.

Cần có cơ chế giám sát và phản biện xã hội

.

Khi trao đổi với phóng viên (P.V) Báo Đà Nẵng đề cập đến hoạt động giám sát và phản biện xã hội (GS & PBXH) của Mặt trận và các tổ chức chính trị, bà Hà Thị Minh Phượng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho biết: Chủ trương về phát huy vai trò GS & PBXH của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội đã được thể hiện tại nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước. Gần đây nhất, chủ trương này được nêu tại Văn kiện Đại hội XI của Đảng, mới nhất tại Nghị quyết Trung ương 4 về  “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Hội thảo công bố chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2011 là một hình thức GS & PB xây dựng chính quyền địa phương của Mặt trận.
Hội thảo công bố chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2011 là một hình thức GS & PB xây dựng chính quyền địa phương của Mặt trận.

Những chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước về GS & PBXH cho thấy quan điểm của Đảng và Nhà nước về vai trò giám sát của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội đã được thể chế hóa trong Hiến pháp, các văn bản pháp luật khác. Thực tiễn hoạt động giám sát của Mặt trận và các đoàn thể thành viên trong những năm qua đã đạt được một số kết quả nhất định. Còn hoạt động phản biện xã hội là một nhiệm vụ mới, khó và nhạy cảm đã được quy định tại Văn kiện Đại hội X của Đảng nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản pháp luật nào được ban hành bổ sung hướng dẫn cũng như quy định về cơ chế chính sách để Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội triển khai thực hiện vai trò GS&PBXH.

* P.V: Do đó mà kết quả hoạt động GS & PBXH trong thời gian qua chưa tương xứng với vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị- xã hội?

- Bà H.T.M.P: So với yêu cầu thực tế, hoạt động giám sát của Mặt trận và các đoàn thể thành viên trong thời gian qua vẫn còn có những hạn chế nhất định, kết quả đạt được chưa tương xứng với vai trò, vị trí, chức năng theo quy định của pháp luật, chưa thật sự góp phần tích cực thực hiện dân chủ ở cơ sở như yêu cầu của Đảng, nhất là trong công tác xây dựng chính quyền.

Do sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp giữa Mặt trận với chính quyền, các tổ chức thành viên trong hoạt động giám sát ở một số nơi chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ, nên hiệu quả giám sát không cao, vẫn còn hình thức. Phạm vi giám sát liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, đòi hỏi phải có bản lĩnh và trình độ công tác... nhưng do khó khăn về kinh phí hoạt động, chế độ đãi ngộ và điều kiện làm việc nên kết quả chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Giám sát của Mặt trận và các đoàn thể thành viên mang tính nhân dân, kiến nghị không mang tính quyền lực. Do vậy cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thường kéo dài thời hạn giải quyết, thậm chí không được giải quyết.

* P.V: Như vậy, phải có cơ chế nào để Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội thực hiện chức năng GS & PBXH có hiệu quả, thưa bà?

- Bà H.T.M.P: Để Mặt trận và các tổ chức thành viên thực hiện chức năng GS & PBXH có hiệu quả cần phải sửa đổi bổ sung Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam, trong đó, cần có quy định rõ về chức năng GS & PBXH của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội như tinh thần các Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X, XI). Quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan Nhà nước đối với MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị -xã hội trong việc bảo đảm các điều kiện thuận lợi để Mặt trận hoạt động, cũng như quy định rõ hơn về cơ chế giám sát và phản biện của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội.

Đảng cần có chỉ thị về việc Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội tham gia GS&PBXH, ban hành Quy chế GS & PBXH của Mặt trận và các đoàn thể  chính trị - xã hội và cơ chế để Mặt trận tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Có cơ chế lắng nghe, tiếp thu xử lý các ý kiến kết luận GS & PBXH có liên quan đến vai trò lãnh đạo của Đảng. Chỉ đạo các cơ quan Nhà nước, phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát theo quy định của pháp luật. Theo tôi, phạm vi phản biện không phải mọi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều được Mặt trận và các đoàn thể phản biện mà chỉ phản biện dự thảo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân, đến tổ chức bộ máy và cán bộ, đến quyền và trách nhiệm của Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội; không phản biện xã hội khi chủ trương, chính sách, pháp luật đã được ban hành. Còn phạm vi giám sát có thể rộng hơn. Bao gồm hoạt động của cấp ủy Đảng, các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, đảng viên, nhưng chỉ trong quá trình thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không giám sát quá trình dự thảo các chủ trương, chính sách, pháp luật đó.

* P.V: Cảm ơn bà.

SƠN TRUNG (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.