.
Biên giới, lãnh thổ

QUÁ TRÌNH XÁC LẬP CHỦ QUYỀN CỦA VIỆT NAM ĐỐI VỚI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA

(Tiếp theo)

1.2.3. Chính thức chiếm hữu và thực thi chủ quyền trong thế kỷ XIX

Việc thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa tiếp tục được vương triều Nguyễn (1802 - 1945) thực hiện.

Vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn là Gia Long (1802 - 1820), đã củng cố chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa bằng cách chính thức chiếm hữu quần đảo. Theo sách Đại Nam thực lục (Chính biên) do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, năm 1803, vua Gia Long đã “sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa”; năm 1825 và 1816 “sai đội Hoàng Sa là bọn Phạm Quang Ảnh ra đảo Hoàng Sa thăm dò đường biển”. Đặc biệt, năm 1816, vua đã ra lệnh cho Đội Hoàng Sa và thủy quân của triều đình ra thăm dò, đo thủy lộ và cắm cờ trên quần đảo Hoàng Sa để biểu tượng cho chủ quyền của Việt Nam. Đến năm 1817 thì tiếp nhận địa đồ đảo Hoàng Sa do thuyền Ma Cao vẽ dâng và ban thưởng cho họ về việc này.

Sự chiếm hữu hai quần đảo theo lệnh của vua Gia Long cũng được chứng nhận bởi các tài liệu của phương Tây:

Tài liệu của M.A. Dubois de Jancigny cho biết: “…Từ hơn 34 năm, quần đảo Paracel, mang tên là Cát Vàng hay Hoàng Sa, là một dải đảo quanh co của nhiều đảo chìm và nổi, quả là rất đáng sợ cho các nhà hàng hải, đã do những người Nam Kỳ chiếm giữ. Chúng tôi không biết rằng họ có xây dựng cơ sở của mình hay không, nhưng chắc chắn rằng vua Gia Long đã quyết định giữ nơi này cho triều đại mình, vì rằng chính ông đã thấy được rằng tự mình phải đến đấy chiếm lấy và năm 1816 nhà vua đã trịnh trọng cắm ở đây lá cờ của Nam Kỳ”.

(Còn nữa)
 

;
.
.
.
.
.