng. Trong thời bình, họ vượt qua nỗi đau trên da thịt mỗi khi trái gió trở trời trong sự chia sẻ của xã hội… Đó là những thương binh nặng ở Trại Thương binh nặng Hội An (nay là Trung tâm nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công tỉnh Quảng Nam).
Chăm sóc, kiểm tra sức khỏe cho các mẹ, các anh thương binh là công việc hằng ngày của Trung tâm. |
Chúng tôi đến trung tâm vào một ngày trung tuần tháng 7, trong không khí cả nước đang trân trọng kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7). Gặp chúng tôi, anh thương binh ¼ Trần Tài Trẫm nói rằng, mọi hôm giờ này đã đọc hết vài tờ báo rồi, nhưng hôm trở trời, chân anh rút lại, đau thắt bởi mảnh đạn ghim vào cột sống lúc ở chiến trường nên anh mất ngủ cả đêm. Anh tâm sự, bị thương tật hạng ¼ vào năm 1979 ở chiến trường Tây Nam, biết sức khỏe mình không giúp gì được cho mẹ già và em gái đang ở quê Núi Thành (tỉnh Quảng Nam), nên anh đăng ký ở lại trung tâm. Anh say sưa kể về những năm tháng làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia nhưng câu chuyện của anh thường bị đứt quãng bởi cơn đau thắt ở cột sống lưng. Cô điều dưỡng cho biết, anh không muốn lập gia đình, vì không muốn làm phiền người khác; và vì hơn ai hết, anh cảm nhận được nỗi đau trên da thịt của mình.
Những thương binh mà chúng tôi gặp tại trung tâm thường kể về những năm tháng chiếu đấu hào hùng ở chiến trường ác liệt. Những câu chuyện các anh kể như mới xảy ra ngày hôm qua, vì nỗi đau trên da thịt vẫn âm ỉ mỗi ngày đến tận hôm nay. Mỗi câu chuyện, hoàn cảnh của từng người đã để lại cho chúng tôi những cảm nhận sâu sắc về sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước.
Chị Lê Thị Minh Hương, Phó phòng Y tế chăm sóc sức khỏe tại trung tâm, tâm sự: Mới đó mà đã 30 năm trôi qua từ ngày chị làm công tác điều dưỡng tại trung tâm và cũng ngần ấy thời gian chị đã gắn bó với anh thương binh nặng Lê Xuân Nhị. Chị nhớ lại: Ngày ấy, có nhiều người phản đối việc chị quyết định kết hôn với anh Nhị, bởi lấy một người mà phổi bị cắt mất một phần, một phần xương sườn đã để lại chiến trường thì e rằng chị sẽ khổ. Thế nhưng, chị vẫn quyết đến với anh. Những ngày đầu chung sống quá cơ cực. Mỗi năm, vết thương anh Nhị lại tái phát, phải đi viện trong Nam, ngoài Bắc không biết bao nhiêu lần. Một mình chị vừa phải chèo chống kinh tế cho gia đình, vừa phải hoàn tất công việc chăm sóc thương binh… Nhưng đến nay, chị có thể thở phào bởi hai con của anh chị đã trưởng thành, có việc làm ổn định. Chị tiếp tục hành trình sẻ chia nỗi đau cùng chồng và chăm sóc các thương binh tại trung tâm. Và giờ đây, trong tổ ấm của chị còn có thêm tiếng cười trẻ thơ là các cháu nội, cháu ngoại. Với chị, cuộc sống thật ý nghĩa, hạnh phúc thật đong đầy. Chị bảo: “Nỗi đau chia đôi sẽ còn một nửa”.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà hai tầng mà mọi người thường nói vui là cao nhất làng thương binh, anh thương binh nặng Dương Văn Thanh (quê Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ rằng, cứ tưởng cuộc đời chấm dứt sau khi bị thương ở chiến trường, nhưng hạnh phúc đã đến khi anh điều trị tại trung tâm. Tấm lòng của cô điều dưỡng Khổng Thị Lan đã tiếp cho anh nghị lực sống. Chị Lan đến với anh không chỉ bằng tình yêu thương, sự sẻ chia mà hơn hết, chị hiểu nỗi đau, sự hy sinh, mất mát to lớn của những người đã cống hiến xương máu để đem lại độc lập, tự do cho đất nước. Chính tình yêu thương đó đã thôi thúc anh Thanh vượt lên chính mình, chiến thắng bệnh tật, tìm cách thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Đến nay, vợ chồng anh đã có nhà cao tầng khang trang, hai con ăn học đến nơi đến chốn và đã có việc làm ổn định. Anh Thanh nói trong niềm cảm kích: Tình yêu thương bao la của vợ đã cho anh phép nhiệm mầu.
Đối với mẹ Trần Thị Trinh - mẹ liệt sĩ neo đơn ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, hơn một năm nay, mẹ không còn đi lại được, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào những hộ lý ở trung tâm. Chứng kiến bữa ăn trưa của mẹ, chúng tôi không khỏi xúc động. Cô hộ lý bón cho mẹ từng thìa cháo, lau khô cho mẹ từng giọt mồ hôi và dỗ dành, tâm sự để khỏa lấp sự cô đơn của người mẹ 90 tuổi. Chị Lê Thị Liên có hơn 25 năm làm những việc như thế tại trung tâm cho biết, chăm mẹ, chăm các anh không chỉ bằng trách nhiệm công việc hằng ngày mà là tình thương, nghĩa vụ và trách nhiệm của thế hệ sau đối với thế hệ trước.
Ông Tôn Thất Hoàng, Giám đốc trung tâm cho biết, ở trung tâm, có rất nhiều những trường hợp như thế, tình yêu, sự sẻ chia, cảm thông đã gắn kết họ với nhau. Nỗi đau trên cơ thể rồi sẽ dần qua đi, niềm hạnh phúc tiếp tục sinh sôi nảy nở và lan tỏa.
Bài và ảnh: VĂN NỞ