.
50 NĂM QUAN HỆ VIỆT - LÀO

Nơi suối nguồn chảy mãi

Nằm lặng lẽ ở xã Tam Dân (nay là xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam), Khu kháng chiến Hạ Lào nay đã trở thành di tích lịch sử, chứng tích một thời máu lửa. Đó là hậu phương vững chắc, nơi huấn luyện quân sự, chính trị cho các bạn Lào thời kháng chiến chống Pháp. Đó là còn mạch nguồn chảy mãi của tình nghĩa Lào - Việt thủy chung, gắn bó keo sơn…

Ngược dòng lịch sử, vào tháng 2-1949, Hoàng thân Xu-pha-nu-vông cử đồng chí Khăm-tày-xi-phăn-đon, đại diện Chính phủ Lào và đồng chí Xỉ-thôn-com-ma-đăm, Chỉ huy trưởng Quân khu Hạ Lào vượt dãy Trường Sơn sang Việt Nam gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng trao công hàm, đề nghị Chính phủ Việt Nam giúp đỡ Lào thành lập khu kháng chiến Hạ Lào. Ngay sau đó, Khu kháng chiến Hạ Lào tại Quảng Nam được thành lập do đồng chí Xỉ-thôn-com-ma-đăm làm Khu trưởng, đồng chí Xổm-man-nô-viêng và đồng chí Đoàn Huyên làm Phó Trưởng khu. Trụ sở của Khu kháng chiến Hạ Lào là ngôi nhà cổ khang trang của ông Nguyễn Soạn (thôn Thạnh Đức, xã Tam Dân, nay thuộc địa bàn xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh).

Kể từ đó, xã Tam Dân được coi là hậu cứ, căn cứ đứng chân cho chiến trường Hạ Lào với nhiệm vụ tiếp nhận viện trợ vũ khí, quân trang quân dụng, trực tiếp huấn luyện quân sự, chính trị, cung cấp chuyên gia quân sự, giúp các đơn vị quân đội Việt Nam và Lào hoạt động trên chiến trường Hạ Lào. Đây cũng là nơi để bộ đội hai nước tập trung về học tập, huấn luyện quân sự. Hàng ngàn chiến sĩ của Lào đã “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt) với người dân xã Tam Dân. Và họ gọi những bà mẹ ở đây là “má”. Suốt nhiều năm, những người con Lào và Việt cùng nhau tập luyện chiến đấu, đào giao thông hào. Ranh giới về ngôn ngữ, biên giới dường như đã được xóa mờ. Đặc biệt, trong Chiến dịch xuân hè 1954, Quảng Nam đã cung cấp nhân lực, vật lực giúp nước bạn Lào kháng Pháp. Xã Tam Dân nói riêng, các địa phương khác của tỉnh Quảng Nam nói chung trở thành căn cứ địa cách mạng, hậu cứ vững chắc nhằm huấn luyện quân sự, chi viện sức người, sức của cho chiến trường Hạ Lào và sau này cho cả Đông Bắc Campuchia. Những thương binh, bệnh binh Lào được đưa về Khu kháng chiến Hạ Lào để dưỡng thương, chữa bệnh. Nhiều người trong số họ còn được học tập, huấn luyện để trở về tiếp tục chiến đấu. Cùng lúc đó, rầm rập hàng đoàn dân công hỏa tuyến cùng lương thực, nhu yếu phẩm thẳng hướng sang Lào không chỉ phục vụ chiến đấu mà còn giúp người dân Lào vượt qua khó khăn trong cuộc sống hằng ngày. Hàng trăm, hàng ngàn chiến sĩ mà người Lào gọi họ bằng cái tên trìu mến “Anh em Việt” đã chiến đấu ngoan cường, anh dũng hy sinh trên đất bạn. Đến nay, nhiều người trong số họ đã vĩnh viễn không trở về, yên nghỉ trên đất Lào.

Để ghi nhớ về giai đoạn lịch sử đặc biệt này, sau chiến tranh, vào ngày 9-8-1999, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định bảo vệ di tích và cơ quan chuyên môn Khu kháng chiến Hạ Lào tại xã Tam Dân (nay là xã Tam Vinh), đồng thời cho xây dựng bia tưởng niệm đối với di tích lịch sử này. Đến tháng 8-2011, di tích này được Bộ VH-TT&DL công nhận là di tích cấp quốc gia.

KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.