.

Dịch vụ mai táng - Kỳ cuối: Công nghệ ma chay

.

Việc lo hậu sự thời nay đã trở thành một công nghệ (nghệ thuật, kỹ năng). Và bên cạnh đó là bao chuyện cười ra nước mắt…

Ông Lê Văn Thậm trang điểm trước giờ hát “hiếu”.
Ông Lê Văn Thậm trang điểm trước giờ hát “hiếu”.

Ngón nghề của những “chuyên gia”

“Ma chê, cưới trách”, chỉ cần một chút sơ suất thì gia chủ đến khổ với các bậc cha chú trong họ hàng. Bởi vậy, để tạo uy tín, các cơ sở mai táng phải tích cực nâng cao kỹ nghệ, tay nghề cho nhân viên để lo chu tất các khâu theo yêu cầu của gia chủ. Trước đây, việc trang điểm cho người chết chỉ làm qua loa. Còn bây giờ, việc này đã trở thành kỹ nghệ và những người trang điểm cho người quá cố được nâng lên hàng… “chuyên gia”.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề trang điểm cho người quá cố, ông Lê Trọng Minh (56 tuổi, ở quận Hải Châu) đã quá quen với mùi xác chết, nhang đèn. Một lần theo các nhà sư tụng kinh ở đám tang, người thợ liệm bị bệnh đột xuất nên ông Minh làm thay, riết rồi thành quen. Với ông, các thao tác như chích thuốc để giữ xác cho tươi, mặc đồ cho người quá cố như thế nào cho đúng… đã nằm lòng. Theo ông Minh, đánh phấn cũng tùy vào khuôn mặt, da ngăm thì đánh phấn cho trắng, da trắng thì không nên đánh phấn vì sẽ bị tái đi, trông nhợt nhạt nên phải đánh phấn hồng… Nói chung là trang điểm cho người chết cũng không thua kém việc làm đẹp hằng ngày của phụ nữ bao nhiêu. Với những người chết có gò má hóp, chỉ cần bơm thuốc cho căng rồi đánh phấn, thế là trông đẹp hơn lúc sống. Theo ông Minh, khó khăn nhất là gặp những người chết nước hoặc chết cháy. Khi đó, không còn đặt nặng việc trang điểm nữa, bởi cốt làm sao giữ cho thi thể nguyên dạng.

Không chỉ lo chu tất các công đoạn mai táng, việc có thêm tiếng khóc cho đám tang bớt phần lạnh lẽo cũng là chuyện dễ với các dịch vụ lo hậu sự. Những người dùng tiếng hát như tiếng khóc ai oán não nề thay lời gia chủ trong các đám tang gọi là hát “tổng” và hát “hiếu”. Nhiều lúc hai loại này kết hợp thành một.  Có mặt trong đám tang của một ngư dân chết trẻ do bệnh tim (hưởng dương 26 tuổi, ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê), ai nấy đều không cầm được nước mắt khi nghe tiếng hát thê thiết của người hát “tổng” trong tiếng nhạc buồn: “Hương linh ơi! Thương quá tuổi xuân mau tàn vội, tre khóc măng, hương linh đã hóa ra người thiên cổ, bỏ anh em ruột rà, bỏ mẹ cha, ruột rà thân hữu, xóm làng thân thương mà ra đi không một lời từ biệt…”. Hoàn thành bài hát sau hơn một tiếng đồng hồ, ông Lê Văn Thậm (45 tuổi), người có thâm niên hơn chục năm trong nghề hát “hiếu” bộc bạch: “Với những người quá cố tuổi cao thì mới nhận tiền cảm ơn của gia chủ, còn những đám chết trẻ như thế này thì chúng tôi không nhận, coi như góp thêm nén nhang tiếc thương người quá cố”. Ông Thậm tiết lộ: Hát “tổng” hay hát “hiếu” thật ra giống hát tuồng, trên nền nhạc tuồng nhưng không có bài định sẵn mà hát theo ngẫu hứng và đúng với từng gia cảnh. “Mình phải đến sớm trước lúc hát khoảng nửa tiếng để nắm rõ hoàn cảnh gia đình xem người mất có chồng, có vợ hay chưa, làm nghề gì… để hát cho đúng”, ông Thậm nói. Tuy nhiên, không phải không có lúc nhầm lẫn. Ông Thậm kể, trong một đám tang, ông đang “than khóc”: “Bà ơi, sao bà nỡ bỏ tui mà về nơi chín suối…” thì một ông anh ruột của người mất nhắc: “Chồng nó chết trước đó rồi!”. Ông Thậm giật mình, chuyển “tông” ngay: “Bà ơi, sao bà lại trở về gặp tui sớm thế này, để đàn con thơ không người chăm sóc…”. Hát “hiếu” khó ở chỗ là làm sao lấy được nhiều nước mắt của gia chủ và người thân, hàng xóm người quá cố bằng những câu kể lể, như “múc ruột” người nghe, chẳng hạn: “Lúc sáng còn gặp nhau đây mà giờ đã âm dương cách trở”... Những người hát hiếu thành công trên địa bàn Đà Nẵng hiện nay chỉ có vài người đếm trên đầu ngón tay như: ông Thậm, anh Kỳ, chị Nhi, chị Lan…

Chữ “tâm” trong nghề

Dù đi hát cho khắp thiên hạ nhưng với những người thân của mình, những người hát “tổng” và hát “hiếu” phải nhờ bạn bè hát thay. Ông Thậm kể, cũng có lần, đi hát cho một đám tang mà những người thân của người quá cố ai cũng có vẻ mặt lạnh lùng, không chút xúc cảm khiến ông cụt hứng, dù cố gắng nhưng không hát được. Cũng có gia đình dù đã mời ông đến nhưng sau đó lại đề nghị không hát vì thân chủ quá xúc động, sợ đột quỵ. Cũng có khi, hát xong thấy gia cảnh người mất nghèo quá, ông Thậm không nhận tiền thù lao. Theo ông Thậm, một người mới vào nghề, phải mất ít nhất 3 năm thì mới hát được.

Những người làm dịch vụ ma chay đều cho rằng, đã bước vào nghề này, phải có cái “tâm” mới sống được với nghề. “Khó nhất là phải vượt qua được sự sợ hãi của bản thân. Làm nghề này không chỉ để mưu sinh, không chỉ là cái duyên; giúp người chết có hình hài đẹp đẽ nhất trong mắt người thân lần cuối là việc nên làm”, ông Lê Trọng Minh chia sẻ. Còn ông Phạm Đức Mạnh (chủ cơ sở Mười Mạnh) bộc bạch: “Có nhiều trường hợp làm xong xuôi đâu đó, gia chủ chỉ trả một nửa tiền rồi… thôi luôn, mình cũng không đòi nữa vì nghĩ chắc họ gặp khó khăn. Cũng có người thiếu nợ tiền, vài năm sau họ quay lại trả đủ. Việc nhân viên dịch vụ mai táng bị… đánh cũng được coi là chuyện thường ngày. Nhiều người con vì quá tiếc thương nên khi đưa người mẹ quá cố vào hòm, họ gào lên thảm thiết rồi đánh cả người liệm. Mình cũng thông cảm và chịu trận rồi lựa lời nói sau vì biết họ đang xúc động”.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ - NGỌC YẾN

;
.
.
.
.
.