.
Biên giới, lãnh thổ

MỘT SỐ TƯ LIỆU LỊCH SỬ, PHÁP LÝ VỀ CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI 2 QUẦN ĐẢO HOÀNG SA, TRƯỜNG SA (Tiếp theo)

 Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng về biển và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như: Tuyên bố của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam năm 1977; Tuyên bố  của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam năm 1982; Hiến   pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992; Nghị  quyết của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ 5-1994 về việc phê chuẩn Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982; Luật Biên giới quốc gia năm 2003.

Về quản lý hành chính, năm 1982, Chính phủ Việt Nam  đã quyết định thành lập huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh  Đồng Nai và huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, hiện nay, huyện Hoàng Sa thuộc thành phố Đà Nẵng và huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa.

Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoặc trong các công hàm gửi các bên có liên quan, hoặc trong các tuyên bố của Bộ Ngoại giao, hoặc trong các hội nghị của Tổ chức Khí tượng thế giới ở Genève (tháng 6-1980), của Đại hội Địa chất thế giới ở Paris (tháng 7-1980)…

Nhà nước Việt Nam đã nhiều lần công bố “Sách Trắng” (năm 1979, 1981, 1988) về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam, Việt Nam có đầy đủ chủ quyền đối với hai quần đảo này, phù hợp với các quy định của luật pháp và thực tiễn quốc tế.

Ngày 14-3-1988, Bộ Ngoại giao nước CHXHCN Việt Nam ra Tuyên bố lên án Trung Quốc gây xung đột vũ trang và chiếm đoạt một số bãi đá ngầm tại Trường Sa.

Tháng 4-2007, Chính phủ Việt Nam quyết định thành lập thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn thuộc huyện Trường Sa.

Kết luận

Từ những tư liệu lịch sử rõ ràng, và căn cứ vào những nguyên tắc của luật pháp và tập quán quốc tế, có thể rút ra kết luận sau đây:

1. Từ lâu, Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thật sự quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa khi mà các quần đảo đó chưa thuộc chủ quyền của bất cứ quốc gia nào.

2. Từ thế kỷ XVII đến nay, Nhà nước Việt Nam đã thực hiện một cách thật sự, liên tục và hòa bình chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

3. Nhà nước Việt Nam luôn bảo vệ tích cực các quyền và danh nghĩa của mình trước mọi mưu đồ, hành động xâm phạm tới chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền lợi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

;
.
.
.
.
.