.

Chăm lo cho lao động nữ

.

Trong hơn 107.000 lao động hiện nay trên địa bàn Đà Nẵng do LĐLĐ thành phố quản lý, lực lượng lao động nữ chiếm hơn 61,68%. Vì vậy, công tác chăm lo cho lao động nữ luôn được các cấp Công đoàn quan tâm.

Bác sĩ tư vấn cách chăm sóc và cho con bú tại mít-tinh Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ do LĐLĐ thành phố tổ chức.
Bác sĩ tư vấn cách chăm sóc và cho con bú tại mít-tinh Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ do LĐLĐ thành phố tổ chức.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, do đặc thù riêng về giới tính, nên lao động nữ được hưởng một số quyền lợi mang tính đặc thù giới. Những chính sách, pháp luật về lao động nữ khá cụ thể, chi tiết, nhưng qua thực tiễn việc thực thi pháp luật còn hạn chế. Một số doanh nghiệp (DN) sử dụng đông lao động nhưng ít lập kế hoạch đào tạo nghề dự phòng, không hỗ trợ kinh phí cho phụ nữ nuôi con nhỏ, việc tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo cho con công nhân, lao động (CNLĐ) không được quan tâm… bởi tất cả khoản chi đều được hạch toán vào chi phí sản xuất, gây tốn kém cho DN. Một số DN không ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn đối với lao động nữ, khi lao động nữ có thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng hết hạn hợp đồng thì không giao kết tiếp, dẫn đến có nhiều lao động nữ không được hưởng chế độ thai sản do hợp đồng lao động bị chấm dứt, trong khi đó Luật Lao động quy định người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lao động nữ có thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Một bộ phận lao động không được đóng BHXH và BHYT, thiếu trang bị bảo hộ lao động mặc dù họ phải làm việc trong môi trường ô nhiễm và có nguy cơ cao mắc bệnh nghề nghiệp… Chính vì thế, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động theo quy định pháp luật là nội dung luôn được các cấp Công đoàn chú trọng. Tính từ năm 2011 đến nay, Công đoàn đã tham gia Đoàn thanh tra liên ngành về trích nộp BHXH, BHYT tại 92 đơn vị, DN; phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn tại 60 DN; tham gia đoàn kiểm tra chính sách lao động, ATVSLĐ - PCCN tại 52 DN; tham gia điều tra 15 vụ tai nạn lao động. Rà soát, kiểm tra tình hình việc làm, tiền lương tối thiểu, việc đóng BHXH, BHYT, BHTN, xây dựng thang lương, bảng lương và các chế độ, chính sách khác có liên quan trực tiếp đến CNVCLĐ. Tất cả những nỗ lực trên đã hạn chế sự thiệt thòi cho người lao động khi tham gia quan hệ lao động, nhất là lao động nữ.

Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn thành phố đã nỗ lực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bà mẹ và trẻ em. Ông Nguyễn Lê Quốc Linh, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố cho biết, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tính từ năm 2011 đến nay, các cấp Công đoàn đã tổ chức gần 100 lớp tuyên truyền chính sách, pháp luật về lao động nữ, DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho gần 13.000 lượt chị em tham dự, 8 buổi truyền thông về nuôi con bằng sữa mẹ và cấp phát 630 tờ rơi cho 1.200 chị, khám sức khỏe và khám phụ khoa tầm soát ung thư sớm cho gần 5.500 chị, tổ chức ngày hội tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con nhỏ từ 1-6 tuổi thu hút 1.000 lượt người tham gia; tặng quà cho 1.077 nữ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn trị giá gần 200 triệu đồng; trợ cấp con CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, bị nhiễm chất độc dioxin gần 300 triệu đồng; gặp mặt nhân Ngày Gia đình Việt Nam và phát thưởng con CNLĐ có thành tích xuất sắc tổng trị giá hơn 150 triệu đồng… Tổ chức mít-tinh nhân Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ và trao quà cho gần 150 nữ CNLĐ. Phối hợp với Tổ chức A&T triển khai chương trình Hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc, nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết của lao động nữ về chính sách thai sản, thực hành nuôi con bằng sữa mẹ và chăm sóc trẻ, đồng thời hỗ trợ lao động nữ thực hiện nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu. 5 DN ở KCN có sử dụng đông lao động nữ ở độ tuổi sinh đẻ, đang nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi đã được chọn để tổ chức truyền thông và lắp đặt cabin vắt sữa và trữ sữa.

Với những nỗ lực của các cấp Công đoàn thành phố, lao động nữ đã và đang có cuộc sống tốt hơn, yên tâm làm việc.

Bài và ảnh: NGỌC YẾN

;
.
.
.
.
.