.

Đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới

.

Một đời vì sự nghiệp cách mạng

Đồng chí Võ Chí Công, tên khai sinh Võ Toàn, sinh ngày 7-8-1912, tại thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân, huyện Tam Kỳ (nay là huyện Núi Thành), tỉnh Quảng Nam. Thân phụ là ông Võ Nghiệm (tức Võ Đường), một nhà nho yêu nước, đảng viên Đảng Cộng sản, được Đảng, Nhà nước truy tặng Liệt sĩ. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Thân, một cơ sở cách mạng tin cậy của Đảng, được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Đồng chí Võ Chí Công đến thăm và nói chuyện với đồng bào dân tộc thiểu số xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức (1991).
Đồng chí Võ Chí Công đến thăm và nói chuyện với đồng bào dân tộc thiểu số xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức (1991).

Đồng chí Võ Chí Công được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 5-1935; tháng 3-1940, làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng; tháng 10-1943, bị thực dân Pháp bắt giam. Tháng 3-1945, đồng chí được ra tù, trở về Quảng Nam tiếp tục hoạt động cách mạng, làm Trưởng ban Khởi nghĩa tỉnh, chỉ huy cướp chính quyền ở Quảng Nam. Năm 1952, đồng chí Võ Chí Công làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng; Phó Bí thư Khu ủy Khu 5 (1955-1958). Tháng 9-1960, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, làm Bí thư Khu ủy Khu 5; năm 1961, làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam; tháng 3-1962, được bầu làm Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Năm 1976, đồng chí Võ Chí Công được cử giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản; tháng 12-1976, đồng chí được Đại hội IV của Đảng bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, bầu vào Bộ Chính trị. Tháng 3-1982, tại Đại hội V của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và được phân công làm Thường trực Ban Bí thư; tháng 6-1986, được phân công giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tại Đại hội VI của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, vào Bộ Chính trị và tham gia Đảng ủy Quân sự Trung ương. Tháng 4-1987, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VIII bầu đồng chí Võ Chí Công làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Đồng chí Võ Chí Công là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (6-1991) và khóa VIII (6-1996) đến tháng 12-1997. Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII và VIII. Đồng chí từ trần ngày 8-9-2011 tại thành phố Hồ Chí Minh. Đồng chí Võ Chí Công được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.

Đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới

Khi giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản, trong tình hình kinh tế bao cấp, Nhà nước không đủ xăng dầu, phương tiện sản xuất cho ngành Hải sản hoạt động, đồng chí Võ Chí Công đã xuống các cơ sở quốc doanh, các hợp tác xã nghề cá lâu năm để nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân của sự trì trệ, thua lỗ; từ đó, đồng chí đề xuất với Chính phủ những giải pháp thiết thực, giải quyết khó khăn cho ngành Hải sản, thực hiện cơ chế tự quản để phát triển sản xuất, Nhà nước xóa bỏ bao cấp.

Khi phụ trách ngành nông nghiệp, với tác phong sâu sát cơ sở, đồng chí Võ Chí Công đã đi xuống nhiều hợp tác xã nắm tình hình, ra tận đồng ruộng gặp xã viên hỏi thăm công việc sản xuất. Đồng chí đã thấy nhiều hợp tác xã thực hiện khoán đến nhóm và người lao động, đem lại hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho xã viên, như: Thổ Tang (Vĩnh Phúc), Đồ Sơn (Hải Phòng), Hà Nam... Từ thực tế đó, đồng chí đã đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhận trách nhiệm chỉ đạo dự thảo Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm trong hợp tác xã nông nghiệp đến nhóm và người lao động. Chỉ thị 100 của Ban Bí thư ra đời là bước đột phá quan trọng trong nông nghiệp, hợp lòng dân và được nhân dân phấn khởi đón nhận. Trên cơ sở tổng kết Chỉ thị 100, Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết 10 (1988) về đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, tạo động lực mới trong sản xuất...

Không dừng lại ở sự đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, đồng chí Võ Chí Công đã phát triển tư duy của mình để đóng góp cho Đảng, Nhà nước về đổi mới cơ chế quản lý kinh tế chung của đất nước. Là Trưởng Ban Nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, đồng chí đã tập hợp nhiều ý kiến và kinh nghiệm thực tiễn, hoàn thiện trình Bộ Chính trị ra Nghị quyết 306 về phát huy quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của đơn vị kinh tế.

Sự thành công của cơ chế khoán trong nông nghiệp và đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, có sự đóng góp to lớn của đồng chí Võ Chí Công, góp phần quan trọng để Đảng ta đề ra đường lối đổi mới đất nước một cách đúng đắn, vững chắc.

Khi làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí đã có đóng góp quan trọng vào đổi mới hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là công tác lập hiến và lập pháp. Đồng chí là Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1980, tập hợp được nhiều ý kiến rộng rãi và kinh nghiệm ở một số nước; để từ đó, Hiến pháp sửa đổi năm 1992 được Trung ương Đảng, Quốc hội thông qua, đánh dấu mốc lịch sử về công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng hệ thống pháp luật, quản lý mọi mặt hoạt động của đất nước. Trong thành công chung đó, có sự đóng góp rất quan trọng của đồng chí Võ Chí Công.

N.T Tổng hợp

;
.
.
.
.
.