.

Có một tượng đài trong lòng dân Đà Nẵng

.

“Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa/Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa.../Chiều nay con chạy về thăm Bác/Ướt lạnh vườn rau mấy gốc dừa!” (Tố Hữu). Hình ảnh đau thương ấy lại ùa về trong tôi khi được nghe ông Hồ Quảng Thu kể lại: “Được tin Bác mất, ai trong đoàn cũng bủn rủn chân tay. Lúc đó, chú không còn tâm trí nào để học mà chỉ muốn về quê đánh giặc... ”. Kỷ niệm về những ngày được gặp Bác vẫn còn nguyên vẹn trong ông Thu và hiện lên rõ rệt khi ông lật lại những bức ảnh chụp chung với Bác được giữ gìn cẩn thận.

Nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu: “Có được một bức tượng Bác Hồ thật đẹp vẫn còn là ước mơ của tôi”.
Nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu: “Có được một bức tượng Bác Hồ thật đẹp vẫn còn là ước mơ của tôi”.

Những xúc động khó quên

Ngày 20-12-1968, sau hơn 2 tháng đi từ Quảng Nam ra Hà Nội, hạnh phúc lớn nhất trong đời ông Thu đã đến khi ông cùng đoàn dũng sĩ miền Nam được trực tiếp gặp Bác Hồ. Tại Hội trường Ba Đình dự lễ mít-tinh kỷ niệm 8 năm thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20-12-1960 – 20-12-1968), Bác Hồ xuất hiện trong bộ áo quần kaki giản dị, đầu đội mũ pê-rê công nhân vẫy tay chào mọi người. Trong ánh mắt rưng rưng, ông Thu còn nhớ như in những lời nói ấm áp, ân tình của Người: “Các cháu đánh Mỹ giỏi nhưng các cháu chưa được học hành, giờ Bác đưa các cháu vào quân đội để đào tạo nhé”. Ngay sau đó, Bác Hồ rút một bông hoa hồng trong lẵng hoa đặt trên bàn rồi trao tặng ông Thu và căn dặn: “Các cháu về điều trị bệnh, ăn no, học giỏi. Tết Bác gọi lên!”. Làm sao ông Thu có thể quên được tình cảm đặc biệt mà Bác đã dành cho ông vào tháng 3-1969, khi ông được đi cùng đoàn về Trung đoàn 253 đóng tại thị trấn Nam Sách, Hải Dương để an dưỡng, điều trị bệnh và học tập với lớp học được Bác cử 17 giáo viên giảng dạy. “Từ một người không biết chữ, được Bác quan tâm cho ăn học, chú đã thi đỗ đại học quân sự và trở thành người”, ông Thu xúc động.

Còn trong ký ức của ông Nguyễn Xuân Đích-Máy trưởng Đoàn tàu không số thì chẳng thể nào quên được Bác hỏi thăm khi đưa Bác ra tắm ở vịnh Hạ Long: “Quê chú ở đâu?”. “Dạ, thưa Bác, quê cháu ở Quảng Nam”. “Chú học lái tàu lâu chưa?”. “Dạ, thưa Bác, cháu học 2 năm rưỡi”. Bác bảo: “Chú còn trẻ, học Quân chủng phục vụ lâu dài”. Tuy câu chuyện ngắn ngủi, nhưng những lời nói của Bác rất thiêng liêng đối với ông Đích và trở thành lời dạy theo ông đi suốt cuộc đời. “Trong tôi, Bác là ông tiên. Do đó, khi Bác mất là một cú sốc lớn đối với tôi và cả gia đình tôi. Những lúc công việc hay gia đình gặp khó khăn, trong thâm tâm tôi tự hứa với Bác để vượt qua”.

Cũng như nhiều người dân Đà Nẵng, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Lành luôn tỏ tấm lòng kính yêu và ngưỡng mộ Bác vô vàn. Bức ảnh Bác Hồ được ông đặt ở vị trí trang trọng trên bàn thờ ở phòng khách. Rất tiếc là khi chúng tôi đến gặp ông để tìm hiểu về ý nghĩa này thì ông Lành đã đi tham quan Thái Lan cùng với các Anh hùng LLVT khác. Cô con dâu của ông Lành cho biết: “Em mới về làm dâu chưa được bao lâu nhưng có nghe ba (ông Lành - P.V) nói, suốt đời ba chỉ thần tượng mỗi Bác mà thôi. Những ngày lễ, rằm, 30 hay mồng 1 hằng tháng… ba đều mua hoa quả và thắp hương cúng Bác”.

Cũng như nhiều gia đình ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Lành đặt bức ảnh thờ Bác ở vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà mình.
Cũng như nhiều gia đình ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Lành đặt bức ảnh thờ Bác ở vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà mình.

Tấm lòng với Bác

Tôi không thể nào quên cái khoảng lặng đầy xúc động tại hội trường UBND phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê) khi một cử tri đứng lên phát biểu với đại biểu HĐND thành phố trong hội nghị tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3 HĐND thành phố khóa VIII cuối năm 2011 rằng: “Đà Nẵng là thành phố nổi tiếng với nghề điêu khắc tượng đá Non Nước và hiện nay chúng ta đang thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nên chúng tôi đề xuất với thành phố xây dựng một Tượng đài Bác Hồ đặt giữa lòng thành phố để mọi người dân được nhìn thấy Bác mỗi ngày”. Vốn xuất thân là bộ đội Cụ Hồ, lại từng công tác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5, Nhà điêu khắc Nguyễn Long Bửu cũng từng cho biết, anh luôn thầm nhắc và khao khát được sáng tác một bức tượng Bác Hồ thật xuất sắc. Anh tâm sự: “Đã từ lâu tôi luôn ấp ủ và có tâm huyết muốn sáng tác một bức tượng Bác thật xuất sắc để đặt ở một vị trí trang trọng nhất trong khu vườn tượng, làm điểm nhấn cho Làng đá mỹ nghệ Non Nước và là điểm dừng chân cho du khách ghé thăm mỗi khi đến tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn”.

Để tỏ tấm lòng kính yêu đối với Người, kể từ khi thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn thành phố đã phát động treo ảnh Bác Hồ. Bà Hoàng Giang Yên Thủy, Bí thư Đảng ủy phường Phước Ninh (quận Hải Châu) cho biết: “Đảng ủy phường Phước Ninh đã phát động trong toàn Đảng bộ đến hết ngày 2-9 năm nay, toàn thể đảng viên và cán bộ khu dân cư đều treo ảnh Bác. Đặc biệt, Chi bộ Phước An 4 được chọn làm điểm và phát động treo ảnh Bác trong toàn thể nhân dân. Từ ngày 2-9 trở đi, Đảng ủy phường tiếp tục phát động treo ảnh Bác trong toàn thể nhân dân trên địa bàn phường. Theo bà Yên Thủy, đây là việc làm và hành động cụ thể nhất trong việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thể hiện lòng yêu mến, ngưỡng mộ vị cha già dân tộc.

Không phải chờ đến lúc người dân đề nghị mong muốn xây Tượng đài Bác Hồ, mà trước đó, lãnh đạo thành phố cũng đã chọn con đường ven biển đẹp nhất nước để đặt tên: đường Nguyễn Tất Thành. Trong tháng 5 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến cũng đã thông qua phương án hướng tuyến và quy mô đầu tư đường Nguyễn Tất Thành nối dài và đường vành đai phía nam thành phố (đường Hòa Phước – Hòa Khương) với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.723 tỷ đồng. Theo đó, đường Nguyễn Tất Thành nối dài sẽ kéo dài và giao với đường tránh Hải Vân – Túy Loan bằng hầm chui và kết nối vào trục chính của Khu Công nghệ thông tin tập trung. Tuy thành phố chưa có điều kiện để xây dựng một tượng đài có quy mô lớn về Bác nhưng trong lòng mỗi người dân Đà Nẵng đã có một “tượng đài” bằng sự ngưỡng mộ và kính yêu vô hạn đối với Người.

Nếu được, nên xây Tượng đài Bác Hồ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

Ông Thân Ngọc Huệ, Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5 và Bảo tàng Khu 5: “Việc xây dựng một Tượng đài Bác Hồ là cần phải có quảng trường rộng lớn. Trước đây, cũng đã từng có Tượng đài Bác Hồ ở 84 Hùng Vương. Hiện thành phố đã có Bảo tàng Hồ Chí Minh, trong đó có tượng Bác bằng đồng, phòng tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, gian thờ… Nếu là mong muốn thiết tha của nhân dân và thành phố có ngân sách thì theo tôi, nên đầu tư nâng cấp phòng trưng bày bên trong của Bảo tàng để xứng tầm với một thành phố lớn ở miền Trung. Nếu được, nên đặt Tượng đài Bác Hồ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ngay cổng ra vào của bảo tàng bởi đây là khu liên hoàn trưng bày cuộc đời hoạt động của Bác từ lúc sinh ra đến khi Bác mất. Khi người dân đến tham quan sẽ gặp Bác ở cổng và sau đó thăm phòng truyền thống đấu tranh của Quân khu 5, rồi đến nhà sàn Bác Hồ-nơi Bác sống và làm việc, rồi đến Bảo tàng Hồ Chí Minh-nơi trưng bày cuộc đời hoạt động của Người. Hiện bảo tàng luôn mở cửa liên tục để phục vụ nhân dân đến tham quan. Hằng năm, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Quân khu 5 và Bảo tàng Khu 5 đón trên 120.000 lượt khách tham quan đến từ các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Bài và ảnh: GIA HUY

;
.
.
.
.
.