.

Đồng chí Võ Chí Công - Người Cộng sản mẫu mực, suốt đời hy sinh phấn đấu cho lý tưởng của Đảng

.

Sáng 5-8, tại Quảng Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Võ Chí Công với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Cố Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công.

Đến dự có các đồng chí: Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Chi, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Nguyễn Khánh, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ; Tạ Ngọc Tấn, UVTW Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương (UVTW) Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Bá Thanh, UVTW Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng; Nguyễn Đức Hải, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam..., các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các nhà nghiên cứu, nhà khoa học cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, lãnh đạo các địa phương và lực lượng vũ trang, gia đình, tộc họ của đồng chí Võ Chí Công... Hội thảo quy tụ 65 tham luận và 10 ý kiến phát biểu tại hội trường, tập trung thảo luận về những nội dung như:

Quang cảnh hội thảo. 								    Ảnh: NGUYỄN THÀNH
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: NGUYỄN THÀNH

Truyền thống quê hương, gia đình và thân thế, sự nghiệp đồng chí Võ Chí Công; nhà lãnh đạo tài năng, có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước ta, là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tấm gương sáng ngời của người Cộng sản kiên trung, bất khuất, suốt đời tận tụy cống hiến vì Đảng, vì dân; bài học kinh nghiệm từ sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Chí Công...

Người con ưu tú đất Quảng

Ngay trong phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã khái quát về thân thế, sự nghiệp của nhà lãnh đạo Võ Chí Công, từ khi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quảng Nam văn hiến, giàu truyền thống yêu nước và truyền thống cách mạng đến khi là nhà lãnh đạo cao nhất của Nhà nước. “Hơn 70 năm hoạt động, cống hiến liên tục của đồng chí Võ Chí Công cho Đảng, cho cách mạng đầy hy sinh gian khổ, nhưng cũng vô cùng vẻ vang. Đồng chí đã để lại cho Đảng và nhân dân ta một tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tấm gương của người Cộng sản mẫu mực, suốt đời hy sinh, phấn đấu cho lý tưởng của Đảng. Đồng chí đã tỏ rõ phẩm chất của một người chiến sĩ cách mạng kiên cường, một nhà lãnh đạo tài năng, luôn suy nghĩ và hành động một cách sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn, lấy kết quả hoạt động trong thực tiễn làm thước đo chân lý, gắn bó mật thiết với nhân dân”, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh.

Những phẩm chất ngời sáng đó của Cố Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công đã được các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và lãnh đạo qua các thời kỳ khẳng định và làm sáng tỏ thêm. Đồng chí Nguyễn Văn Chi, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng bồi hồi nhớ lại: “Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tại chiến trường Quảng Đà thuộc Khu 5 cũng như sau hòa bình 1975, tôi không thể nào quên được hình ảnh của một người anh, người đồng chí luôn có tâm hồn cao đẹp, bình tĩnh, sáng suốt và quyết liệt trong lãnh đạo, vượt qua nhiều tình huống khó khăn và khốc liệt nhất ở chiến trường, luôn luôn có ý chí tiến công, đã đánh là quyết thắng... Ở chiến trường, đồng chí luôn là người chỉ huy tin cậy, là chỗ dựa về tinh thần vững chắc của quân và dân ta”.  

Những phẩm chất đó, theo đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, xuất phát từ truyền thống quê hương, gia đình đã tác động đến con người cách mạng Võ Chí Công. Theo đó, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng khái quát có 3 điểm chính: Bắt đầu từ nhân cách làm người, có nhân có đức, lấy đức làm gốc, Võ Chí Công đã sớm có tinh thần yêu dân yêu nước và từ đó mà hình thành tinh thần, ý thức đấu tranh cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc; từ sự tác động của người cha thân yêu, là một nhà Nho học yêu nước và có tinh thần cách mạng, tiếp cận với các nhà Nho yêu nước đã dũng cảm đấu tranh cho độc lập dân tộc, từ đó Võ Chí Công tiếp nhận những thông tin đầu tiên về Nguyễn Ái Quốc - điều này rất quan trọng về sau; bản thân đồng chí Võ Chí Công chịu sự tác động của truyền thống quê hương, gia đình và với tư duy độc lập đã đi từ một thanh niên nhiệt huyết, đến với tư tưởng yêu nước, tư tưởng cách mạng, đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Đồng chí nhấn mạnh: “Nhưng sau khi giành độc lập thì làm gì nữa, đưa đất nước đi về đâu? Trong quá trình trả lời cho câu hỏi ấy, Võ Chí Công đã đến với Tư tưởng Hồ Chí Minh, Chủ nghĩa Mác - Lênin và lý tưởng Cộng sản, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - và thủy chung, trung thành với lý tưởng đó suốt đời”.

Là người từng hoạt động và có thời gian thân cận bên đồng chí Võ Chí Công, Thượng tướng Lê Thế Tiệm, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an nhìn nhận, đồng chí Bí thư Khu ủy 5 đã có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, hình thành lực lượng An ninh Khu 5 nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng và vùng giải phóng... Trước những khó khăn bộn bề của phong trào cách mạng Khu 5 giai đoạn 1973, đồng chí Võ Chí Công đã có chỉ đạo chiến lược sâu sắc, nhất là kiên định với việc giữ vững quan điểm bạo lực cách mạng... “Nhờ quán triệt chỉ đạo trực tiếp của anh Năm Công, lực lượng vũ trang Khu 5 không ngừng lớn mạnh”, Thượng tướng Lê Thế Tiệm nhìn nhận.

Cùng quan điểm trên lĩnh vực này, Thiếu tướng Trần Quang Phương, Chính ủy Quân khu 5 khái quát 5 đức tính trong nhà quân sự Võ Chí Công. Đó là, có tầm nhìn xa trông rộng, từ đó xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng Khu 5 nói riêng và của miền Nam nói chung trong những ngày đầu đánh Mỹ; có tư duy chiến lược và nhãn quan chính trị sâu sắc, trong đó quan trọng là kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; sâu sát cơ sở, trụ bám phong trào, kiên định với chủ trương, trong đó có việc đề ra chủ trương và tổ chức thực hiện tinh thần “dám đánh Mỹ và thắng Mỹ”; tích cực nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, linh hoạt kinh nghiệm thực tiễn, trong đó có vấn đề xây dựng 3 lực lượng, 3 mũi tiến công; nêu cao tinh thần tiến công, đưa ra nhiều quyết sách kịp thời, tạo nên nét độc đáo trong chiến lược quân sự của Khu 5. Theo Chính ủy Quân khu 5, thì đó là những di sản vô giá của người chỉ huy tài ba, người Cộng sản mẫu mực để cán bộ, chiến sĩ Quân khu 5 noi theo.192.203

Hết lòng vì sự nghiệp đổi mới

Là Chánh Văn  phòng Trung ương Đảng trong thời gian đồng chí Võ Chí Công đảm nhiệm vai trò Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Nguyễn Khánh, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ giúp Hội thảo khoa học hiểu hơn về hình ảnh Anh Năm Công trong thời điểm có ý nghĩa lịch sử, khi đất nước ta diễn ra những chuyển động to lớn, vào lúc cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng đặt ra cho chế độ ta, Đảng ta trước thử thách sống còn. Đây cũng là quãng thời gian Đảng ta thực hiện tự phê bình và phê bình sâu sắc, chủ động đổi mới tư duy, đổi mới phương thức lãnh đạo, đi sâu vào thực tế, nhìn thẳng vào sự thật, đi tới những kết luận chính xác về tình hình và nhiệm vụ cách mạng, từ đó đề xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới được đánh dấu bằng Đại hội VI (tháng 12-1986) của Đảng.

Trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI, khi Bộ Chính trị bàn về các vấn đề chính sách kinh tế và cơ chế quản lý kinh tế, quan niệm và thái độ của đồng chí Võ Chí Công rất rõ ràng: Kiên quyết chống quan liêu, bao cấp, thay đổi cơ chế quản lý kinh tế. Tháng 1 năm 1984, đồng chí nói trong cuộc họp với cán bộ Đảng các cơ quan Trung ương rằng phải đấu tranh cả hai mặt: Chống quan liêu, bao cấp, bảo thủ, trì trệ, đồng thời chống tản mạn, vô tổ chức, vô kỷ luật. Hai mặt này giằng co với nhau và ở từng cấp, từng người, mặt này hoặc mặt kia nặng hơn. Ở một số cơ quan cấp trên, quan liêu bao cấp và bảo thủ trì trệ nặng hơn, phải khắc phục cho được.

Trong hồi ức của đồng chí Nguyễn Khánh, đồng chí Võ Chí Công hết sức ủng hộ cơ chế khoán, cả trong nông nghiệp và công nghiệp. Tại cuộc họp Bộ Chính trị về giá - lương - tiền tháng 5 năm 1985, đồng chí đã phát biểu: “Nền kinh tế của ta phải thực hiện khoán trong các lĩnh vực, các cấp, các ngành, đến từng đơn vị, từng người lao động để tạo ra động lực mạnh thì mới làm ăn có hiệu quả. Bắt buộc các ngành, các cấp xóa hẳn kiểu quản lý kinh tế bao cấp hành chính, chuyển hẳn sang kinh doanh hạch toán. Các bộ làm kinh tế phải làm đúng chức năng của hệ thống quản lý Nhà nước, không được dài tay cản trở đơn vị sản xuất kinh doanh. Các Tổng công ty, công ty, liên hiệp xí nghiệp phải đi sâu vào kinh doanh hạch toán thực sự. Bắt buộc các cấp, các ngành, các đơn vị cơ sở và từng người phải tính toán lỗ lãi, có trách nhiệm lời ăn, lỗ chịu”.

Về tư duy đổi mới của nhà lãnh đạo Võ Chí Công, khi nhìn lại, đồng chí Nguyễn Văn Chi cho rằng, cùng với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tư tưởng của đồng chí Võ Chí Công sau chiến thắng luôn tìm hiểu cái mới, trăn trở cái mới, tôn trọng thực tiễn, rất quyết đoán và có tư tưởng tấn công vào cái nghèo nàn, lạc hậu, bảo thủ, trì trệ nhất là trong nông nghiệp để xây dựng một nền nông nghiệp mới. Trong vai trò Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Võ Chí Công đã tích cực đấu tranh để ban hành Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm cuối cùng đến người lao động. Từ Chỉ thị 100 đến “khoán 10” chúng ta đã có nền sản xuất hàng hóa nông nghiệp, làm cho nhân dân thoát khỏi đói nghèo, đủ ăn và xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới.

Hơn nữa, từ đổi mới về kinh tế, trên cương vị Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp, đồng chí đã chỉ đạo hoàn thành việc sửa đổi Hiến pháp 1980 thành Hiến pháp mới - Hiến pháp 1992, Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, đưa đất nước ta bước vào thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH theo định hướng XHCN.

Phát biểu kết luận Hội thảo khoa học, một lần nữa đồng chí Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định những đóng góp có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc của đồng chí Võ Chí Công đối với sự nghiệp đổi mới, thể hiện trên các lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp và nhiều ngành kinh tế quan trọng khác, góp phần vào thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới của Đảng và nhân dân ta. Đặc biệt là những cống hiến quan trọng của đồng chí trên cương vị Chủ tịch HĐNN, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, Trưởng Ban soạn thảo Hiến pháp 1992, góp phần tăng cường pháp chế XHCN, xây dựng và kiện toàn bộ máy Nhà nước ta.

Sáng 5-8, UBND tỉnh Quảng Nam và Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ đón nhận Bằng di tích cấp quốc gia và khởi công tu bổ, nâng cấp Khu lưu niệm Cố Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công tại thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Tham dự lễ có đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương và gia tộc đồng chí Võ Chí Công.

Khu lưu niệm hiện nay của Cố Chủ tịch HĐNN Võ Chí Công được xây dựng trên khuôn viên của gia đình đồng chí có diện tích gần 8 nghìn m2, với phong cách kiến trúc truyền thống nhằm lưu giữ các hiện vật, kỷ vật liên quan đến cuộc đời, thân thế và sự nghiệp cách mạng của nhà cách mạng Võ Chí Công. Di tích này được Bộ Văn hóa-Thể Thao và Du lịch quyết định công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 18-7-2012.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức cũng đã khởi công nâng cấp Khu lưu niệm này với các hạng mục: Mở rộng nhà trưng bày; xây mới nhà bảo quản và lưu trữ hiện vật, nhà tiếp đón, nhà quản lý và chiếu phim, thư viện cộng đồng; cải tạo nâng cấp sân vườn, hàng rào, cổng ngõ... trên diện tích hơn 24 nghìn m2 với tổng kinh phí đầu tư trên 80 tỷ đồng. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào đầu năm 2014.

* Tối cùng ngày, tại Quảng Nam cũng đã diễn ra đêm văn nghệ chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Võ Chí Công với các tiết mục văn nghệ đặc sắc, hấp dẫn, ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, truyền thống quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng anh hùng và đất nước đổi mới...

NGUYỄN THÀNH - MAI TRANG

;
.
.
.
.
.