.

Cẩn trọng khi cho trẻ đi bơi

.

Mùa hè, các bậc phụ huynh thường đưa con đi bơi tại hồ bơi, hoặc bãi biển. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi từ 15 trở xuống, nếu không có sự theo dõi sát của cha mẹ hoặc người lớn, sẽ có nhiều rủi ro xảy đến khi đi bơi.

Học bơi là cách để trẻ tự bảo vệ mình.
Học bơi là cách để trẻ tự bảo vệ mình.

Dạy trẻ học bơi

“Kỹ năng bơi là một tài sản vĩnh viễn, nhất là khi đã được học đến nơi đến chốn”, anh Lê Đình Giáp - giáo viên môn Thể dục Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Khê) khẳng định. Theo anh Giáp, phụ huynh nên cho con đi học bơi để các em tự phòng vệ mỗi khi xảy ra chuyện rủi ro không lường trước. Cũng vì suy nghĩ như thế mà anh Hà Đức Thành (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) đã cho hai con trai của mình (12 tuổi và 7 tuổi) đi học bơi trong dịp hè này. “Đứa lớn đã học bơi được một năm rồi nên bơi khá tốt. Còn đứa nhỏ thì tôi mới cho đi học từ đầu hè năm nay. Bơi lội tốt cho sức khỏe nên hầu như chiều nào tôi cũng đưa hai cháu đến hồ bơi. Hơn nữa, đây cũng là cách giải trí lành mạnh và bổ ích hơn chơi điện tử, xem ti-vi”, anh Thành chia sẻ.

Chị Đặng Thị Kim Hoa, nhà ở phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) nhưng vì muốn con biết bơi nên hằng ngày, chị vẫn đưa con đến bể bơi Trường THPT Phan Châu Trinh để học. Cậu bé Lê Ngọc Lộc (10 tuổi) - con chị Hoa - tỏ vẻ thích thú với môn bơi lội này và ngày nào cũng đòi mẹ đưa đến bể bơi. Chị Hoa tâm sự: “Mấy tháng nghỉ hè, chị cho cháu đi học bơi. Biết bơi cũng là thêm một kỹ năng sống cho cháu”.  

Anh Lê Đình Giáp cho rằng, các bậc phụ huynh nên thay đổi cách nhìn nhận của mình trong việc tạo điều kiện để con học bơi. Chỉ cần bỏ ra một khoản kinh phí nhỏ và bớt chút thời gian đưa con đi học thì giúp trẻ có thêm kỹ năng sống cần thiết. Tuy nhiên thực tế, không phải bậc phụ huynh nào cũng quan tâm đến chuyện học bơi của trẻ. Vì vậy, đến khi gặp rủi ro mà hối tiếc thì cũng đã muộn màng. Chẳng dư thừa khi trang bị thêm cho trẻ kiến thức cần cho việc sinh tồn. Do đó, việc cho con học bơi cũng là cách cha mẹ bảo vệ con mình hiệu quả.

Luôn để mắt đến trẻ

Tại các hồ bơi, huấn luyện viên thường dạy trẻ cách thở đúng cách khi ở dưới nước, tập các kiểu bơi và làm sao để nổi trên mặt nước. Kỹ năng sống dưới nước cũng rất quan trọng đối với trẻ, nên đây là bài học không thể thiếu trong giáo trình bơi của các huấn luyện viên. “Nếu biết cách nổi, nắm được các kỹ năng cơ bản để tồn tại trong nước, thì khi gặp rủi ro, thời gian nổi trên nước càng lâu, khả năng được cứu sống càng cao”, anh Lê Quý Ân Đức - huấn luyện viên tại hồ bơi Trường THPT Phan Châu Trinh khẳng định. Tuy nhiên, dù bơi trong hồ bơi hay ở biển thì với trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cũng phải luôn để mắt trông chừng. Ngay tại các bãi biển công cộng ở quận Sơn Trà, không ít lần những người quản lý khu vực bãi tắm phải thông báo về các trường hợp trẻ lạc. Chỉ cần một phút lơ đãng, bất cẩn, không để ý, những bậc phụ huynh đưa con đi tắm biển đã để thất lạc con trong đám đông.

Đó là chưa nói đến khi xuống nước, có nhiều điều cần lưu ý mà không phải phụ huynh nào cũng biết. Anh Đức cho biết: “Tại các khu vực hồ bơi, thường xuyên có người theo dõi trẻ nên các vấn đề về an toàn đều bảo đảm. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải để mắt thường xuyên, nhất là đối với những bé còn đang tập bơi hoặc chưa bơi nhuần nhuyễn. Còn trong trường hợp đưa trẻ đi tắm biển, các bậc cha mẹ phải để ý đến độ sâu của mực nước, độ cao sóng và tốt nhất là trang bị áo phao cho trẻ. Phải theo sát các em vì một chút lơ là có thể trẻ sẽ bị ngạt nước, bị sóng dập, chuột rút hoặc nhiều rủi ro khác”. Chưa kể đến chuyện một số bậc phụ huynh vì chủ quan đã để con mình tự đi bơi ở biển với bạn bè mà không theo kèm. Nhiều khi vì sự hiếu động, tinh nghịch của trẻ, thậm chí do ham vui đùa với bạn bè, những trò chơi của các em có thể tự gây tổn thương cho mình. “Do vậy, nếu trẻ còn nhỏ, chưa có khả năng tự bảo vệ mình thì các bậc phụ huynh không nên để con đi bơi mà không có sự giám sát của người lớn. Ngoài ra, cũng cần chú ý quan sát trạng thái sức khỏe, tâm lý của trẻ khi xuống nước. Những trẻ sợ nước phải luôn có người bên cạnh, và cũng không nên rời mắt với trẻ biết bơi để bảo đảm an toàn tuyệt đối”, huấn luyện viên Lê Quý Ân Đức khuyến cáo.

Bài và ảnh: M.HẠNH

;
.
.
.
.
.