.
50 năm quan hệ Việt-Lào

Bàn tay nắm chặt bàn tay

.

Tóc đã bạc, mắt không còn tinh anh nhưng trong ký ức của những người lính già vẫn vẹn nguyên hình ảnh đôi bàn tay nắm chặt giữa quân tình nguyện Việt Nam và nhân dân Lào.

Ông Phan Tấn Châu bên bằng chứng nhận người có công giúp cách mạng Lào thời kỳ 1945-1975 của Nhà nước Lào.
Ông Phan Tấn Châu bên bằng chứng nhận người có công giúp cách mạng Lào thời kỳ 1945-1975 của Nhà nước Lào.

Cuộc gặp trong đêm

Bước sang tuổi 83, ông Nguyễn Đức Mỹ (ở phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) vẫn còn nhớ như in những kỷ niệm khi tham gia chiến đấu giúp nước bạn Lào. Ông nhớ, không phải chỉ bởi vết thương do mảnh đạn cối khiến đầu gối của ông cứ âm ỉ đau nhức hằng đêm, không phải chỉ bởi những kỷ niệm ấy là cả một thời tuổi trẻ hừng hực ngọn lửa nhiệt huyết mà nó còn là lẽ sống, giúp ông vượt trên những nỗi đau, nặng nợ đời thường.

Ngày ấy, chàng trai Nguyễn Đức Mỹ xung phong vào quân ngũ, mang theo bao ước mơ của tuổi 18. Anh tham gia quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở vùng Hạ và Thượng Lào với nhiệm vụ trợ lý hậu cần Trung đoàn 673 thuộc Lữ đoàn 335 Quân khu Tây Bắc. Nhiệm vụ của Trung đoàn 673 ngày ấy là vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm, quân trang, xây dựng cơ sở, hướng dẫn, cố vấn về chiến thuật, kỹ thuật, sử dụng vũ khí cho quân đội Pa-thét Lào. Đồng thời, đơn vị ông còn vận chuyển hàng ngàn tấn lương thực cho nhân dân Lào tại những vùng khó khăn. Ngày ngủ rừng, đêm đến, ông Mỹ và đồng đội lại vào bản của người Lào để tuyên truyền tạo dựng cơ sở. “Người Lào rất thương bộ đội tình nguyện Việt Nam. Họ coi mình như con, cháu họ. Có con heo, con gà, quả bí, quả mướp đều đem cho bộ đội Việt Nam”, ông Mỹ xúc động nói. Có lần, vì đi rừng nhiều ngày, lương thực đã cạn, ông Mỹ cùng những đồng đội vào bản xin nghỉ lại một đêm và xin một ít gạo để tiếp tục lên đường. Đã quá nửa đêm, đoàn đến nhà ông Phò bản (Trưởng bản), đưa giấy giới thiệu và xin nghỉ lại. Ông Phò bản liền ra đầu hồi gõ mấy tiếng, lập tức cả bản đều tề tựu đông đủ, dù có người ở cách đó khá xa. Sau một lúc trao đổi, các bà, các chị, các mẹ tay xách nách mang nào là xôi, gạo nếp, thậm chí cả thịt heo được gói ghém cẩn thận để các anh mang đi đường. Đổi lại tình cảm đó, một số thuốc phòng sốt rét, kháng sinh, vitamin… được bộ đội tình nguyện Việt Nam gửi tặng lại bà con. Đêm đó, hầu như cả bản thức trắng. Tiếng nói cười, cái nắm tay rất chặt giữa những người bạn, người anh em như mãi không muốn rời, xua tan nỗi nhớ nhà da diết trong những người lính trẻ. Sáng hôm sau, một người dân Lào được Phò bản phân công dẫn đường đã đưa cả đoàn đến nơi an toàn, tránh được khá nhiều bẫy mìn của bọn phỉ cài sẵn.

Ông Mỹ bảo rằng, kể mãi chuyện chiến đấu ở Lào cũng không hết. Ấy là chuyện nhân dân Lào chở thuyền súng, đạn, gạo cho bộ đội trong đêm qua sông Nậm Ô. Rồi chuyện cả đoàn phải làm lễ truy điệu sống trong những trận chiến đấu trên sông Nậm Ô khi chở gạo vượt sông. “Anh em mình nằm lại trên chiến trường Hạ, Thượng Lào nhiều lắm, nhất là những trận chiến ở cánh đồng Chum …”, ông Mỹ nói.

“Đêm nay bộ đội có về không?”

Ông Phan Tấn Châu (80 tuổi, ở tổ 52, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) lật giở lại những tư liệu, những kỷ vật thời ông sống và chiến đấu trên chiến trường Hạ Lào. Ngày ấy, mới 16 tuổi, là con trai độc nhất của một chiến sĩ cách mạng nhưng cậu bé Châu vẫn nhất quyết xin ra chiến trường. Trong bức thư để lại cho mẹ của Châu có đoạn: “Con đi mà chưa xin phép mẹ, mong mẹ đừng buồn. Mẹ ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe mẹ nhé, khi nào có thể con sẽ về thăm…”. Nhưng Châu đã không thể về thăm mẹ lần nào bởi những trận đánh nối tiếp và ngày càng khốc liệt. Khi Liên khu ủy khu 5 thành lập lực lượng tình nguyện quân sang giúp nước bạn Lào, Châu xung phong đi đầu. Nhận nhiệm vụ ở Phòng Biên chính 9 Hạ Lào - nơi tiếp nhận bộ đội bạn qua và ta sang, được 3 năm, anh sang hẳn Lào hoạt động bí mật trong vùng địch. Có những lúc, ở ngoài rừng dài ngày phải uống nước cầm hơi. “Ngày đó ai cũng khó khăn. Có bát cơm nếp thì các mẹ các chị cũng xẻ nửa để dành cho mình”, ông Châu bộc bạch. Đến nay ông vẫn nhớ những người mà ông gọi là “mẹ” ở Lào. Những khi ông hoạt động ở rừng dài ngày, không qua bản, các “mẹ” lo lắng, tìm hỏi rằng, “Đêm nay bộ đội có về không?” vì sợ ông có mệnh hệ nào.

Gần chục năm ở Lào, ông Châu nói tiếng Lào, viết truyền đơn bằng chữ Lào. Ông Châu bảo: “Người Lào rất hiền lành, tốt bụng, sống dựa vào thiên nhiên. Hầu hết họ đều theo đạo Phật. Điều thú vị là ở Lào, cửa các nhà luôn mở mà chẳng hề sợ ai ăn cắp, ăn trộm”.

Những chiếc huân chương Ixala (Huân chương Độc lập) hạng nhất do Nhà nước Lào tặng được ông Châu và ông Mỹ giữ gìn cẩn thận như những báu vật, thỉnh thoảng lại đưa ra lau chùi, ngắm nghía.

Những người lính tình nguyện Việt Nam giờ cũng đã già nhưng với họ, mỗi khúc sông, ngọn suối, bản làng ở nước Lào đều trở nên thân thương, gắn với những kỷ niệm chiến đấu hào hùng của nhân dân Lào, trong đó có chiến công của quân tình nguyện Việt Nam.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

 

;
.
.
.
.
.