Một trong những rào cản lớn của bình đẳng giới là định kiến giới. Bình đẳng giới sẽ không thực chất, không thành công nếu định kiến giới vẫn tồn tại. Vì vậy, xóa bỏ định kiến giới là việc cần thiết dù điều này còn khó khăn và phức tạp.
Cần xóa bỏ tư tưởng trọng con trai, xem thường con gái. (Ảnh mang tính minh họa) Ảnh: SÂM NGỌC |
Mục tiêu cơ bản của bình đẳng giới theo Luật Bình đẳng giới của nước ta là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam, nữ trong phát triển kinh tế-xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất, đồng thời thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Nhiều năm qua, bình đẳng giới đã và đang từng bước được thực hiện hiệu quả ở nước ta. Tuy nhiên, tiến trình đi tới mục tiêu vẫn còn nhiều trở ngại, thách thức.
Áp lực từ định kiến giới
Luật Bình đẳng giới cũng đã nêu rõ: Định kiến giới là nhận thức, thái độ và cách đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ. Vì vậy, định kiến giới gây áp lực cho cả nam lẫn nữ, đặc biệt là phụ nữ. Định kiến giới tạo ra những giới hạn và hình thành hố sâu ngăn cách bằng sự khác biệt qua cách nhìn nhận, đánh giá, ứng xử và thậm chí cả hưởng thụ. Bất kỳ ở đâu, thời điểm nào, môi trường tương tác ra sao, chúng ta đều có thể bắt gặp định kiến giới. Dù định kiến giới thể hiện bằng nhiều diện mạo khác nhau nhưng hệ lụy chung của nó vẫn là sự phân biệt nam - nữ và theo đó là bất bình đẳng mà phần thua thiệt vẫn nghiêng về người phụ nữ. Phôi thai từ một nước nông nghiệp lạc hậu, lại chịu ảnh hưởng tư tưởng phong kiến hàng ngàn năm nên định kiến giới ở nước ta tồn tại sâu bền cội rễ khiến sự phân biệt đối xử đến mức bất bình đẳng đã “đóng đinh” lên nhiều thế hệ, nhiều cuộc đời. Sự bất bình đẳng này đã chi phối việc trao quyền cũng như hạn chế vai trò tham gia của người phụ nữ đối với các hoạt động xã hội trong khi họ có rất nhiều tiềm năng.
Không chỉ trong môi trường xã hội, định kiến giới còn hiện diện trong gia đình. Nó thể hiện ở cách cư xử mà đỉnh điểm là các hành vi bạo lực giới, sự phân công lao động, tư tưởng trọng con trai, xem thường con gái... Người chồng tự cho mình là người có quyền cao nhất, chi phối mọi thành viên trong gia đình, đặc biệt với người vợ. Trong khi đó, từ việc nội trợ đến thấu hiểu con cái đều do người vợ quán xuyến, am tường. Phân công lao động gia đình cũng bị ảnh hưởng định kiến giới khiến sự bất bình đẳng càng nặng nề hơn. Theo thông báo chính thức của Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, thời gian lao động của nữ thường cao hơn nam giới từ 3 - 4 giờ/ngày. Khoảng thời gian vượt trội này chính là công việc nội trợ không tên và không được trả công. Sự phân chia bất hợp lý công việc nội trợ làm người vợ mệt mỏi, thay đổi tính cách theo chiều hướng xấu, giảm tình yêu đối với chồng, không có đủ thời gian để chăm sóc bản thân, theo đuổi những sở thích và phát triển nghề nghiệp chuyên môn.
Định kiến giới còn ẩn sâu trong tiềm thức mỗi con người. Nó âm ỉ bào mòn, thủ tiêu cái tôi đích thực, dẫn đến một cách nghĩ khác, cách sống khác. Những nhu cầu, khát vọng, ý chí, tinh thần, tình cảm, tình yêu lứa đôi và hôn nhân cũng bị tỏa chiết, kìm nén bởi định kiến giới. Không phải thời xa xưa mà ngay cả bây giờ, trong xã hội hiện đại, vẫn còn nhiều mảnh đời, nhiều thân phận, đặc biệt là phụ nữ, khó có thể tạo lập hoặc vươn tới cuộc sống chất lượng bởi định kiến giới còn nằm sâu trong ý thức của họ và của những người khác.
Nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới
Định kiến giới là hiện tượng tâm lý tiêu cực, có tính chất định hình, không dễ thay đổi ngay nên công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới phải được đặt lên hàng đầu. Các nghiên cứu và thực tiễn đã chứng minh, giữa phụ nữ và nam giới chỉ có sự khác biệt về mặt sinh học chứ không có sự khác biệt về mặt xã hội. Song, khẳng định này vẫn chưa hoàn toàn được chấp nhận. Giáo dục về giới và bình đẳng giới chưa được thực hiện thường xuyên, phủ khắp trong cộng đồng. Do đó, đối tượng tiếp cận bị thu hẹp, nhận thức vấn đề còn sơ lược. Để khắc phục những hạn chế này, cần cải tiến hình thức tuyên truyền giáo dục về giới và bình đẳng giới. Nhất thiết phải có sự phối hợp đồng bộ giữa 3 môi trường giáo dục: nhà trường, gia đình và xã hội - những nơi mà định kiến giới đang tồn tại. Định kiến giới tác động đến mọi đối tượng, không phân biệt tuổi tác, giới tính, hoàn cảnh sống. Vì vậy, phải xem giáo dục bình đẳng giới là một trong những nội dung giáo dục chính và được lồng ghép linh hoạt, sinh động trong chương trình của các cấp học, từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học. Trường học là nơi thuận lợi và có điều kiện để xây dựng một môi trường bình đẳng nói chung, bình đẳng giới nói riêng. Khi mặt bằng dân trí cùng điều kiện sống của các vùng dân cư chưa đồng đều thì việc giáo dục bình đẳng giới trong gia đình và cộng đồng rất cần sự hỗ trợ cũng như ảnh hưởng tích cực từ môi trường giáo dục chính quy.
Truyền thông cũng là lực lượng quan trọng góp phần tác động để thay đổi những nhận thức sai lầm của công chúng về phụ nữ và đàn ông. Để đẩy mạnh truyền thông xóa bỏ các định kiến giới, cần nỗ lực hơn ở nhiều phương diện, trong đó đặc biệt là khả năng nhạy cảm để tránh sa vào lối tuyên truyền củng cố cho những quan niệm lạc hậu về giới.
Xóa bỏ định kiến giới không chỉ dừng ở việc thay đổi nhận thức mà quan trọng hơn, phải xây dựng được một thái độ sống đúng đắn, tích cực để từ đó người ta có thể thay đổi chính mình. Những quan niệm xưa cũ từng làm cho vị thế, thân phận người phụ nữ thấp kém, mong manh cần phê phán đúng mức. Những giá trị cổ điển vẫn thường được tôn vinh cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp với thời đại. Bên cạnh đó, những nhu cầu giới cũng cần được quan tâm, đáp ứng kịp thời. Đánh thức tiềm năng sống cùng với những đam mê, khát vọng, ý chí và bản lĩnh của người phụ nữ, phát huy ý thức trách nhiệm, sự thấu cảm, sẻ chia và những kỹ năng còn tiềm ẩn ở người đàn ông cũng là cách tích cực nhằm từng bước xóa mờ những định kiến giới, thay đổi diện mạo xã hội. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cần phát huy các hình thức hoạt động cộng đồng thông qua các mô hình làm việc nhóm hoặc tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, hội thi… Mới đây, Hội LHPN thành phố Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo “Phụ nữ tham chính - góc nhìn của người trong cuộc” và hội thi “Nữ sinh viên hôm nay, nữ nghị sĩ tương lai”. Các hoạt động này đều tập trung thúc đẩy vai trò, vị thế và khả năng thích ứng của người phụ nữ trước những yêu cầu của thời đại mới. Đặc biệt, cuộc gặp gỡ của đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng với những người chồng trong các gia đình có bạo lực giới là động thái ấn tượng, mang đầy tính nhân văn, tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến trách nhiệm của người đàn ông trong gia đình, đồng thời góp phần định hướng những giá trị chuẩn mực trong nhận thức và hành động của họ.
Mục tiêu bình đẳng giới xuyên suốt trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước. Vì vậy, để các chủ trương, chính sách và luật pháp đi vào cuộc sống và thật sự phát huy tác dụng, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ, thực chất trong cả hệ thống chính trị. Thực tế cho thấy, có nơi còn xem đây là việc của Hội Phụ nữ hoặc bình đẳng giới chỉ nói về phụ nữ. Nếu như vậy thì sẽ khó xóa bỏ được định kiến giới và con đường đi tới bình đẳng giới sẽ còn muôn vàn thử thách, khó khăn.
Xóa bỏ định kiến giới, thực hiện bình đẳng giới là một trong những nhiệm vụ quan trọng, không thể thiếu trong tiến trình thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Thực tế đã ghi nhận những nỗ lực của chúng ta trong quá trình thực hiện bình đẳng xã hội nói chung và bình đẳng giới nói riêng. Những nỗ lực này được thể hiện qua những văn bản mang tính pháp lý cao như Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1992, Luật Bình đẳng giới 2006 và các điều khoản trong các văn bản luật khác. Các báo cáo, nghị quyết của Đại hội Đảng qua các thời kỳ cũng xem bình đẳng giới là một trong những mục tiêu cần lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, thiết thực. Quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và các chính sách của Nhà nước thật sự đã và đang thay đổi diện mạo đời sống xã hội nói chung và đời sống người phụ nữ nói riêng. Vị thế của người phụ nữ cả về kinh tế lẫn chính trị ngày càng được khẳng định, từng bước rút ngắn khoảng cách con đường đi tới mục tiêu bình đẳng giới. |
NGÔ LIÊN HƯƠNG