Họ là những cựu chiến binh đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường và luôn phải tự vượt qua những cơn đau âm ỉ vì vết thương. Và chính họ lại trở thành những doanh nhân tiêu biểu hoặc đi đầu trong mặt trận chống tội phạm.
Ông Phạm Văn Bạn (67 tuổi, phường Hòa Thuận Tây), thương binh hạng 2/4 và ông Trần Việt Bắc (51 tuổi, phường Hòa Thuận Đông) ở quận Hải Châu là hai trong số nhiều cựu chiến binh như thế. Khi được hỏi, họ chỉ cười giản dị: “Vì mình là lính cụ Hồ mà!”.
“Ông chủ” mặc áo lính
Công ty của ông Phạm Văn Bạn hiện tạo việc làm cho hàng trăm lao động. |
Nói đến ông Bạn, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Thắng thì có lẽ khá nhiều người biết, nhưng ít ai biết rằng ông từng là người lính ngoan cường, dũng cảm. Từng 4 lần bị địch bắt giam và tra tấn ở nhà lao Phú Quốc - nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, phải nếm trải những hình phạt, đòn thù rất dã man như đóng đinh vào tay, chân, đầu; đốt dây kẽm cháy đỏ đâm vào da thịt, đục răng… nhưng ông vẫn không khai. Sau khi địch trao trả, ông lại tiếp tục về chiến trường Quảng Đà chiến đấu cho đến ngày hòa bình.
Trở về đời thường với hai bàn tay trắng và những vết thương hằn sâu trong thân thể, ông Bạn không cam chịu cảnh nghèo khó. Rồi ông bàn với vợ mở một cơ sở kinh doanh hàng may mặc nhưng bị vợ gạt đi. Sau nhiều đêm trăn trở, ông vẫn quyết tâm làm với ý nghĩ mình làm rồi sẽ có kinh nghiệm, không biết thì sẽ học hỏi. Và Công ty TNHH Tiến Thắng, chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu của ông Bạn ra đời tại thôn La Bông, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang.
Những ngày đầu gầy dựng công ty với bao khó khăn, ông Bạn phải chạy đôn chạy đáo vay vốn, tìm nguồn nguyên liệu, tìm đầu ra cho sản phẩm… Chất lính can trường, không chịu khuất phục đã ngấm sâu trong người cựu chiến binh, giúp ông vững tay chèo lái công ty vượt qua khó khăn. Đến giờ, công ty của ông đã dần đi vào ổn định, hàng làm ra xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và được bạn hàng tin tưởng.
Điều đáng quý là trong số lao động trên 250 người của công ty, một nửa trong số đó là con gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình nghèo, con bộ đội, cán bộ nghỉ hưu và người khuyết tật.
“Mình may mắn còn sống trở về và có được thành quả như hôm nay trong khi biết bao đồng đội còn nằm lại nơi chiến trường. Bởi vậy, mình chỉ muốn giúp đỡ gia đình các đồng chí ấy”, ông Bạn thổ lộ. Không chỉ vậy, ông Bạn còn luôn dành một khoản tiền không nhỏ để tham gia trồng cây xanh tại địa phương, tổ chức viếng nghĩa trang liệt sĩ và tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cho gia đình chính sách vào các dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 hằng năm.
Bác dân phòng “ba không”
Cũng trở về từ chiến tranh như ông Bạn, nay giữa đời thường, ông Bắc được người dân ở phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu gọi vui bằng cái tên trìu mến: Bác dân phòng “ba không”. Bởi ông Bắc là thương binh hạng ¼ với thương tật 95%, bị mất 2 bàn tay, hỏng một mắt, gãy xương hàm sau khi chiến đấu và trở về từ cuộc chiến làm nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia khỏi họa diệt chủng. Năm 1998, ông được bà con tín nhiệm bầu làm tổ trưởng dân phố. Khi nhận nhiệm vụ, ông Bắc cũng lo lắng bởi nơi ông ở tình hình an ninh trật tự phức tạp do có cảng, tàu bè cập nhiều, tội phạm cũng dồn về đây, làm phát sinh tệ nạn xã hội và gây nhiều bức xúc cho nhân dân.
Ông Trần Việt Bắc (bìa phải) vận động người dân chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. |
Ông Bắc cho rằng: “Nếu ai cũng ngại khó thì ai nhận nhiệm vụ. Mình là lính Cụ Hồ, nên phải đi đầu trong công tác giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn”. Nói là làm, ngày nắng cũng như mưa, ông đã đi khắp xóm để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vận động bà con chấp hành nghiêm chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân. Ban ngày làm công tác tổ trưởng tổ dân phố, ban đêm ông cùng lực lượng Công an khu vực đi tuần tra, kiểm tra các phòng trọ. Trái với sự kỳ thị của mọi người về những “thanh niên vô công rỗi nghề phá làng phá xóm”, ông Bắc quyết định vận động một số thanh niên không có việc làm và thanh niên hết nghĩa vụ quân sự tham gia vào đội dân phòng địa phương. Từ khi được giao nhiệm vụ, lại có việc làm, những thanh niên “cá biệt” trở thành những hạt nhân tích cực trong việc giữ an ninh trật tự thôn xóm. Nhờ vậy, tình hình an ninh trật tự được bảo đảm, tệ nạn xã hội cũng được đẩy lùi. Tổ dân phố do ông Bắc phụ trách nhiều năm được quận và phường tặng giấy khen, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận công nhận khu dân cư tiên tiến. Bản thân ông Bắc được Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng tặng bằng khen.
Bài và ảnh: KIM NGÂN