Sáng 1-8, tiếp tục chương trình làm việc tại Đà Nẵng, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Đề án 86 (1) - TW4 của Trung ương do đồng chí Tô Quang Thu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố về tình hình thực hiện công tác giám sát (GS) và phản biện xã hội (PBXH) của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội trên địa bàn thành phố.
Đồng chí Trần Thọ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: N.T |
Làm việc với đoàn có các đồng chí: Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Xuân Anh, Phó Chủ tịch UBND thành phố; Trần Đình Liễn, Trưởng ban Dân vận Thành ủy; Nguyễn Thanh Quang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Theo báo cáo, thông qua hoạt động GS, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể đã tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền như: Góp ý và tập hợp ý kiến nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, giám sát cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức... thông qua việc GS thực hiện chính sách, pháp luật ở cơ sở; việc tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân; thực hiện Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường; tổ chức thực hiện và GS việc lấy phiếu tín nhiệm; hoạt động GS đầu tư cộng đồng; thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng. Những nỗ lực trong công tác GS đã tạo được nội bộ đoàn kết, nhân dân đồng thuận, góp phần tạo nên mối quan hệ đáng quý “Đảng nói-dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động-dân theo; Chính quyền làm-dân ủng hộ” ở Đà Nẵng. Về công tác PBXH, các cơ quan liên quan đã tập trung việc triển khai xây dựng Quy chế GS và PBXH của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội; tổ chức hội thảo và tập huấn về GS và PBXH...
Qua thực tiễn hoạt động, báo cáo cũng nêu rõ những hạn chế, bất cập trong thực hiện GS và PBXH như: GS và PBXH chưa được đặt đúng vị trí, tầm quan trọng trong các cơ quan, tổ chức; trách nhiệm chưa rõ, cơ chế còn thiếu; GS còn dàn trải, có nội dung chồng chéo; kiến nghị không mang tính quyền lực nên kéo dài thời gian hoặc không giải quyết... Kinh nghiệm được rút ra qua thực tiễn là: Cần nhận thức đúng đắn của xã hội về tổ chức và hoạt động GS; quan tâm toàn diện đến 3 yếu tố: Xây dựng lực lượng, xây dựng cơ chế và bảo đảm các điều kiện cần thiết; phải có bước đi thích hợp trong lựa chọn các vấn đề, nội dung, chương trình, dự án để GS và PBXH; đòi hỏi bản lĩnh, dám chịu trách nhiệm của người làm công tác Mặt trận và đoàn thể... Từ đó, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng kiến nghị nghiên cứu, thực hiện sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật MTTQ cho đúng tầm, phù hợp yêu cầu công tác Mặt trận hiện nay; thống nhất về cơ chế, tổ chức bộ máy, chính sách chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động của MTTQ và các đoàn thể; thiết lập sự phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức thành viên trong hành động, nhằm thực hiện chương trình thống nhất chung, tạo nên tính bền chặt trong hoạt động; MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên rà soát, hệ thống tất cả các văn bản pháp luật hiện hành quy định về vai trò GS của mình...
Qua thực tiễn hoạt động, lãnh đạo thành phố và đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội thành phố đã đề xuất, góp ý cụ thể vào việc xây dựng Quy chế để MTTQ và các đoàn thể tham gia GS và PBXH; trong đó phân tích rõ chủ thể, đối tượng, phạm vi và nội dung GS và PBXH; hình thức, quyền và trách nhiệm của chủ thể và đối tượng cũng như cơ chế xử lý kiến nghị, điều kiện bảo đảm hoạt động GS và PBXH..., từ đó nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác GS và PBXH của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội.
N.T