Đồng chí Võ Chí Công (tức Võ Toàn) là một trong những người con ưu tú của quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng. Cả một đời dấn thân theo Đảng làm cách mạng, ông đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong lòng quân dân Khu 5 và cả nước nói chung. Nói đến Võ Chí Công và vai trò của ông trên chiến trường khốc liệt Quảng Đà nói riêng và Khu ủy 5 nói chung, không thể không nhắc đến khả năng sâu sát tình hình thực tiễn toàn Khu, sự nhạy bén và linh hoạt trong việc nắm bắt thời cơ để tham mưu cho Bộ Chính trị đưa ra những quyết định quan trọng, nhằm nhanh chóng kết thúc chiến tranh, nhất là vai trò của ông trong việc chỉ đạo tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng vào mùa Xuân năm 1975.
Đồng chí Võ Chí Công (đeo kính) đang chỉ đạo cuộc tiến giải phóng Đà Nẵng, ngày 29-3-1975). (Ảnh tư liệu) |
Sinh ra và lớn lên tại đất Quảng, ngay trong thời thuộc địa cũng như những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, được Đảng phân công nhiều nhiệm vụ quan trọng tại đây, nên địa bàn Khu 5 không hề xa lạ với Võ Chí Công. Vì lẽ đó, trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng tại Khu 5, Võ Chí Công dường như thuộc lòng địa bàn, phong trào của từng vùng để từ đó đưa ra những chủ trương kịp thời và phù hợp, giúp phong trào toàn Khu phát triển một cách mạnh mẽ. Nhiều người từng nhắc đến vai trò của đồng chí Võ Chí Công trong việc cùng đồng chí Lê Duẩn tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 15 để đưa phong trào cách mạng miền Nam lên một tầm cao mới vào năm 1960, cũng như chủ trương “Cách mạng miền Nam không thể khác được, nếu không tiếp tục tiến công kẻ thù”, ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết ít lâu và nhất là chủ trương “thọc thẳng” để giải phóng Đà Nẵng của ông.
1- Chiến thắng Thượng Đức
Nói đến vai trò của đồng chí Võ Chí Công về việc tiến công và giải phóng Đà Nẵng, không thể không nhắc đến khả năng nắm bắt tình hình ngay sau Hiệp định Paris và chủ trương chọn “đột phá khẩu tại chiến trường Thượng Đức” vào mùa Thu năm 1974. Thật vậy, trên thực tế, sau Hiệp định Paris, phong trào cách mạng Khu 5 có một thời gian bị chệnh choạng, một số cán bộ, chiến sĩ có tư tưởng xả hơi dẫn đến hậu quả ta mất đất, mất dân trong khi Mỹ, ngụy liên tiếp hô hào lấn chiếm vùng giải phóng của ta, xóa thế da beo hòng thực hiện cái gọi là “tràn ngập lãnh thổ” và “đẩy cộng sản lên biên giới”... Với tư cách Bí thư Khu ủy, ông đã nhận ra tình hình và lập tức chỉ đạo các địa phương “xốc lại đội hình, tiếp tục tiến công tiêu diệt địch”, nên chiến trường toàn Khu 5 nhanh chóng lấy lại đà phát triển.
Từ cơ sở đó, mùa Thu năm 1974, đồng chí Võ Chí Công đã đưa ra một quyết sách quan trọng: Tiến công tiêu diệt một số cụm cứ điểm, chi khu quận lỵ, đánh thủng từng mảng hệ thống phòng ngự cơ bản của địch ở vùng giáp ranh, đồng bằng, hoàn chỉnh vùng căn cứ miền núi phía Bắc Khu 5, hỗ trợ cho lực lượng vũ trang cơ sở và quần chúng tổ chức tấn công, nổi dậy phá vỡ hệ thống kìm kẹp của địch ở nông thôn và đồng bằng. Từ đó, Khu ủy 5 phát động chiến dịch Hè Thu năm 1974, trọng điểm là đánh mạnh vào vùng giáp ranh giữa đồng bằng trung du và miền núi Quảng Nam với hai điểm mấu chốt là Nông Sơn - Trung Phước và Thượng Đức, đây là hai cứ điểm mạnh nhất của địch ở Quảng Nam và Quảng Đà nhằm bảo vệ Đà Nẵng. Khi đưa ra bàn bạc chọn điểm “đột phá khẩu”, nhiều người đã đề xuất nên đánh Quế Sơn, song với nhãn quan của một nhà lãnh đạo chiến lược, ông đã quyết định chọn Thượng Đức. Nếu đánh Quế Sơn, nhiều lắm ta chỉ uy hiếp được Tam Kỳ, trong khi đánh Thượng Đức thì không những Tam Kỳ, Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn và nhất là Đà Nẵng sẽ bị uy hiếp nghiêm trọng. Và, thực tế đã chứng minh ông hoàn toàn đúng. Chiến thắng Thượng Đức là ta đã chọn đúng điểm tử huyệt của địch ở cả miền Nam, đồng thời là một trận “thử sức” giữa ta và địch xem chủ lực của ngụy sau khi Mỹ rút đi, có chọi nổi với chủ lực của ta hay không. Chiến thắng đó chứng tỏ khả năng chiến đấu của bộ đội chủ lực cơ động của ta đã hơn hẳn chủ lực cơ động của địch, chứng tỏ thủ đoạn phòng ngự bằng cụm cứ điểm và phản kích quy mô sư đoàn của địch đã phá sản”.
2- Chọn đúng đột phá khẩu là Buôn Ma Thuột
Từ thực tế chiến trường Khu 5 và nhất là từ sau trận quyết chiến chiến lược ở chiến trường Thượng Đức; bằng các nguồn tin tình báo tổng hợp, nhất là tin tức từ bên trong thành phố Đà Nẵng đưa ra, đồng chí Võ Chí Công đã nhận thấy cơ hội giải phóng miền Nam đã đến gần, mà điểm đột phá tiếp theo, theo ông phải là Buôn Ma Thuột. Cuối năm 1974, Bộ Chính trị họp mở rộng lần 2 để bàn về cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Tại cuộc họp này, vấn đề tốn nhiều thời gian nhất, bàn luận sôi nổi nhất, đồng chí Hoàng Minh Thắng sau này nhớ lại: “Nếu chúng ta đánh bại quân ngụy ở Sài Gòn thì Mỹ có quay trở lại chiến trường miền Nam hay không? Và, nếu tổng tiến công thì chọn địa bàn nào, chiến trường nào để mở màn chiến dịch? Nhiều người nhất trí là chọn Tây Nguyên nhưng đánh vào Nam Tây Nguyên hay Bắc Tây Nguyên? Có ý kiến đề nghị nên đánh vào Bắc Tây Nguyên, vì có nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Anh Năm Công (Võ Chí Công) và Hai Mạnh (Chu Huy Mân) kiên trì đề nghị Bộ Chính trị đột phá vào Nam Tây Nguyên, mục tiêu cụ thể là Buôn Ma Thuột”. Cũng tại cuộc họp trên, “Anh Năm Công gọi tôi và anh Lê Tấn Tỏa (Quảng Ngãi) giao nhiệm vụ ngay, đó là phối hợp giữ cho được tuyến quốc lộ 1A nối liền hai tỉnh để chuẩn bị điều kiện giải phóng Ðà Nẵng. Anh còn dặn dò nhiều việc khác nữa tựa hồ như mọi việc sẽ là vậy chứ không thể khác. Như người chơi cờ đã tính kỹ nhiều nước trước khi đi, thuận xe, thuận pháo bình phong mã”. Một lần nữa, chúng ta thấy khả năng nắm bắt tình hình và quan sát thời cuộc của đồng chí Võ Chí Công là rất nhạy bén và sáng suốt. Nếu như chiến thắng chi khu Thượng Đức để Bộ Chính trị trả lời câu hỏi “giải phóng miền Nam” thì chiến thắng Phước Long (8-1-1975) là mốc, nhận diện điều kiện đủ, để Bộ Chính trị hoàn thiện kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam một cách cụ thể, rằng “nếu thời cơ đến vào đầu năm hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”.
3- Chủ trương “thọc thẳng”giải phóng Đà Nẵng
Có dịp đọc những công văn, mật thư đồng chí Võ Chí Công gửi cho các tỉnh thuộc Khu 5 trong thời kỳ này đều thấy rằng: Ông luôn suy nghĩ và xem mọi chiến trường khác trên toàn Khu đều phải hướng về đích là Đà Nẵng, bởi đối với ngụy quyền Sài Gòn, Đà Nẵng là một trong những “tiền đồn chống Bắc Việt”, nếu Đà Nẵng bị mất thì ngay lập tức Sài Gòn bị uy hiếp nghiêm trọng.
Khi địch mất Buôn Ma Thuột, đối với Võ Chí Công thì ông đã nhận thấy thời khắc sụp đổ dây chuyền của Mỹ-ngụy đã đến rất gần. Đêm 18-3, ông đã gửi cho Bộ Chính trị một bức mật điện nêu rõ: “Có hiện tượng địch rút Huế, lực lượng tổng dự bị cũng rút, đề nghị Bộ Chính trị điều quân tấn công giải phóng Đà Nẵng”. Sau này, ông nhớ lại: “Ngày 18-3-1975, tôi đang ở Tây Nguyên điện cho đồng chí Lê Duẩn và Bộ Chính trị xin cho tấn công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng. Đồng chí Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính trị điện trả lời đồng ý và nói “Nếu thấy làm được thì giải phóng Đà Nẵng đi”. Điều này cho thấy sự tin tưởng của Bộ Chính trị dành cho cá nhân đồng chí Võ Chí Công và ông có toàn quyền quyết định trên chiến trường. Để giải phóng Đà Nẵng, ngày 20-3, trên đường trở về căn cứ Khu ủy 5, đồng chí Võ Chí Công điện cho Bộ Chính trị: “Đề nghị bao vây tấn công Đà Nẵng bằng lực lượng tại chỗ và Trung ương tăng cường cho 1F, Đà Nẵng là thành phố quan trọng thứ 2 ở miền Nam, căn cứ liên hiệp quân sự hiện đại và mạnh vào bậc nhất. Tôi đang trên đường về Khu ủy 5”. Về đến căn cứ Quảng Đà, ông đã tuyên bố: “Lúc này mà còn luầng quầng ở nông thôn là bỏ lỡ mất thời cơ. Phải lách bỏ nông thôn đánh vào thành phố, thị xã, được thị xã thì được cả nông thôn”. Điều này cho thấy khả năng quan sát thực tế và quyết tâm của ông trong chủ trương phải nhanh chóng thực hiện giải phóng Đà Nẵng, bởi đó là thời cơ, mà thời cơ lúc này là “lực lượng” cách mạng. Và theo ông, việc thực hiện giải phóng theo bài bản cũ “từ nông thôn bao vây thành thị” là không còn phù hợp. Bởi đúng như nhận định của ông, thực hiện phương án này sẽ mất thời cơ và không thể lường trước được những khó khăn, thiệt hại có thể xảy ra khi quân địch có thời gian co cụm và củng cố lực lượng”.
Để rấp rút triển khai kế hoạch tiến công giải phóng Đà Nẵng, ngày 21-3, đồng chí Võ Chí Công triệu tập phiên họp của Khu ủy 5. Tại cuộc họp này, ông cho rằng cần phải: “Thọc thẳng, địch tan rã Đà Nẵng rồi”. Để chỉ đạo lực lượng bên trong hỗ trợ cho quân chủ lực tiến công từ bên ngoài vào, đồng chí Võ Chí Công đã chỉ đạo Đặc khu ủy Quảng Đà thực hiện tốt ba yêu cầu: “Phải tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân địch; chống âm mưu cưỡng ép dân chạy theo địch; bảo vệ tài sản và trật tự trị an đến mức cao nhất” và “phải huy động lực lượng tại chỗ nổi dậy bao vây, gọi hàng bức rút làm tan rã toàn bộ quân địch đóng trên địa bàn, mở đường cho quân chủ lực tấn công giải phóng Đà Nẵng, theo yêu cầu: “Tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã”. Tất cả phải bảo đảm cho được phương châm: “Táo bạo, bất ngờ, kịp thời, chắc thắng”. Nhân đây cũng cần được nói thêm, việc giải phóng và tiếp quản Đà Nẵng đã được đồng chí Võ Chí Công và Khu ủy 5 đề ra tư tưởng chỉ đạo rất linh hoạt: “lấy tan rã làm tiêu diệt” để tránh diễn ra cuộc tắm máu như địch đã tuyên bố; đồng thời nhằm “bảo vệ nguyên vẹn thành phố, bảo vệ tài sản, tính mạng của dân, có kế hoạch tiếp tế, cứu trợ không để dân đói”. Vì lẽ đó, khi Đà Nẵng hoàn toàn được giải phóng, người dân tại đây đã nói: “Cách mạng giỏi quá, đánh Đà Nẵng, lấy Đà Nẵng mà không rụng một lá tre, không bể một bóng đèn!”.
Ngày 26-4-1975, khi đồng chí Võ Chí Công ra báo cáo Bộ Chính trị về tình hình giải phóng Khu 5, đồng chí Lê Duẩn đã khen ngợi: “Anh giỏi quá, vận dụng tài tình, linh hoạt, sáng tạo Nghị quyết Bộ Chính trị, giải phóng hoàn toàn Khu 5, làm tan rã hàng chục vạn quân ở Đà Nẵng, tạo thuận lợi cơ bản cho giải phóng Sài Gòn sắp tới”. Bộ Chính trị đánh giá như vậy, cho thấy tầm vóc của cuộc tổng tiến công, nổi dậy giải phóng Đà Nẵng đối với sự sụp đổ không thể nào cứu vãn của Mỹ-ngụy tại miền Nam; đây cũng là khẳng định sự chỉ đạo tài tình, táo bạo, linh hoạt của đồng chí Võ Chí Công đối với cuộc tiến công nổi dậy lịch sử này; cũng như những cống hiến của ông dành cho phong trào cách mạng miền Nam lúc bấy giờ.
LƯU HOÀNG GIANG