.

Bám đá mưu sinh

.

Về làng đá chẻ ở xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang) trong cái nắng của buổi trưa tháng 8, ngay từ đầu làng, tiếng máy xẻ, tiếng cạch cạch của búa gõ đá vọng lại đều đặn, khô khốc. Người thợ chẻ đá cần mẫn gõ từng nhát búa để tách khối đá vuông vức thành từng lát đá nhỏ. Nghề này mang lại thu nhập cao nhưng cũng đầy nguy hiểm cho con người như tai nạn lao động, ô nhiễm môi trường...

Không có đồ bảo hộ, thợ đá đánh cược sức khỏe của mình để kiếm tiền mỗi ngày.
Không có đồ bảo hộ, thợ đá đánh cược sức khỏe của mình để kiếm tiền mỗi ngày.

Không làm đá thì chẳng biết làm gì!

Cách đây gần 10 năm, nghe những người trong làng đi xa về kháo nhau rằng, đến Đà Nẵng làm thợ chẻ đá tiền công cao lắm, chị Trần Thị Vân (17 tuổi) cũng rời quê Yên Thành (Nghệ An) theo cánh thợ vào Đà Nẵng. Thấy chị Vân nhỏ thó, chủ xưởng giao cho chị công việc nấu cơm cho thợ, nhưng tiền công nấu cơm chẳng được bao nhiêu nên những lúc rảnh rỗi chị học chẻ đá, rồi chuyển sang làm thợ chẻ lúc nào không hay. Vậy mà đã 7 năm chị gắn với cái búa, cái ve. Cũng nhờ nghề chẻ đá, chị quen với chồng chị bây giờ. Anh làm thợ xẻ, chị làm thợ chẻ, chẳng cần thuê nhà, hai người dựng một lán nhỏ sát khu chẻ đá làm tổ ấm. Chiếc lán được dựng tạm bợ bằng vài cây gỗ nhỏ, được quây bằng những tấm bạt là nơi ra vào của hai vợ chồng trẻ và cô con gái hơn 3 tuổi.

Khi tôi đến, cô con gái xinh xắn của vợ chồng chị đang chơi với mấy lát đá cạnh mẹ. Đôi bàn tay thoăn thoắt tẩy từng viên đá, chị Vân chia sẻ trong tiếng máy xẻ chạy rè rè: “Mỗi ngày em chẻ hết 40m đá sẽ được trả công từ 150.000-200.000 đồng. Làm ngày nào có tiền ngày đó. Có tiền nhưng hại sức khỏe. Có thể chưa thấy các bệnh khác nhưng bị viêm xoang thì thấy rồi. Ngày nào cũng hít bụi đá, chưa bị viêm phổi là may!”.

Khi được hỏi rằng, sao không chuyển nghề khác hoặc thuê chỗ nào đó để vợ chồng con cái ở, khỏi ảnh hưởng đến sức khỏe của con, chị Vân ngậm ngùi: “Bình thường em cũng gửi cháu đi trẻ, chiều đón về, nhưng gần một tuần nay cô giáo trông trẻ bận nên em phải vừa làm, vừa trông cháu. Nếu nghỉ làm thì không có tiền nên đành để cháu ngồi chơi cạnh bố mẹ. Vợ chồng em không có vốn liếng, trình độ, không làm đá chẳng biết làm gì để sống. Nghề này tuy vất vả nhưng chỉ cần chịu khó thì có đồng ra đồng vô”.

Nói về những nhọc nhằn của nghề đá, bà Ngô Thị Sự (53 tuổi, ở thôn Phú Thượng, xã Hòa Sơn) đưa đôi bàn tay đầy những nốt chai sần, những vết da bị bụi đá ăn mòn nói rằng, dù đeo bao tay nhưng bụi vẫn “chui” vào được. Mấy năm trước mắt còn tinh còn chẻ đá quy cách được, chừ mắt mờ không nhìn rõ nên bà chuyển sang chẻ đá to. Một ngày, chẻ hết một chuyến xe nhỏ được trả công 75.000 đồng. Bà Sự nhớ, lúc mới làm, cầm ve và búa không chắc nên đập vào ngón tay tứa cả máu. Còn những tai nạn lặt vặt như khi chẻ bị đá dăm bắn vào mắt, vào miệng là chuyện bình thường. “Những lúc đó cứ lấy tay dụi qua qua rồi làm tiếp chứ nghèo thì đâu biết đến kính bảo hộ mô”, bà Sự cho biết.

Sống chung với ô nhiễm

Từ khi làng đá chẻ xuất hiện, người dân Hòa Sơn giàu lên trông thấy, giải quyết được nhiều việc làm cho người địa phương nhưng những hệ lụy cũng không hề nhỏ. Hai bên đường, cây cối bạc trắng vì bụi đá, người dân sống trong tiếng đục, xẻ của đá, tiếng xe chạy qua lại. Ô nhiễm tiếng ồn, bụi đá, nước thải... tạo nên bộ mặt nhếch nhác hai bên đường dẫn vào các thôn Phú Thượng, Phú Hạ và Xuân Phú.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, cho biết năm 2011 xã có hơn 100 hộ sản xuất đá chẻ nhưng nay chỉ còn 86 hộ. Tháng 7-2011, UBND huyện Hòa Vang có quyết định phê duyệt dự án bãi đổ rác đá thải với diện tích 4,2 hecta tại thôn Xuân Phú. Xã đã họp 86 hộ và cam kết khi bãi đổ rác đi vào hoạt động, các hộ này sẽ đổ rác tại bãi mới, bảo đảm môi trường nông thôn theo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Chị Kim Hương - chủ xưởng sản xuất đá Ngô Thị Kim Hương (thôn Phú Hạ) - cho biết trước đây nhà chị sản xuất nhiều đá để xuất đi các thị trường Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh nên lượng hàng rất nhiều, chị phải thuê mặt bằng tại cả 3 thôn để trữ hàng. Chị cũng rất mong xã sớm có dự án quy hoạch để chị cũng như nhiều người khác có nơi sản xuất, vừa dễ bề quản lý, lại thuận lợi trong việc xuất nhập hàng. Đá chẻ của Hòa Sơn rất đẹp, được nhiều khách hàng ưa thích. Tuy nhiên, trong năm nay, những chủ đá như chị cũng gặp nhiều khó khăn do nhiều người làm đá tự ý phá giá với nhau nên đá bị rớt giá, việc sản xuất cũng cầm chừng, nhiều hộ làm ăn nhỏ lẻ đã nghỉ sản xuất. Nhiều người trẻ trong làng không còn làm đá mà chuyển sang làm công nhân. Vì vậy, chị cũng hy vọng những người làm nghề đá sẽ có tiếng nói chung để làng đá chẻ ngày một phát triển chứ cứ tình trạng này, chẳng mấy chốc nghề đá ở Hòa Sơn sẽ không còn.

Bài và ảnh: THU HÀ

;
.
.
.
.
.