Dịch vụ mai táng hiện nay khá nở rộ tại thành phố Đà Nẵng. Chỉ cần một cuộc điện thoại, lập tức những người làm nghề dịch vụ mai táng có mặt lo chu tất từ A đến Z chuyện hậu sự cho thân chủ, đáp ứng cả những yêu cầu khắt khe nhất...
Một đám tang theo nghi thức truyền thống tại phường Xuân Hà, quận Thanh Khê. |
Phục vụ tận... chân răng
24 giờ, chuông điện thoại cơ sở dịch vụ mai táng Mười Mạnh (đường Đống Đa, quận Hải Châu) réo vang. Đã quá quen với sự bất thường này, ông chủ Phạm Đức Mạnh ngáp dài rồi nén cơn buồn ngủ nhấc máy: “Ở đâu ạ? Dạ, đến liền. Gia đình cứ yên tâm”. Sau thời gian ngắn nhận được điện thoại, đội quân lo hậu sự lập tức có mặt để xem tang chủ muốn tiến hành nghi thức như thế nào. “Chuyên gia” trang điểm bắt tay vào “làm đẹp” cho người quá cố và mặc quần áo. Sau đó đến các khâu: liệm, nhập quan, di quan và chôn cất... Trong lúc “tang gia bối rối”, thân chủ có khi chỉ việc ngồi khóc và... chuẩn bị tiền, còn mọi thứ đã có cơ sở mai táng lo liệu. Từ hòm xiểng, lư hương, chân đèn, nhà rạp, quần áo, khăn tang đến việc tắm rửa, trang điểm, khâm liệm, xem giờ tốt, giờ xấu... đều được các cơ sở dịch vụ mai táng làm tất tật. Rồi những người làm dịch vụ mai táng còn phải chú ý đến lễ tang theo tôn giáo. “Mình cũng phải có một số kiến thức cơ bản về các tôn giáo để đáp ứng yêu cầu của gia chủ và chuẩn bị lễ tươm tất, phù hợp”, ông Mạnh cho biết.
Hòm cho người quá cố được trang trí khá kỹ lưỡng, trông như một thuyền hoa, bên trên là những ngọn nến lấp lánh. Tùy theo yêu cầu của gia chủ mà dịch vụ cung ứng hòm có “cửa sổ” để thấy mặt người chết hoặc hòm kín. Loại hòm có “cửa sổ” nhiều tiền hơn hòm kín khoảng vài trăm ngàn đồng/chiếc. Mỗi chiếc hòm gỗ - tùy theo giá trị vật liệu và trang trí có giá từ 3-25 triệu đồng. Cũng có chiếc hòm được đặt ở thành phố Hồ Chí Minh làm bằng gỗ hương có chạm khắc rồng phượng giá lên đến 160 triệu đồng được nhiều “đại gia” lựa chọn. Những quy tắc, thủ tục truyền thống được các cơ sở mai táng “tư vấn” khá kỹ lưỡng cho thân chủ, nào là phải cho người mới mất nằm quay đầu vào trong, thuận với bàn thờ; nào là chuẩn bị 3 vắt cơm “xông đầu” kèm 3 quả trứng để lên đầu giường người quá cố. Theo ông Mạnh, ý nghĩa tâm linh của chuyện này là để người đi đưa tiễn người chết khỏi bị đau đầu, nhưng cũng có cơ sở khoa học là khi cơ thể người chết chuyển từ ấm sang lạnh, vi khuẩn thoát ra từ nơi lạnh sang ấm nên tìm vật chủ. Vắt cơm là vật chủ ấm và trứng sẽ hút bớt hơi độc từ người chết. Song, nếu gặp nhà ăn chay trường thì làm 3 vắt cơm muối mè thay vắt cơm kèm trứng. Còn với việc phục tang, chỉ cần lập danh sách các thành viên trong gia đình, các cơ sở dịch vụ mai táng sẽ tư vấn và chọn cho gia chủ những bộ áo tang đúng kiểu theo từng vị trí thứ bậc. Áo tang của con gái, con dâu, con rể... phải khác nhau. Trưởng nam mặc đồ tang khác con trai thứ ở chỗ áo phải có hai lớp trong và ngoài để lật lên và có mũ bện rơm...
Những “chiêu” hút khách
Hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có khoảng 20 cơ sở làm dịch vụ mai táng lớn như: Ban nghĩa trang thành phố, Xuân Lanh, Mười Mạnh, Sài Gòn, Xuân Thủy, Sơn Liêm... và rải rác các cơ sở nhỏ. Dịch vụ này chỉ rộ lên khoảng từ 5-6 năm trở lại đây, được tìm đến nhiều vẫn là Ban nghĩa trang thành phố với tần suất lo mai táng cho khoảng 50 đám/tháng. Những cơ sở nhỏ hơn cũng “sống khỏe” với 5-6 đám/tháng.
Những cơ sở với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề như Mười Mạnh thì nhận khoảng 20-25 đám/tháng. Ông chủ Phạm Đức Mạnh vốn trước đây làm nghề thợ mộc. Một hôm đang làm việc tại một nhà đóng hòm thì thợ đóng hòm đình công, không có người làm, anh thợ mộc được nhờ làm giúp, vậy là “bén duyên” với nghề lo hậu sự cho người chết lúc nào không hay. Giá lo hậu sự cho mỗi đám tang khoảng từ 10-50 triệu đồng, tùy nhu cầu của gia chủ. Cũng có những đám tang tiền tỷ như đám tang của bà chủ một công ty vận tải lớn tại Đà Nẵng vừa qua. Không chỉ không nhận tiền phúng điếu, những ai (dù không quen biết) vào thắp hương còn được nhận tiền “boa” mỗi người 200.000 đồng. Nhiều đám tang mà gia chủ khá giả không giới hạn các dịch vụ, miễn là lo hậu sự tốt nhất. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người vợ chết, người chồng chạy xe ôm, gia cảnh nghèo khó đến nhờ giúp thì cơ sở mai táng cũng không được chối từ. “Đám đó làm chỉ 3 triệu đồng, vừa đủ tiền hòm nhưng mình cũng làm, chấp nhận bù thêm chi phí”, ông Mạnh nói. Dù có khi phải bù lỗ nhưng cái “được” lớn hơn đó chính là tạo “tiếng” để làm ăn lâu dài.
Một chủ cơ sở mai táng khác tiết lộ: Nghề này cũng có sự cạnh tranh khốc liệt, không loại trừ cả việc nói xấu, hạ uy tín lẫn nhau. Muốn công việc thuận lợi hơn, các cơ sở phải quan hệ tốt với các tổ trưởng, trưởng thôn ở địa phương hay các bệnh viện để khi có người vừa qua đời thì “ới” nhau một tiếng, tất nhiên luôn phải kèm theo “hoa hồng”. Nhiều cơ sở mai táng lớn còn mua hàng trăm mét vuông đất sẵn sàng “biếu” cho gia đình thân chủ khi có nhu cầu an táng để tạo “tiếng thơm”. Tuy nhiên, giá 5-6m2 đất “biếu” để xây mộ có khi chỉ vài trăm ngàn đồng nhưng giá xây mộ (do cơ sở mai táng gọi) đội lên đến vài triệu đồng. Đó là chưa kể khi người thân của gia đình đó mất đi, muốn có đất an táng cạnh người vừa quá cố lúc trước thì phải mua lại đất của chủ cơ sở mai táng.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ - NGỌC YẾN