.

Viết tiếp bản hùng ca

.

Trở về đời thường với thân thể không lành lặn nhưng những cựu chiến binh vẫn viết tiếp bản hùng ca trong hành trình xây dựng quê hương.

Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ là sự động viên không nhỏ với ông Đào “từ thiện”.
Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ là sự động viên không nhỏ với ông Đào “từ thiện”.

Bác Đào “từ thiện”

Người dân phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà) gọi ông Phạm Đào (84 tuổi) bằng cái tên trìu mến: Bác Đào “từ thiện”. Bởi lẽ, nhà ai có người ốm đau, qua đời hoặc gặp khó khăn gì đều “ới” bác Đào. Ít ai biết rằng, trong chiến tranh, người chiến sĩ Phạm Đào từng nhiều lần bị địch bắt tù đày và chịu nhiều cực hình tra tấn. Hòa bình, trở về từ quân ngũ, ông giữ nhiều trọng trách như: Trưởng ban Tuyên huấn quận, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng... Sau khi nghỉ hưu, được tín nhiệm của người dân, ông tiếp tục làm tổ trưởng tổ dân phố, Chủ tịch Hội Nông dân phường An Hải Bắc, rồi Chủ tịch Hội Từ thiện quận Sơn Trà... Ở cái tuổi lẽ ra có thể nghỉ ngơi nhưng ông Đào vẫn canh cánh trong lòng làm sao để vơi đi những mảnh đời cơ cực. Vậy là dù nắng hay mưa, người ta vẫn thấy ông tất tả đi quyên tiền làm từ thiện. Có người từ chối, có người yêu cầu phải đưa đến tận nơi để xem từng hoàn cảnh cụ thể, nhưng ông Đào chẳng từ nan, miễn là giúp được người nghèo.

“Bác Đào là ân nhân của gia đình tôi. Nhờ có bác mà tôi mới có căn nhà ở ổn định như bây giờ. Mẹ con tôi biết ơn bác ấy lắm!”, bà Nguyễn Thị Thi (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) bộc bạch. Trong ngôi nhà gió lùa tứ bề, 3 mẹ con bà Thi nương tựa vào nhau. Bà Thi không sợ kẻ trộm bởi trong nhà chẳng có gì đáng giá mà chỉ sợ mỗi khi mưa bão về, căn nhà dột ướt và chực đổ ấy không phải là nơi trú ẩn an toàn cho mấy mẹ con. Thế là bà Thi cùng các con phải dắt díu nhau tá túc chỗ khác trong mùa mưa bão. Với 30 triệu đồng được ông Đào và Hội Từ thiện hỗ trợ, bà Thi đã dựng lại căn nhà kiên cố hơn. Cũng nhờ số tiền hỗ trợ vài trăm ngàn của ông Đào mà bà thôi ý định cho các con nghỉ học. Bà tự nhủ phải cố gắng làm lụng nuôi các con nên người để “không phụ lòng bác Đào”.

Trong 5 năm qua, ông Đào cùng Hội Từ thiện quận Sơn Trà đã vận động ủng hộ các hoạt động từ thiện nhân đạo hơn 7 tỷ đồng, giúp nhiều mảnh đời bớt cơ cực. Nhà ông Đào xếp chật những bằng khen, cờ thi đua của UBND thành phố, của Thủ tướng Chính phủ; giấy khen các loại về thành tích trong công tác từ thiện. Có lẽ một chút niềm vui từ sự ghi nhận đó đã làm vơi nỗi nhọc nhằn trên những nẻo đường đến với người nghèo của bác Đào “từ thiện”.

“Chưa ai làm thì mình phải làm!”

Đó là câu nói đầy quyết tâm của người thương binh Lê Lở (56 tuổi, ở thôn Nam Mỹ, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) khi ông mạnh dạn đăng ký với Đảng bộ xã Hòa Bắc về thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và con vật nuôi trong ánh mắt e ngại của nhiều người. Cây mía là cây trồng quen thuộc của bà con nơi đây nhưng năng suất không cao và không còn thích hợp. Sau nhiều ngày tìm tòi, học hỏi, tham khảo ý kiến của kỹ sư nông nghiệp, người Bí thư Chi bộ thôn Lê Lở vận động bà con trong thôn chuyển đổi 5 hec-ta mía sang trồng cây đậu lave xen cây ớt. Rồi ông chạy đôn chạy đáo đi tìm đầu ra cho sản phẩm để bà con khỏi bị thương lái ép giá. Sau vụ thu hoạch ấy, nhiều gia đình có được hàng chục triệu đồng, mua xe, sửa chữa nhà. Thấy hiệu quả, không ít hộ khác trong thôn và các thôn lân cận cũng mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng đó.

Năm 2008, diện tích đất sản xuất của nhân dân trong thôn bị sạt lở 4 hec-ta. Đất còn lại không nhiều khiến ông Lở trăn trở không yên với ý nghĩ nên chuyển cây gì cho phù hợp và mang lại hiệu quả kinh tế. Tham khảo nhiều nơi, ông đã vận động các hộ dân trong thôn thí điểm trồng 3 hec-ta dưa hấu. Vụ đầu tiên thu hoạch đạt kết quả từ 70-75 triệu đồng/hec-ta. Thấy hiệu quả, ông Lở và các hộ làm kinh tế giỏi đã hướng dẫn cách trồng cho toàn thể bà con trong thôn nhân rộng mô hình trồng dưa hấu. Hiện nay, trên địa bàn thôn Nam Mỹ đã có hàng chục hec-ta dưa hấu. Vụ đầu năm nay cho thu hoạch từ 80-85 triệu đồng/hec-ta. Vụ thứ hai đã bắt đầu cho quả, hứa hẹn doanh thu không nhỏ. Bên cạnh đó, ông Lở còn vận động những hộ khó khăn tham gia lớp học nghề trồng nấm và thành lập hợp tác xã nấm tại thôn Nam Mỹ.

Với những công việc hằng ngày như thế, ông Đào, ông Lở và nhiều thương binh khác đã trở thành chiến sĩ trên mặt trận chống đói nghèo, viết tiếp bản hùng ca về cuộc sống thanh bình, no ấm trên quê hương Đà Nẵng.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.