.

Tuyên truyền trật tự giao thông: Chưa trúng đích!

.

Theo thống kê của cơ quan chức năng thành phố, có khoảng 70% đối tượng bị CSGT lập biên bản xử phạt vi phạm Luật Giao thông đường bộ ở độ tuổi 16-30 và chiếm khoảng 40% số người chết vì TNGT đường bộ là người ở địa phương khác. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền trong thời gian qua cho đối tượng này lại rất hạn chế.

Bên cạnh việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, công tác tuyên truyền cũng cần đầu tư đúng mức thì hiệu quả mới cao.
Bên cạnh việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, công tác tuyên truyền cũng cần đầu tư đúng mức thì hiệu quả mới cao.

Trước tình hình TNGT đáng lo ngại, những năm gần đây, thành phố Đà Nẵng đã tập trung nhiều công sức cho công tác tuyên truyền và tăng cường tuần tra xử phạt các đối tượng vi phạm. Thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền trên lĩnh vực trật tự ATGT đã có bước chuyển biến tích cực, không còn “giao khoán” cho ngành giao thông và công an mà có sự hợp tác từ các địa phương, các ngành, các cấp. Đặc biệt, sự tham gia của các hội, đoàn thể là thanh niên, phụ nữ, nông dân, tiểu thương, cựu chiến binh, ngành giáo dục... đã làm đa dạng hóa kênh tuyên truyền và tạo nên sức lan tỏa rộng lớn trong xã hội.

Tuy nhiên, có một thực tế là đối tượng chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ và cũng ít vi phạm nhất lại được tuyên truyền nhiều nhất. Ngược lại, đối tượng cần được tuyên truyền là thanh-thiếu niên ở địa phương và người lao động nhập cư gần như đứng ngoài cuộc các kênh tuyên truyền này. Tại các diễn đàn “Thanh niên với văn hóa giao thông” do Đoàn Thanh niên tổ chức đã tạo được ấn tượng khá tốt, thế nhưng nhìn lại đối tượng tham gia vẫn chủ yếu là các đoàn viên thanh niên sinh hoạt ở hội, đoàn các cấp.

Trong khi đó, hình thức tuyên truyền trực quan lại bộc lộ nhiều hạn chế. Hình thức tuyên truyền trực quan hiện nay chủ yếu là treo băng-rôn, pa-nô ở nơi công cộng vẫn theo lối mòn là câu chữ thường khá dài dòng, thông điệp thì chung cho mọi đối tượng. Theo tìm hiểu của chúng tôi, với đối tượng thanh-thiếu niên thì hầu hết đều cho rằng “không muốn đọc vì chán” và khi hỏi vì sao lại chán thì nhận được câu trả lời khá chung: “Chữ nhiều quá, lại toàn trích dẫn văn bản nên khô khan”. Đã vậy, vị trí đặt các băng-rôn, pa-nô thường ở các nơi giao lộ, hoặc mật độ lưu thông cao vì thế người đi đường không thể đứng lại để đọc hết thông tin. Đặc biệt, hình thức tuyên truyền bằng xe lưu động có thể nói là không hiệu quả, thậm chí gây hiệu ứng ngược. Với cách thức cho xe chạy trên phố và mở loa phóng thanh phát các văn bản của Nhà nước về lĩnh vực xử phạt vi phạm trật tự ATGT, hầu như không ai có thể nắm hết được thông tin, mà chỉ nghe thoáng qua một vài câu, vì thế hiệu quả không cao. Điều này ai cũng nhận ra, thế nhưng không hiểu sao hình thức tuyên truyền này vẫn thường xuyên được sử dụng (?).

Bên cạnh hạn chế trong tuyên truyền thì tỷ lệ các vụ án về TNGT bị khởi tố, điều tra còn thấp và đặc biệt là việc xét xử công khai chưa được làm thường xuyên nên chưa đủ sức răn đe, giáo dục phòng ngừa các đối tượng vi phạm. Ngoài ra, còn phổ biến tình trạng khi xảy ra TNGT, các bên thường tự giải quyết, thỏa thuận mức bồi thường thiệt hại nên khiến cho nhiều đối tượng khi tham gia giao thông coi thường pháp luật. Công an thành phố chưa triển khai phần mềm quản lý hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ, nhằm theo dõi các đối tượng vi phạm nhiều lần, để từ đó áp dụng các biện pháp tăng nặng lỗi vi phạm.

Đây là những lỗ hổng mà các cơ quan chức năng cần có biện pháp khắc phục, có như vậy, nỗ lực trong công tác tuyên truyền vận động mọi người dân thực hiện nghiêm túc Luật Giao thông đường bộ mới thực sự phát huy hiệu quả.

Bài và ảnh: THANH VÂN

 

;
.
.
.
.
.