Chiều 3-7, kỳ họp thứ 4 HĐND thành phố tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường. Các ý kiến bày tỏ lo lắng vấn đề sản xuất kinh doanh đình đốn, giảm phát của nền kinh tế đã hiển hiện trước mắt. Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang lâm vào cảnh thiếu vốn, hàng tồn kho ứ đọng, công nhân mất việc làm, nguồn thu ngân sách sụt giảm nghiêm trọng.
Đại biểu Huỳnh Bá Cử phát biểu. Ảnh: V.DŨNG |
Sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Theo đại biểu Trương Phước Ánh, về vấn đề vĩ mô thì đây là trách nhiệm điều hành nền kinh tế của Chính phủ kém hiệu quả. Các đại biểu bày tỏ đồng tình với ý kiến của Ban Kinh tế-Ngân sách trong báo cáo thẩm tra rằng: UBND thành phố cần có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đưa các giải pháp này sớm đi vào cuộc sống, đáp ứng sự mong mỏi của giới doanh nghiệp. Bên cạnh nguồn thu ngân sách tiền sử dụng đất, cần xác định và có biện pháp nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu các loại thuế do doanh nghiệp đóng, nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp. Cần coi đây là nguồn thu ổn định để thúc đẩy sự phát triển của thành phố. Đại biểu Đặng Công Thắng đề nghị UBND thành phố cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho ngư dân theo hướng đầu tư tàu thuyền công suất lớn khai thác xa bờ; tập trung hoàn thành quy hoạch đất sản xuất, hình thành khu sản xuất, khu chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung. Theo đại biểu Phạm Thị Tuyết Nhung, hiện nay du khách đến Đà Nẵng lưu trú không dài ngày do thiếu các dịch vụ phụ trợ của ngành du lịch. Đề nghị thành phố có chính sách phát triển các khu mua sắm, giải trí gần các khu du lịch, khách sạn, đẩy mạnh thực hiện các dự án du lịch trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, khuyến khích các hộ dân kinh doanh các mặt hàng lưu niệm và dịch vụ phụ trợ cho du lịch. Đồng thời thành phố cần rà soát và có biện pháp xử lý các dự án du lịch lấy đất rồi bỏ hoang nhiều năm.
Bảo đảm an sinh xã hội
Để bảo đảm an sinh xã hội, nhiều ý kiến đề nghị thành phố có giải pháp tạo việc làm, nhất là đối với nông dân không còn đất sản xuất sau khi giải tỏa. Đại biểu Lê Thị Nam Phương đánh giá cao việc thành phố giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề hậu giải tỏa cho người dân nhưng cần có giải pháp căn cơ, hiệu quả và thực hiện quyết liệt hơn. Những dự án lấy đất nông nghiệp đã công bố quy hoạch nếu để kéo dài nhiều năm không thực hiện thì nên hủy quy hoạch để người dân có đất sản xuất. Đối với những dự án đang triển khai, cần hạn chế làm ảnh hưởng đến các vùng đất sản xuất bên cạnh. Thực tế việc san lấp mặt bằng các dự án hiện nay đã gây ảnh hưởng, làm cho nhiều diện tích đất nông nghiệp chưa giải tỏa không thể sản xuất được. Mức đền bù đối với đất nông nghiệp không còn phù hợp, thành phố cần nghiên cứu mức đền bù mới hợp lý hơn. Việc áp giá đền bù rồi sau 2-3 năm mới chi trả tiền cho người dân trong vùng giải tỏa chưa hợp lý vì giá cả tiêu dùng, giá vật liệu đã trượt giá tăng cao. Theo đại biểu Thái Thanh Hùng, còn nhiều bức xúc của cử tri mà kỳ họp nào cũng nói đến, lãnh đạo các cơ quan có trách nhiệm liên quan cũng hứa nhưng chưa giải quyết rốt ráo, triệt để. Đại biểu nêu ra vấn đề là các điểm nóng về ô nhiễm môi trường ở các khu công nghiệp. Việc để cho tư nhân đầu tư nhà máy xử lý nước thải là không hợp lý, trong khi đó chưa có chế tài nghiêm khắc đối với doanh nghiệp không chịu đấu nối đưa nước thải về nhà máy xử lý. Một số ý kiến khác đề cập đến việc san lấp mặt bằng ở các dự án gây ngập úng cho nhiều khu dân cư lân cận mỗi khi trời mưa. Để xây dựng thành phố môi trường, thành phố đáng sống, UBND thành phố cần có biện pháp chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư.
Tiếp tục phấn đấu giảm tai nạn giao thông
Đại biểu Tạ Tự Bình lo lắng trước tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, số người nghiện ma túy tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Đại biểu đồng tình với đề nghị của UBND thành phố hỗ trợ cho người cai nghiện ma túy thành công trong 5 năm nhưng nên hỗ trợ về sinh kế chứ không hỗ trợ tiền mặt. Tai nạn giao thông của Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm giảm cả 3 mặt, cần phát huy kết quả này, đồng thời có biện pháp xử lý các điểm đen về tai nạn giao thông, đổi mũ bảo hiểm cho nhân dân. Đại biểu Huỳnh Bá Cử cho biết tỷ lệ án hôn nhân-gia đình trong 6 tháng qua tăng cao (1.129 vụ) nhưng tỷ lệ hòa
giải thành thấp (13,6%). Do đó cần đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở, tăng cường phổ biến pháp luật về hôn nhân-gia đình, bình đẳng giới. Theo ý kiến của một số đại biểu, hiện nay các khu dân cư có nhu cầu rất lớn về nhà sinh hoạt cộng đồng. Thành phố cần khảo sát thực tế nhu cầu này và có lộ trình để xây dựng các nhà sinh hoạt cộng đồng cho nhân dân. Cần phổ biến số điện thoại đường dây nóng của các cấp chính quyền để người dân thông tin kịp thời những vấn đề bức xúc. Hiện nay phụ cấp đội trưởng, đội phó dân phòng rất thấp. Đề nghị thành phố kiện toàn lại lực lượng này bảo đảm tinh gọn và nâng mức phụ cấp cho đội trưởng, đội phó lên ngang với tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố.
Kết thúc phiên thảo luận, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh ghi nhận các ý kiến đóng góp của các đại biểu HĐND thành phố. Đồng chí dành thời gian trao đổi lại những nội dung các đại biểu nêu như: vấn đề thu ngân sách giảm, nợ xấu ngân hàng, lợi ích nhóm. Về vấn đề tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng chí Nguyễn Bá Thanh cho biết, ngay trong tháng 7 này lãnh đạo thành phố, đại diện các ngân hàng và doanh nghiệp sẽ gặp gỡ, đối thoại để lắng nghe và giải quyết, tháo gỡ những khó khăn của doanh nghiệp nhằm vực dậy, khôi phục sản xuất trong thời gian tới. Đồng chí cho biết, sắp đến thành phố sẽ nghiên cứu rà soát, sắp xếp lại các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, trong đó đề cao tính hiệu quả trong công tác phát hiện, đấu tranh, ngăn ngừa tội phạm trong khu dân cư, tổ dân phố, góp phần làm cho nhân dân yên tâm. Các vấn đề như: sinh kế cho người dân vùng giải tỏa, ô nhiễm môi trường, thiếu nhà sinh hoạt cộng đồng, việc thu đổi mũ bảo hiểm, kinh phí xây dựng Bệnh viện Ung thư, đặt tên đường… cũng được Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh giải thích rõ với đại biểu HĐND tại phiên thảo luận.
Đưa nội dung phản đối Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” vào Nghị quyết HĐND thành phố khóa VIII tại kỳ họp thứ 4 Tại phiên thảo luận, đại biểu Trương Phước Ánh đã phát biểu: Việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm quyền quản lý hành chính của chính quyền thành phố Đà Nẵng đối với huyện đảo Hoàng Sa. Vì vậy đề nghị đưa nội dung phản đối hành vi này của chính quyền Trung Quốc vào Nghị quyết HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VIII tại kỳ họp thứ 4. Đề nghị của đại biểu Ánh được đại biểu Thái Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thành phố đồng tình ủng hộ. Đại biểu cho biết: Hội Cựu chiến binh thành phố rất đồng tình với thái độ phản ứng kịp thời của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng phản đối hành động của Trung Quốc về việc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh phát biểu đồng ý đưa các ý kiến trên vào Nghị quyết tại kỳ họp này của HĐND thành phố. |
SƠN TRUNG - VIỆT DŨNG