.

Bước ra ánh sáng

.

Sau những tháng ngày trốn chạy ánh mắt kỳ thị, xoi mói của người đời, họ đã mạnh dạn nắm tay nhau bước ra ánh sáng và trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong phòng, chống HIV/AIDS.

Một tiết mục tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS tại hội thi do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại Đà Nẵng.
Một tiết mục tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS tại hội thi do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại Đà Nẵng.

Yêu nhưng phải... an toàn

7 giờ, tại một quán cà-phê trên đường Dũng sĩ Thanh Khê (quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng), hơn 30 “chàng trai” trong CLB Ánh sao đêm đã tụ tập đông đủ. Sau khi điểm diện 5 phút, một “chàng” cầm bịch nước mía chạy vào õng ẹo: “Xin lỗi, xe hư nên “em” đến muộn”. Mọi người phì cười rồi bắt đầu buổi sinh hoạt. Có “chàng” còn tranh thủ tô nốt son môi, dặm thêm phấn cho xinh tươi. Minh, thành viên trong Ban chủ nhiệm CLB bắt đầu bằng một bài hát vui, không khí rộn ràng hẳn lên, mọi lo âu, ngại ngùng dường như tan biến.

Chủ đề lần này là: “Người đồng tính có nên cưới vợ hay không? Quan hệ như thế nào để an toàn?”. Chạm đến vấn đề nhạy cảm, mọi cảm xúc của những người đồng giới cứ thế tuôn trào. Những cánh tay giơ lên, nào là: Mai Phương Thúy, Tăng Thanh Hà, Hồ Ngọc Hà, Ngọc Anh... Họ gọi nhau bằng những cái tên đầy nữ tính của những người nổi tiếng thay vì cái tên đàn ông mà cha mẹ đã đặt cho. Giấu tên, họ giấu đi nỗi đau của số phận để được là chính mình. Một người tên gọi Mai Phương Thúy (25 tuổi, ở quận Thanh Khê) vốn là con trai độc nhất trong gia đình. Ngày phát hiện rằng, vỏ bọc nam giới không thể đè nén nỗi khát khao được làm một người con gái trong Thúy, cha mẹ đã khóc lóc, mắng mỏ, rồi van xin, ép anh lấy vợ. Mẹ Thúy thậm chí dọa tự vẫn. Nhưng Thúy đã yêu một chàng trai trong giới. Thúy chọn cách bỏ đi một thời gian và bây giờ anh quay về, vẫy vùng trong bế tắc giữa tình - hiếu. Nhiều lời khuyên dành cho Thúy, rằng anh hãy làm theo lời cha mẹ, để ông bà vui nốt quãng đời còn lại. Tuy nhiên, phần nhiều nghiêng về ý kiến: Phải sống là chính mình, sống cho mình, sống thật với cảm xúc của mình hơn là lấy vợ để làm khổ một người con gái vô tội. “Đã có lúc tôi muốn chết đi cho khỏi phải khổ sở. Nhưng giờ đây, sau khi được các bạn chia sẻ, thông cảm, tôi lại thấy mình cần phải sống, phải có sự lựa chọn sáng suốt bởi cuộc sống quý giá đến nhường nào”, Thúy thổ lộ.

Không những thế, các thành viên CLB Ánh sao đêm còn chia sẻ những kiến thức quý báu về HIV/AIDS và cách phòng tránh. “Mình nghĩ rằng, quan hệ với phụ nữ thì mới dễ lây nhiễm, còn nam với nam thì không lây?”, bạn “nam” có cái tên khá đẹp là Hồ Ngọc Hà thắc mắc. Và mọi băn khoăn đều được các thành viên trong nhóm giải đáp. “Đa số các bạn trong giới thứ ba đều không biết rằng quan hệ tình dục qua hậu môn rất dễ tổn thương, xây xước chảy máu và dễ lây HIV hay các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Một người đồng tính thường có nhiều bạn tình nên cần phải nâng cao nhận thức để các bạn yêu nhưng phải an toàn”, Minh - Ban chủ nhiệm CLB Ánh sao đêm nói.

Cần vòng tay cộng đồng

Được thành lập vào tháng 5-2008 do Tổ chức Sức khỏe gia đình thế giới (FHI) hỗ trợ kỹ thuật, nhằm giảm thiểu quan hệ tình dục không an toàn trong giới, CLB Ánh sao đêm Đà Nẵng (dành cho người đồng giới nam) ban đầu có 6 thành viên, đến giờ đã có khoảng 150 thành viên chính thức. Trong số họ có những người là kỹ sư, bác sĩ, công nhân, sinh viên... Mỗi buổi sinh hoạt luôn có thêm nhiều thành viên mới. Chủ đề được Ban chủ nhiệm CLB thay đổi liên tục như: Cần lên tiếng như thế nào để bảo vệ giới đồng tính? Hãy sử dụng bao cao su để bảo vệ bạn và bạn tình; Đối mặt với chính mình... Có nhiều thắc mắc, nhiều câu hỏi ngô nghê nhưng lại rất thật bởi những trải nghiệm từ chính bản thân như: Người đồng giới nam có nên chơi bóng đá hay không? Tại sao phải dùng bao cao su khi quan hệ, dùng thế nào cho phù hợp? Mẹ bắt tôi đi tập tạ trong khi tôi chỉ thích chơi trò của con gái?...

Theo anh Trường, Chủ nhiệm CLB Ánh sao đêm, Đà Nẵng có khoảng hơn 3.000 người trong giới thứ ba (gồm đồng tính nam và đồng tính nữ) được các thành viên trong CLB tuyên truyền và con số này đang gia tăng. Tuy nhiên, trong số họ có rất ít người là “bóng lộ” mà chủ yếu là “bóng kín” (không biết được giới tính thật) bởi sự kỳ thị dành cho họ vẫn còn khá nặng nề. Điều này nguy hiểm và gây hệ lụy không nhỏ. Bởi vậy, các thành viên trong CLB không chỉ tiếp cận và phát bao cao su, tuyên truyền cách phòng chống HIV/AIDS mà còn giúp họ thoát khỏi vỏ bọc, bước ra ánh sáng, sống đúng với chính mình. Nhiều chương trình ca nhạc, hài kịch, thời trang bao cao su diễn ra trong các hoạt động truyền thông được CLB tổ chức từng quý để các thành viên thể hiện mình và góp phần chống phân biệt đối xử tại cộng đồng. “CLB hoạt động chủ yếu từ nguồn tài trợ của dự án (dự án kết thúc vào năm 2013). Bởi vậy, chúng tôi mong sẽ nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa từ chính quyền, cộng đồng”, anh Trường, Chủ nhiệm CLB chia sẻ.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.