Cần phải luật hóa hoạt động giám sát và phản biện xã hội (GS&PBXH) của Mặt trận. Mặt trận phải được độc lập về tài chính thì mới bảo đảm có tiếng nói khách quan, có trọng lượng trong hoạt động GS&PBXH. Đây là những vấn đề được phân tích, làm rõ tại Hội thảo “Nâng cao năng lực GS&PBXH của Mặt trận và các tổ chức thành viên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức ngày 17-8.
Tạo tập quán, thói quen phản biện trong xã hội
Ý kiến của các tham luận tại Hội thảo chỉ ra GS&PBXH là vấn đề còn mới mẻ, chưa trở thành thói quen phổ cập trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong hàng ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý như: Văn hóa tranh luận, thói quen lắng nghe, nhất là lắng nghe những ý kiến trái ngược, thói quen công khai-minh bạch, thói quen dám hỏi thẳng, bản lĩnh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người dám nói thẳng. Do đó, quá trình thực hiện GS&PBXH phải gắn liền với quá trình nâng cao dân trí, tạo lập những tập quán hỗ trợ cho hoạt động này. Với tư cách là một liên hiệp tự nguyện rộng rãi nhất của các giai tầng trong xã hội, MTTQ Việt Nam có đầy đủ tư cách và đóng vai trò quan trọng là một chủ thể của hoạt động GS&PBXH. Đó cũng là lý do để Mặt trận tồn tại. Thạc sĩ Nguyễn Thị Lệ Thủy, đại biểu Học viện Chính trị-Hành chính Khu vực III khẳng định: Chỉ có dân thông qua Mặt trận thực hiện quyền GS&PBXH mới có thể giúp Đảng và Nhà nước chống tụt hậu, chống tham nhũng, chống đói nghèo có hiệu quả. Chỉ có hoạt động GS&PBXH mới có thể làm trong sạch bộ máy Nhà nước, bảo đảm trong Đảng không có hiện tượng “siêu đảng”. Nhiều ý kiến cho rằng: GS&PBXH mới ở dạng chủ trương trong các văn kiện của Đảng. Để hoạt động này khả thi cần phải luật hóa hoạt động GS&PBXH. Theo Tiến sĩ Huỳnh Năm: Nếu không luật hóa, không có cơ chế cho Mặt trận thực hiện chức năng GS&PBXH thì chúng ta chỉ ngồi đây nói cho nhau nghe mà thôi. Để thực hiện được việc này thì việc đầu tiên là phải xây dựng nhận thức, đả thông tư tưởng trong xã hội đối với GS&PBXH. Thực tế ít có cơ quan chính quyền nào mong muốn được giám sát và phản biện. Vấn đề ở đây là nhận thức, cơ chế và thiện chí của đối tượng là khách thể của hoạt động GS&PBXH. Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, đại biểu Quốc hội chuyên trách nêu ra nguy cơ bàng quan chính trị nếu không hình thành được tập quán phản biện trong xã hội. Đó là khi dân nói thì chính quyền không muốn nghe. Đến một lúc nào đó, chính quyền có muốn nghe thì người dân không còn muốn nói nữa.
Phải có thông tin, độc lập tài chính mới phản biện được
Các ý kiến tham luận đều nhất trí rằng: Để có điều kiện GS&PBXH thì phải có thông tin. Là chủ thể của hoạt động này, Mặt trận phải chủ động về mặt thông tin. Vì vậy đòi hỏi hoạt động của Đảng và Nhà nước phải thực sự dân chủ, minh bạch, công khai. Nếu không Mặt trận chỉ loanh quanh vòng ngoài, thiếu thông tin thì lấy gì mà phản biện. Theo ý kiến ông Nguyễn Văn Cửu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Sơn Trà: Cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải đề cao trách nhiệm trước Đảng, trước dân, có thiện chí cung cấp thông tin và thực sự cầu thị muốn nghe, dám nghe, dũng cảm tiếp thu ý kiến phản biện. Để thực hiện GS&PBXH có hiệu quả Mặt trận phải có thực lực. Trước hết là Mặt trận phải có đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực và có dũng khí đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ GS&PBXH. Bên cạnh đó, Mặt trận phải chủ động tập hợp, xây dựng đội ngũ các chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực, xây dựng đội ngũ cộng tác viên, tư vấn viên về GS&PBXH. Tuy nhiên, hiện nay công tác tổ chức và cán bộ Mặt trận vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Trang thiết bị phục vụ cho công tác nắm thông tin, xử lý thông tin chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.
Để hoạt động GS&PBXH của Mặt trận có hiệu quả, khách quan và độc lập cần phải đổi mới thể chế tài chính để bảo đảm Mặt trận tương đối độc lập về tài chính. Nhiều ý kiến cho rằng nên để Quốc hội và HĐND quyết định phân bổ ngân sách dành cho hoạt động của Mặt trận. Theo ông Phan Viết Thông, Phó Trưởng Ban Dân Vận Thành ủy: Sự lệ thuộc tài chính vào đối tượng là khách thể của GS&PBXH và biểu hiện của cơ chế xin-cho hiện nay làm cho hoạt động GS&PBXH thiếu tính khách quan, không đạt hiệu quả như mong muốn. Việc thay đổi thể chế tài chính sẽ làm thay đổi quan trọng tính chất hoạt động của Mặt trận. Mặt trận phải được độc lập, tự quyết về tài chính thì mới bảo đảm có tiếng nói khách quan, có trọng lượng cao trong hoạt động GS&PBXH.
SƠN TRUNG