.

Bỗng dưng ruộng thành... ao

.

Sau một đêm, nhiều thửa ruộng ở Đà Nẵng bỗng chốc biến thành... ao trong sự lo ngại của người dân xung quanh và chính quyền địa phương. Việc “tự nguyện” bị mất đất của một số hộ dân để thu về khoản lợi nhuận không nhỏ khiến đời sống người dân xung quanh bị xáo trộn, chính quyền địa phương phải đau đầu.

Một xe xúc đất trộm ở huyện Hòa Vang vừa bị phát hiện và xử lý vào đầu năm nay.
Một xe xúc đất trộm ở huyện Hòa Vang vừa bị phát hiện và xử lý vào đầu năm nay.

Cần bao nhiêu cũng có (?!)

Sau nhiều ngày tìm kiếm, chúng tôi đã có trong tay số điện thoại của Hải, một tay cung cấp đất để làm gạch, san nền được biết đến nhiều ở Đà Nẵng. Khi biết chúng tôi có nhu cầu cần mua đất sét để làm gạch, Hải cho biết: “Dễ thôi, cô em cần mua bao nhiêu cũng có, đất này là đất ruộng, làm gạch thì “ok”. Giá cả tùy theo mua nhiều hay mua ít, khoảng 45.000 đồng/m3. Một xe nhỏ nhất chở khoảng 7,5m3 giá hơn 300.000 đồng. Mua nhiều thì giảm giá. Tất nhiên đất “đẹp” thì giá cũng khá cao và còn lo các khoản “phải chăng” nữa chứ! Bây giờ rất khó có ruộng để khai thác”. Hải còn cam đoan rằng đất ruộng, rất màu mỡ, làm gạch thì “vô tư” và đất đó thuộc dạng đất cải tạo nên yên tâm.

Trên địa bàn huyện Hòa Vang hiện có 7 lò gạch tuynel lớn “ngốn” khối lượng đất sét không nhỏ. Việc đất ở các thửa ruộng cứ... không cánh mà bay theo các xe tải chở đến lò gạch ở một số nơi trên địa bàn huyện Hòa Vang khiến người dân rất bức xúc. Ban đầu, nông dân còn gợt lớp đất màu sang bên, lấy đất sét để bán cho lò gạch rồi lấp lớp đất màu lại để canh tác. Tuy nhiên, bán đi, đất trũng thì năng suất giảm và do lợi nhuận của việc bán đất làm gạch cao hơn trồng lúa nên nhiều nơi, người dân dần bán luôn đất lúa cho các lò gạch thu lợi nhuận. Tháng 3 vừa qua, Đội Cảnh sát kinh tế môi trường Công an huyện Hòa Vang đã xử lý 2 vụ khai thác khoáng sản trái phép đối với ông Phan Hồng (ở thôn Quan Nam 4, xã Hòa Liên) và Mạc Thanh Nhị (ở thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú) với tổng số tiền phạt 25 triệu đồng. Tuy nhiên, các xe chở đất khai thác từ các ruộng vẫn lén lút chạy về phía lò gạch. Thiếu tá Trần Đình Thanh, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế môi trường huyện Hòa Vang, cho biết: “Việc bắt và xử lý các vụ “trộm đất” nói trên rất khó, vì chính chủ đất lại bán đất để thu lợi. Do vậy, 2 vụ trên chỉ là bề nổi của tình trạng bán trộm đất làm gạch”.

Thiệt hại lớn

Theo số liệu từ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang, chỉ tính riêng trong năm 2011 đến nay, đã xử lý vi phạm hành chính 6 trường hợp khai thác đất sét trái phép với số tiền hàng chục triệu đồng. Ông Lê Đức Trí, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang, thừa nhận: “Hằng năm đều có các đoàn kiểm tra liên ngành về vấn đề này, nhưng việc khai thác trái phép diễn ra lén lút nên rất khó bắt được. Hầu hết khi đoàn đến xử lý thì người dân đã cho xe múc xong đất ruộng đem bán. Do đó, phải nêu cao trách nhiệm của các địa phương sở tại”. Một thực trạng hiện nay là người dân lợi dụng việc cải tạo đất để lấy đất ruộng bán cho các lò gạch.

Về vấn đề này, ông Trí nhấn mạnh, hiện nay huyện hạn chế cấp phép và không khuyến khích cải tạo ruộng. Người dân nào có nhu cầu cải tạo, huyện sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để thẩm định xem có đúng mục đích không, loại đất gì... rồi mới cấp phép. “Do lớp đất mặt màu mỡ bị mất nên khi trồng lúa nông dân phải tốn nhiều chi phí cho đầu tư phân bón, năng suất thấp. Những nông dân có ruộng liền kề với thửa ruộng đã bị đào đất mặt cũng bị ảnh hưởng, vì khi bơm nước vào ruộng thì nước chảy dồn hết về ruộng sâu. Việc này còn ảnh hưởng đến quy hoạch đất nông nghiệp, không chỉ làm kiệt quệ tài nguyên mà còn thất thu ngân sách Nhà nước”, ông Trí cho biết.

Một thực tế là hiện nay, độ sâu khai thác luôn cao hơn mức cho phép và việc trả lại mặt bằng sau khai thác ít được thực hiện. Vì vậy, những ao, hồ do nạn trộm đất gây ra đã trở thành những chiếc bẫy chết người. Điển hình như vụ xảy ra hồi tháng 8-2011 đã làm cháu Trần Việt Hoàng Lâm (SN 1998) chết thảm. Cháu Lâm ra khu vực đất trống thuộc tổ 4, phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) chơi, không may trượt chân ngã xuống hố nước do các đơn vị sau khi trộm đất để lại. Điều đáng nói là sau khi sự việc xảy ra, đến nay chính quyền địa phương vẫn không biết đơn vị nào vào đây lấy trộm đất.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.