Đồng chí Võ Chí Công là một người con ưu tú của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, một nhà hoạt động cách mạng xuất sắc của Đảng ta, một đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng bộ Khu 5 qua hai cuộc kháng chiến. Nói đến vai trò của đồng chí Võ Chí Công trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là nói đến tư tưởng tiến công, là sự chỉ đạo tài tình, linh hoạt, và sắc bén; là những đề xuất và tham mưu kịp thời, chính xác cho Bộ Chính trị về việc “điều quân tấn công Đà Nẵng”.
Với vai trò là Bí thư Khu ủy 5, sau ngày Hiệp định Paris được ký kết, đồng chí Võ Chí Công đã sớm rút ra nhận định: “Cách mạng miền Nam không thể khác được, nếu không tiếp tục tiến công kẻ thù”. Và từ nhận định này, đồng chí đã chỉ đạo các địa phương: “xốc lại đội hình, tiếp tục tiến công tiêu diệt địch”.
Tháng 12-1974, đồng chí Võ Chí Công và đồng chí Chu Huy Mân từ chiến trường Khu 5 ra thủ đô Hà Nội dự Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng, nhằm họp bàn về việc mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam. Hội nghị “lần này thảo luận sôi nổi, kéo dài và hào hứng về đánh giá tương quan so sánh lực lượng giữa địch và ta cho rõ hơn, trên cơ sở đó để quyết định kế hoạch chiến lược và chọn hướng mở đầu”(1). Lúc bấy giờ “có hai loại ý kiến khác nhau nên Hội nghị thảo luận sôi nổi trên hai hướng: một bên là Đông Nam Bộ và Sài Gòn, một bên là Nam Tây Nguyên, mở đầu bằng việc đánh chiếm Buôn Ma Thuột”(2), trong đó, đồng chí Võ Chí Công cùng đồng chí Chu Huy Mân đã “kiên trì đề nghị Bộ Chính trị đột phá vào Nam Tây Nguyên, mục tiêu cụ thể là Buôn Ma Thuột”3. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương sau khi cân nhắc đã quyết định mở màn Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 bằng chiến dịch Tây Nguyên với trận mở màn đánh vào Buôn Ma Thuột - khâu yếu nhất của địch ở phía Nam Tây Nguyên. Bị đòn “đánh trúng huyệt” của ta vào Buôn Ma Thuột, quân địch ở Tây Nguyên hốt hoảng. Chỉ trong vòng 15 ngày, từ ngày 10 đến 25-3-1975, chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng, mở ra thời cơ chiến lược lớn đối với quân và dân ta trên toàn chiến trường miền Nam; tạo điều kiện và thời cơ mới để quân và dân ta nhanh chóng giải phóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh đồng bằng duyên hải Khu 5.
Theo dõi tình hình địch, ta ở Tây Nguyên, đồng chí Võ Chí Công nhận định: “Địch bỏ Tây Nguyên, tình thế mới đã xuất hiện”4. Vì vậy, đêm 18-3-1975, khi chiến trường Tây Nguyên đang còn ác liệt, đồng chí Võ Chí Công đã gửi cho Bộ Chính trị một bức mật điện, toàn văn như sau: “Hỏa tốc, số 12 - 23g 18-3-1975. Kính gửi: Bộ Chính trị. Có hiện tượng địch rút Huế, lực lượng tổng dự bị cũng rút, đề nghị Bộ Chính trị điều quân tấn công giải phóng Đà Nẵng. Còn phía trong (các tỉnh đồng bằng) chúng tôi sẽ làm theo điện vừa báo cáo các anh”5. Khoảng 2 giờ sáng ngày 19-3-1975, đồng chí Võ Chí Công nhận được điện của đồng chí Lê Duẩn, thay mặt Bộ Chính trị trả lời: “Nếu thấy làm được thì giải phóng Đà Nẵng đi”6. Ngày 20-3, trên đường từ Tây Nguyên trở về căn cứ Khu 5, đồng chí Võ Chí Công điện cho Bộ Chính trị: “Đề nghị bao vây tấn công Đà Nẵng bằng lực lượng tại chỗ và Trung ương tăng cường cho 1F, Đà Nẵng là thành phố quan trọng thứ 2 ở miền Nam, căn cứ liên hiệp quân sự hiện đại và mạnh vào bậc nhất. Tôi đang trên đường về Khu ủy 5”7. Khi về đến căn cứ của Khu, đồng chí nhận định: “Lúc này mà còn luầng quầng ở nông thôn là bỏ lỡ mất thời cơ. Phải lách bỏ nông thôn đánh vào thành phố, thị xã, được thị xã thì được cả nông thôn”8.
Để gấp rút triển khai kế hoạch tiến công giải phóng Đà Nẵng, ngày 21-3, tại cuộc họp Khu ủy 5, đồng chí Võ Chí Công cho rằng cần phải: “Thọc thẳng, địch tan rã Đà Nẵng rồi”9 và yêu cầu Đặc khu Quảng Đà (nơi có trọng điểm là thành phố Đà Nẵng) phải tự giải phóng với ba biện pháp như sau: “Biện pháp thứ nhất là quân dân Quảng Đà giải phóng không có lực lượng bên ngoài; Biện pháp thứ hai là có lực lượng của Quân khu tham gia; Biện pháp thứ ba, nếu có thời gian thì quân chủ lực sẽ tham gia. Trong ba biện pháp để giải phóng Đà Nẵng, thì phải là biện pháp thứ nhất. Bởi, sau khi Buôn Ma Thuột thất thủ, địch ở Tam Kỳ, Thừa Thiên-Huế đang dao động mạnh thì nhất định mình giải phóng được Đà Nẵng, dự kiến trong thời gian 15 ngày hay mười mấy ngày gì đó, Khu 5 sẽ được giải phóng hoàn toàn”10.
Để giải phóng Đà Nẵng, Khu ủy và Quân khu ủy Khu 5 đã vạch kế hoạch, với hai phương án sau: “Phương án 1: Tiêu diệt và làm tan rã sư đoàn bộ binh 2, hai liên đoàn biệt động quân 11 và 12 ngụy, giải phóng Tam Kỳ, Quảng Ngãi tạo điều kiện giải phóng Đà Nẵng bằng tiến công trong hành tiến; Phương án 2: Nếu địch co cụm lớn, phòng ngự có chuẩn bị, ta phải có lực lượng mạnh, tổ chức chuẩn bị chu đáo, đánh hiệp đồng binh chủng, tác chiến trong thời gian tương đối ngắn”11. Trong đó, quyết tâm của Khu ủy 5 là tạo điều kiện để thực hiện phương án 1. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Võ Chí Công, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cấp tốc chuyển Sư đoàn 2 của Quân khu hoạt động ở phía Nam ra phía Bắc Quảng Đà để phối hợp với lực lượng của Quảng Đà hỗ trợ cánh phía Nam của Đà Nẵng. Đây là quyết định “có ý nghĩa quyết định cho việc giải phóng Đà Nẵng ngày 29-3-1975” 12.
Đồng chí Võ Chí Công được Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao tặng Huân chương Sao vàng năm 1992. |
Để chỉ đạo lực lượng bên trong hỗ trợ cho quân chủ lực tiến công từ bên ngoài vào, đồng chí Võ Chí Công đã chỉ đạo Đặc khu ủy Quảng Đà thực hiện tốt ba yêu cầu: “Phải tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân địch; chống âm mưu cưỡng ép dân chạy theo địch; bảo vệ tài sản và trật tự trị an đến mức cao nhất”; “phải huy động lực lượng tại chỗ nổi dậy bao vây, gọi hàng bứt rút làm tan rã toàn bộ quân địch đóng trên địa bàn, mở đường cho quân chủ lực tấn công giải phóng Đà Nẵng, theo yêu cầu: “Tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”. Tất cả phải bảo đảm cho được phương châm: “Táo bạo, bất ngờ, kịp thời, chắc thắng”.
Ngày 27-3-1975, đồng chí Võ Chí Công cùng với bộ phận chỉ huy tiền phương của Khu ủy 5 về Quảng Đà, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng. Căn cứ vào tình hình, đồng chí đã chỉ đạo quả quyết rằng: “Tối 29 tiếp cận, sáng 30 đánh và tiến công giải phóng Đà Nẵng”, đây là thời gian dự kiến nhanh nhất giải phóng Đà Nẵng của Khu ủy 5. Song khi hay tin Ngô Quang Trưởng – Tư lệnh vùng I chiến thuật đã bỏ chạy ra Hạm đội 7, đồng chí Võ Chí Công chủ trương không phải chờ đến ngày 30 mới giải phóng như kế hoạch đề ra. Sáng 29-3, lệnh khởi nghĩa được ban bố, các cánh quân tập kết trước đó, bao gồm lực lượng của địa phương và quân chủ lực, từ các hướng tiến vào Đà Nẵng. Đồng thời, đồng bào ở vùng ven và nội thị đã nổi dậy giành chính quyền dưới sự hướng dẫn của các Ủy ban khởi nghĩa. Lúc 11 giờ 30, ngày 29-3-1975, ta cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên trên nóc của Tòa thị chính Đà Nẵng. 15 giờ ngày 29-3, các cánh quân lớn của ta tiến vào thành phố và hội quân tại bán đảo Sơn Trà. Lúc 19 giờ 30 ngày 29-3, đồng chí Võ Chí Công vào thành phố và chỉ đạo cho bộ phận tiền phương của Văn phòng Khu ủy điện báo cáo với đồng chí Lê Duẩn và Bộ Chính trị: “Đà Nẵng giải phóng rồi. Anh Năm Công và anh Phước13 đã vào Đà Nẵng rồi”14.
Đánh giá về Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng thành phố Đà Nẵng mùa Xuân năm 1975, đồng chí Lê Duẩn khẳng định: “Tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng sớm ngoài kế hoạch, Đà Nẵng là căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất, mạnh nhất của địch mà bị ta đánh sập, có ý nghĩa quyết định và báo hiệu Sài Gòn sẽ bị sụp đổ không còn lâu nữa”15.
Trong thắng lợi to lớn của chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, đồng chí Võ Chí Công – Bí thư Khu ủy Khu 5, đóng vai trò là người chỉ đạo trực tiếp và toàn diện cuộc tiến công và nổi dậy giải phóng thành phố. Đồng chí đã vận dụng tài tình, linh hoạt và sáng tạo Nghị quyết của Bộ Chính trị; đồng thời bằng kinh nghiệm, trí tuệ và tài thao lược của mình, đồng chí đã có những kiến nghị xuất sắc với Bộ Chính trị - những kiến nghị có khả năng làm xoay chuyển tình hình, tạo ra bước đột phá trong những thời điểm cực kỳ quan trọng của cuộc tiến công, để lại dấu ấn Võ Chí Công rất đậm nét trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Nhiều năm sau này, khi nghiên cứu về Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, các chuyên gia quân sự, các nhà sử học sẽ phải tiếp tục tìm hiểu và phân tích, làm rõ cơ sở nào đã dẫn đến đề xuất tài tình của đồng chí Võ Chí Công về “đề nghị Bộ Chính trị điều quân tấn công giải phóng Đà Nẵng”, khi chiến trường Tây Nguyên còn ngổn ngang, chưa chấm dứt; sẽ phải còn phân tích tư tưởng tiến công của đồng chí như: “thọc thẳng” đánh vào tung thâm, giải phóng Đà Nẵng, chủ động sử dụng lực lượng địa phương để giải phóng không nhất thiết phải chờ đợi quân chủ lực, hoặc lấy “tan rã làm tiêu diệt” địch… của đồng chí.
Không chỉ là người kiến tạo và quyết định các phương án giải phóng Đà Nẵng, đồng chí Võ Chí Công còn là nhà lãnh đạo sâu sát địa bàn và cơ sở, xông pha ra chiến trường để trực tiếp chỉ đạo cuộc hợp đồng binh chủng hoàn hảo giải phóng Đà Nẵng, bao gồm các lực lượng cách mạng, tiến công và nổi dậy trên cả ba mũi giáp công: quân sự, chính trị và binh vận.
Và là một chiến sĩ cộng sản, có tấm lòng nhân đạo, nhân văn cao cả, trong Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng thành phố Đà Nẵng năm 1975 cũng như Cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám ở Quảng Nam và Đà Nẵng năm 1945 mà đồng chí là người giữ vai trò lãnh đạo chủ chốt, đã diễn ra rất hào hùng, trọn vẹn và ít đổ máu. Tư tưởng đoàn kết, hòa hợp dân tộc của Đảng đã được chấp hành nghiêm chỉnh và mẫu mực. Thành phố Đà Nẵng được giữ gìn nguyên vẹn và vẫn sáng rực rỡ ánh đèn điện trong đêm hòa bình đầu tiên.
Đánh giá về vai trò đồng chí Võ Chí Công trong Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng, có lẽ không lời nào ngắn gọn và chính xác hơn nhận xét của Tổng Bí thư Lê Duẩn, vào ngày 26-4-1975, khi đồng chí Võ Chí Công ra thủ đô Hà Nội báo cáo với Bộ Chính trị về tình hình giải phóng Khu 5: “Anh giỏi quá, vận dụng tài tình linh hoạt, sáng tạo Nghị quyết Bộ Chính trị, giải phóng hoàn toàn Khu 5, làm tan rã hàng chục vạn quân ở Đà Nẵng, tạo thuận lợi cơ bản cho giải phóng Sài Gòn sắp tới”16.
(*) Đầu đề do Báo Đà Nẵng đặt.
1 Võ Chí Công: Trên những chặng đường cách mạng (Hồi ký), Nxb Chính trị quốc gia, HN, tr. 262.
2 Võ Chí Công: Trên những chặng đường cách mạng (Hồi ký), tr 624.
3 Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng (2011), Đà Nẵng thời đánh Mỹ, tập 2, Đô thị vùng lên, dẫn theo hồi ký của đồng chí Hoàng Minh Thắng, tr. 291.
4 Võ Chí Công: Trên những chặng đường cách mạng (Hồi ký), Sđd, tr 266.
5 Mật điện của Võ Chí Công gửi Bộ Chính trị ngày 18-3-1975. Tài liệu hiện lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng.
6 Nhiều tác giả: Lê Duẩn một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, HN, 2002, tr 50.
7 Mật điện của Võ Chí Công gửi Bộ Chính trị ngày 20-3-1975. Tài liệu hiện lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng.
8 Dẫn theo bài “Nhân vật trung tâm của Khu 5 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước” của Nguyễn Văn Cao, trong sách “Võ Chí Công - người con ưu tú của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng” (2008), Tỉnh ủy Quảng Nam ấn hành, tr. 352 - 353.
9 Dẫn theo bài “Anh Võ Chí Công với phong trào cách mạng ở Quảng Nam và Khu 5” của Trương Công Huấn, trong sách “Võ Chí Công - người con ưu tú của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng”, Sđd, tr. 370.
10 Dẫn theo bài “Cảm nhận về đồng chí Võ Chí Công trong mỗi hoàn cảnh lịch sử” của Phan Hoan, trong sách “Võ Chí Công - người con ưu tú của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng”, Sđd, tr. 376.
11 “Báo cáo về Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Quảng Nam - Đà Nẵng mùa Xuân năm 1975”, tài liệu đã dẫn.
12 Võ Chí Công: Chiến thắng Buôn Ma Thuột mở đầu chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - niềm tự hào của quân và dân các dân tộc Tây Nguyên, Tạp chí cộng sản, số 8 tháng 3, năm 2003, tr.16.
13 Anh Phước tức đồng chí Hồ Nghinh.
14 Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng: Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng (1930 – 1975), Nxb Chính trị quốc gia, HN, tr 632.
15 Nhiều tác giả: Lê Duẩn một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, HN, 2002, tr 50.
16 Theo hồi ký đồng chí Phạm Đức Nam, đăng trên báo “Sự kiện và nhân chứng”, số tháng 3-1998.
(Tham luận của đồng chí NGUYỄN BÁ THANH, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng tại Hội thảo khoa học “Đồng chí Võ Chí Công với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng”)