.
Ban Công vận Đặc khu ủy Quảng Đà

Một thời kỳ hào hùng của phong trào CNLĐ Đà Nẵng

.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ban Công vận Đặc khu ủy Quảng Đà, phong trào công nhân, lao động Đà Nẵng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã ghi lại nhiều chiến công hiển hách.

Đồng chí Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố, trao kỷ yếu cho đại diện Ban Công vận Đặc khu ủy Quảng Đà.
Đồng chí Đặng Thị Kim Liên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố, trao kỷ yếu cho đại diện Ban Công vận Đặc khu ủy Quảng Đà.

Một thời kỳ hào hùng

Ngày 1-9-1858, thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên xâm lược Việt Nam tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Cùng với quá trình đánh chiếm lãnh thổ, thực dân Pháp từng bước áp đặt bộ máy cai trị lên những vùng đất mới chiếm và bắt đầu các hoạt động khai thác thuộc địa… Ở đâu công nhân, lao động (CNLĐ) cũng bị áp bức, bóc lột đến tận cùng xương tủy. Từ đó, các cuộc đấu tranh bắt đầu tuy mang tính tự phát, đơn lẻ. Từ giữa 1927 đến 1929, phong trào công nhân Đà Nẵng lên cao hơn bao giờ hết. Cuối tháng 3-1930, Đảng bộ thành phố Đà Nẵng ra đời. Đó là một bước ngoặt quan trọng, đánh dấu một thời kỳ mới của phong trào yêu nước và cách mạng của đội ngũ CNLĐ Đà Nẵng trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đã ghi lại nhiều chiến công hiển hách. Tiêu biểu như anh Huỳnh Lâm Trúc, công nhân kiểm hóa Cảng Đà Nẵng, bằng mưu trí, dũng cảm đã dùng xe Honda chở chất nổ đặt trong bó hoa đánh vào khách sạn Gia Long diệt 11 tên cố vấn Mỹ; chiến công của công nhân khuân vác K60 và đồng bào Trung Lương dưới sự chỉ đạo của đồng chí Đặng Trung Kiên đưa bộ đội vào tiêu diệt giặc Mỹ tại sân bay Đà Nẵng, cùng nhiều cuộc đấu tranh của CNLĐ đã làm cho giặc Mỹ và bộ máy ngụy quyền tê liệt, run sợ.

Phong trào đấu tranh cách mạng của CNLĐ thành phố đòi hỏi ngày càng cao về chất và lượng theo mong muốn của Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Đà, nên vào tháng 6-1966, Ban Công vận tỉnh Quảng Đà được thành lập. Năm 1967, Khu ủy 5 quyết định sáp nhập tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà. Đáp ứng yêu cầu tình hình lúc này, Thường vụ Đặc khu ủy giao nhiệm vụ cho Ban Công vận Đặc khu ủy mở rộng địa bàn hoạt động ở thành phố Đà Nẵng, thị xã Hội An, khu kỹ nghệ An Hòa – Nông Sơn và tăng cường lực lượng hoạt động bao gồm: Hỏa xa, Cảng Đà Nẵng (K60), SicoViNa - Dệt Hòa Thọ (X17), H.100, ô-tô tải, xe bồn; Đội xe Phi Long - Tiến Lực - Renault; Đội xe lam 3 bánh, xe lam 4 bánh; xích lô đạp, xích lô máy; thợ máy; thương nhân; nhà hàng; tiểu thương… Trải qua gian khổ ác liệt, dám hy sinh sức người, sức của, CNLĐ Quảng Đà đã dũng cảm, sáng tạo, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm đánh giặc bằng chính trị, quân sự, binh địch vận, xây dựng 3 vùng chiến lược “2 chân, 3 mũi” giáp công liên tục giành thắng lợi…

Những người ngày ấy, bây giờ…

Gặp lại những người con ưu tú, kiên trung tinh thần cách mạng trên đất Quảng Đà xưa trong buổi gặp mặt cán bộ Ban Công vận Đặc khu ủy Quảng Đà một ngày cuối tháng tám do LĐLĐ thành phố tổ chức. Hơn 300 cán bộ ngày ấy giờ người còn, người đã mất. Người hy sinh lúc đang làm nhiệm vụ, người mất do tuổi già và do những di chứng đòn roi, tra tấn của địch. Những người còn sống, phần lớn tuổi đã cao, sức yếu nhưng tinh thần của những ngày hào hùng, gian lao vẫn còn hiển hiện. Chia sẻ với chúng tôi, ông Võ Ngọc Mẫn (bí danh Vũ Thu Bồn), Trưởng Ban Công vận Đặc khu ủy Quảng Đà (1972-1973), nay đã 81 tuổi, cho biết: “Với phương thức vừa đánh địch vừa xây dựng lực lượng, Ban Công vận Đặc khu ủy Quảng Đà đã hoạt động ngày càng mạnh, từ vùng rừng núi, căn cứ, vùng ven, vùng giải phóng đến vùng địch kiểm soát, nơi nào có đường giao thông, có cơ sở sản xuất, dịch vụ, chế biến và các lĩnh vực có sự tham gia của CNLĐ đều được Ban Công vận cài người vào và đây chính là chỗ dựa vững chắc, che giấu mọi hoạt động của ta”.

Bồi hồi nhớ về những ngày ác liệt đã xa, ông Võ Ngọc Mẫn bày tỏ sự cảm ơn về món quà tinh thần động viên cán bộ Công vận trước đây, cán bộ Công đoàn hiện nay gìn giữ, phát huy truyền thống tốt đẹp trong cuộc sống và công tác. Đó là sự quan tâm, tận tình hỗ trợ nhiều mặt và tạo điều kiện tốt nhất của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Đà Nẵng để Ban liên lạc Ban Công vận Đặc khu ủy Quảng Đà thực hiện kỷ yếu, ghi lại thông tin liên hệ nhằm gìn giữ cho con cháu mai sau niềm tự hào về lớp người đi trước.

NGỌC YẾN

;
.
.
.
.
.