... Trong chống Mỹ, Quảng Đà là mặt trận nóng bỏng nhất, là chiến trường trọng điểm của Khu 5, rất nhiều các tướng lĩnh nổi tiếng thời đánh Mỹ đều có mặt ở đây, hoặc là trực tiếp tham gia chỉ huy Mặt trận 4 (mật danh của Đặc khu Quảng Đà) như anh Lư Giang (sau này là Tư lệnh Quân khu thủ đô) hoặc là phụ trách một đơn vị chủ lực đứng chân trên địa bàn Quảng Đà, như anh Giáp Văn Cương (sau này là Đô đốc Tư lệnh Hải quân)... Các đồng chí ấy thường có dịp đến cơ quan Đặc khu nhiều lần làm việc với anh Nghinh. Có những đồng chí như Hai Mạnh (Chu Huy Mân), Sáu An (Hoàng Văn Thái)... chưa có dịp về Quảng Đà lại thường cùng anh Nghinh tham gia sinh hoạt Khu ủy.
Nụ cười chiến thắng. TRONG ẢNH: Đại tướng Võ Nguyên Giáp (trái) và đồng chí Hồ Nghinh. (Ảnh tư liệu) |
... Tất cả đều rất quý trọng một đồng chí Bí thư Tỉnh ủy (Đặc khu ủy) tuổi cao sức yếu nhưng kiên trì trụ bám ở chiến trường ác liệt, luôn có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất. Các đồng chí đều quý phục anh Nghinh, không chỉ vì anh là người thông kim bác cổ mà còn vì anh nắm rất vững tình hình chiến trường, nhận xét về ta và địch rất sắc sảo, luôn hiểu thấu lòng người, thương yêu bộ đội.
Có thể nói kiến thức quân sự của tôi hồi ở miền Bắc rất thấp, chỉ ở mức i tờ. Vào Nam, nhất là những năm tháng ở bộ phận tiền phương của Ban Tuyên huấn Đặc khu, được làm việc gần gũi với đồng chí Hồ Nghinh và các cán bộ quân sự, tôi mới hiểu dần ra nhiều vấn đề.
Trước kia tôi nghĩ, một người là Chính ủy hẳn là người coi sóc phần “hồn” cho cán bộ, chiến sĩ, người đó chịu trách nhiệm giữ vững, phát huy tư tưởng, ý chí, niềm tin của ba quân, chỉ có thế họ mới vượt lên tất cả, mới chiến thắng. Đúng là như vậy, nhưng công việc này không phải diễn thuyết, là cao đàm khoát luận với những người nghe há hốc mồm, mắt mở lớn bởi chiến trường chống Mỹ làm gì có điều kiện tập hợp đông đảo.
Anh Nghinh gặp gỡ, trao đổi, bàn thảo với mọi người, từ cán bộ toàn Mặt trận (Đặc khu) đến cán bộ các tiểu đoàn, đại đội và cả những đồng chí phụ trách một nhóm biệt động, đặc công, một tuyến cơ sở binh vận sẽ đánh các đòn hiểm bằng cách của họ, và cả những nhóm học sinh, sinh viên, giáo chức, trí thức, những nhà tu hành, họ sẽ phối hợp rất lợi hại với các chiến sĩ, có thể là khi có tiếng súng, tiếng nổ. Và không thể thiếu cuộc gặp với những người phụ trách hậu cần chuẩn bị đủ mọi thứ để trận đánh bắt đầu và lo giải quyết mọi việc ở chiến trường sau các trận đánh.
Ngày 26-3-1975, Bộ Chỉ huy Đặc khu ủy Quảng Đà bàn phương án giải phóng Đà Nẵng. Đồng chí Phạm Đức Nam (áo trắng bên phải), đồng chí Phan Hoan - Tư lệnh Mặt trận 4 (bên trái) đang trình bày phương án với Bí thư Hồ Nghinh (thứ 2 từ trái qua). Ảnh tư liệu |
Chỉ biết là trước một chiến dịch, một trận đánh những người gặp anh, được anh trao đổi, gửi gắm đều ra về với nhiều phấn chấn, tin tưởng. Nhiều người đã thổ lộ, mình đang “bí rị” “tối thui” gặp “ông già” mọi việc trở nên sáng tỏ, suôn sẻ. Anh không trao cho họ phép màu. Anh khơi mở để họ thấy sức mạnh của chính họ, của những người xung quanh họ, của đồng đội và họ như được trang bị vũ khí mới.
Anh thường dẫn những chuyện xưa theo kinh sách Trung Hoa nhưng lại rất gần gũi dễ hiểu. Hồi địch đẩy mạnh chiến tranh tâm lý, anh kể lại tích Sào Phủ, Hứa Do. Hai người vì chán cảnh hôn quân, bạo chúa lui về một vùng hoang vắng ven sông ở ẩn. Một hôm, Hứa Do thấy Sào Phủ lội xuống sông rửa tai, liền hỏi “Ông sao vậy?”. Sào Phủ trả lời “Vừa rồi triều đình cho người ra dụ dỗ, thuyết phục ông về làm quan, không nghe không được, nghe rồi phải ra sông rửa tai cho sạch những điều ô uế đó”. Hứa Do nghe vậy vội vàng dắt trâu đi khỏi, ông bảo “Ông rửa tai cho sạch những điều thị phi, dòng nước này nhớp rồi, tôi không thể cho trâu uống được”.
Người xưa triệt để với những điều sai trái, phi nghĩa như vậy. Đối với các luận điệu chiến tranh tâm lý bây giờ chúng ta cũng phải vậy.
Những năm đầu 70, chiến trường Quảng Đà vô cùng ác liệt, Trung ương chi viện cho nhiều lực lượng, trong đó có các đơn vị của Hải Phòng, Thanh Hóa. Anh em không thông thạo địa hình, nghe không rõ tiếng địa phương, địch thì chà đi xát lại. Người bị thương, người sốt rét không thể khiêng về các bệnh xá được, đành gửi lại cho địa phương với lời dặn “Khi nào mạnh khỏe tìm về đơn vị”. Nhưng tìm về đơn vị như thể tìm chim, chim ăn bến bắc đi tìm bến nam là chuyện không dễ. Thế là nhiều đồng chí bộ đội miền Bắc ở lại địa phương tham gia du kích. Ai hỏi thì trả lời tỉnh queo: “Em đi nạc, em ở nại, em nập gia đình”
Anh Nghinh biết rất rõ những chuyện đó. Trên đường công tác băng rừng có lần anh thấy cảnh một chiến sĩ miền Bắc nằm trên võng run lẩy bẩy. Anh ấy nằm đó chỉ có một mình. Cũng không thể trách anh em không chờ bởi họ phải hành quân theo một kế hoạch chặt chẽ, và họ cũng không thể bố trí người ở lại chăm sóc hay khiêng anh đó đến một bệnh xá. Anh Nghinh nói với anh em đi cùng đổ nước hoặc sữa cho người nằm trên võng, để lại một chút gì cho đồng chí đó (đường, sữa, lương khô...) rồi anh vẫn phải đi tiếp trong một cảm giác đau buồn nặng nề, không chỉ vì thương xót người chiến sĩ trẻ măng, số mệnh sao thật nghiệt ngã, mà còn thấy rõ trách nhiệm của mình.
Chính vì thế, trong một hội nghị Đặc khu ủy, khi có nhiều ý kiến đề xuất phải mau chóng thành lập một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm toàn cán bộ, chiến sĩ nguyên gốc Quảng Đà và hào hứng với tương lai chiến thắng của đơn vị này. Nhiều người bày tỏ sẵn sàng nhận nhiệm vụ chính trị viên, tham gia chỉ huy đơn vị. Anh Nghinh với nét mặt trang nghiêm, xúc động, mắt như nhòa lệ đã nhỏ nhẹ, rành rọt “Những thanh niên miền Bắc xung phong vào đây chiến đấu cùng chúng ta là những người ưu tú. Miền Bắc đã gửi cho chúng ta những người ưu tú nhất. Nuôi không được, đánh không được là lỗi của chúng ta”.
Với một chính ủy có tầm nhìn và trái tim như vậy, chắc chắn những tệ hại của bè phái, chia rẽ không thể nào nảy nòi được.
Hồi cơ quan Đặc khu đóng ở Gò Nổi, một hôm một chiếc trực thăng Mỹ như thường lệ quần đảo rà sát mặt đất tìm kiếm Việt Cộng. Du kích Điện Quang bất ngờ nổ súng, chiếc trực thăng nhào đựng. Bọn Mỹ cho một bầy trực thăng đến bắn phá, tạo thành một vành đai lửa quanh xác chiếc máy bay và cứu được tên giặc lái. Có lẽ vì quá sợ du kích chúng vội vàng rút khỏi không kịp phá chiếc trực thăng. Anh em Điện Quang đến báo cáo với anh Nghinh. Anh quyết định ra chỗ trực thăng rơi một lát, anh nói với tôi “Đi ra đó xem cho tận mắt trực thăng Mỹ, nhưng phải đi thật nhanh, về thật nhanh vì chưa biết địch sẽ làm gì”.
Ra đến nơi, tôi thấy chiếc trực thăng nằm chình ình. Có thể anh em ta bắn trúng thằng giặc lái hay bộ phận nào đó quan trọng trong động cơ mà không đụng gì đến phần chứa nhiên liệu, nên nó không bốc cháy. Tôi chú ý thấy thân chiếc trực thăng có nhiều miếng vá bằng nhựa chằng bởi các loại dây điện đủ màu. Có thể nó bị bắn nhiều lần, chưa có điều kiện đại tu thay mới, chúng vá vậy để dùng tạm. Anh Nghinh nói “Trực thăng Mỹ mà còn vá chằng vá đụp. Ta cứ đánh kiểu này, giàu mấy cũng phải lụy”. Rồi anh cười và hỏi mấy chú du kích Điện Quang “Nào ưng gì thì để Bí thư thưởng”, mấy chú đứng quanh đó cười hồn nhiên “Một bữa mì Quảng”.
Có ở đó lúc đó mới thấy từ anh Nghinh tỏa ra rất dung dị, rất đời thường đạo lý “phụ tử chi binh”. Dũng sĩ diệt Mỹ, kiện tướng diệt Mỹ có tiêu chí loại ra ngoài vòng chiến đấu bao nhiêu tên giặc. Có người không nhớ hết số trận đánh mình đã tham gia, số tên giặc mình đã loại bỏ. Với anh Nghinh không có những chuyện đó. Có thể anh chưa từng nổ một phát súng nào trong cuộc chiến. Nhưng có chiến công nào của các cô du kích Đà Nẵng “bạn gái hỏi em diệt bao nhiêu Mỹ, em chỉ cười không biết nói chi”, của anh chiến sĩ R20 mà dân Quảng Đà đã tự hào “trên trời có phản lực cơ, ở dưới mặt đất có R 20”, và của những chiến sĩ đặc công Hải Phòng, Thanh Hóa đã cống hiến tuổi xuân của mình vì một vùng đất xa lạ mà lại rất đỗi thân thương, ân nghĩa... tất cả đều có sự chăm sóc ân cần, sự chỉ đạo của đồng chí Chính ủy và sâu đậm dấu ấn về tấm gương của anh. Chỉ riêng việc đồng chí Bí thư không chịu lui về núi du di an toàn, chấp nhận chỉ đạo từ xa mà nhất quyết trụ bám ở nơi ác liệt nhất, đã góp phần tạo ra một phong cách, một đặc sắc của chiến tranh nhân dân: Dân bám đất, du kích bám địch, Đảng bám dân của đồng chí Hồ Nghinh đã là một mẫu mực của tính cách anh hùng.
Mừng ngày đại thọ (Ảnh tư liệu) |
Ai đó nói rằng trong chống Mỹ, Quảng Đà là mặt trận nóng bỏng nhất, là chiến trường trọng điểm của Khu 5, rất nhiều các tướng lĩnh nổi tiếng thời đánh Mỹ đều có mặt ở đây, hoặc là trực tiếp tham gia chỉ huy Mặt trận 4 (mật danh của Đặc khu Quảng Đà) như anh Lư Giang (sau này là Tư lệnh Quân khu thủ đô) hoặc là phụ trách một đơn vị chủ lực đứng chân trên địa bàn Quảng Đà, như anh Giáp Văn Cương (sau này là Đô đốc Tư lệnh Hải quân)... Các đồng chí ấy thường có dịp đến cơ quan Đặc khu nhiều lần làm việc với anh Nghinh. Có những đồng chí như Hai Mạnh (Chu Huy Mân), Sáu An (Hoàng Văn Thái)... chưa có dịp về Quảng Đà lại thường cùng anh Nghinh tham gia sinh hoạt Khu ủy.
Theo chỗ tôi biết, tất cả đều rất quý trọng một đồng chí Bí thư Tỉnh ủy (Đặc khu ủy) tuổi cao sức yếu nhưng kiên trì trụ bám ở chiến trường ác liệt, luôn có mặt ở những nơi nóng bỏng nhất. Các đồng chí đều quý phục anh Nghinh, không chỉ vì anh là người thông kim bác cổ mà còn vì anh nắm rất vững tình hình chiến trường, nhận xét về ta và địch rất sắc sảo, luôn hiểu thấu lòng người, thương yêu bộ đội.
Tôi nhớ có một hôm tôi ở cơ quan văn phòng Đặc khu làm việc, tình cờ đứng bên máy điện thoại, chuông reo, tôi nhấc máy. Đầu dây bên kia nghe rõ tiếng anh Lư Giang (anh có biết tôi qua một vài cuộc họp). Anh nói vui vẻ, hồ hởi “nhờ nhà báo nói với anh Ba Phước, ngày mai cho bọn tôi ăn mì Quảng nhé, ngày mai chúng ta sẽ gặp nhau”. Tôi liên tưởng tới một câu chuyện của anh Phỉ (đại tá nguyên phụ trách Biệt động thành phố). Anh Nguyễn Chánh (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) lúc làm Tư lệnh Mặt trận 4 mỗi lần được mời về họp Thường vụ lại nói “tau đi về cái đã”, hỏi về đâu, anh nói “Về bên Đảng”, tức là về với anh Hồ Nghinh, được triệu tập họp Đảng, coi như về nhà.
Tôi nghĩ rằng, những tình cảm chân tình tha thiết mà các tướng lĩnh dành cho anh Hồ Nghinh không phải vì anh là Chính ủy, theo nguyên tắc, người Bí thư Đảng bộ địa phương luôn là Chính ủy Mặt trận, mà chính vì tầm tư duy, trí tuệ quân sự của anh rất gần với các tướng lĩnh ấy và vì anh luôn dành cho những người cầm súng sự tin cậy hết lòng và những tình cảm nồng thắm và chân thực.
NGUYỄN ĐÌNH AN