Những năm gần đây, các trường mầm non trên địa bàn thành phố đã đưa chương trình giáo dục pháp luật giao thông vào giảng dạy. Các bé đã được tiếp cận với các hình ảnh trực quan, từ đó dần hình thành ý thức chấp hành pháp luật giao thông. Có thể thấy, việc dạy pháp luật giao thông đã có được cái nhìn từ gốc.
Giờ học ATGT luôn gây hứng thú cho các bé. |
Chơi mà học
Dạy các luật về giao thông ở bậc học mầm non đòi hỏi những phương pháp riêng. Tất cả những kiến thức được truyền tải đến lứa tuổi này đều thông qua những tình huống cụ thể, học đi đôi với hành theo kiểu “học mà chơi, chơi mà học” gần gũi, thiết thực và dễ nhớ. Trong những giờ học về giao thông ở các trường mẫu giáo, các bé được làm quen với sa hình, mô hình các loại phương tiện, nhận biết một số biển báo hiệu cơ bản. Những giờ học như thế này, với lứa tuổi mầm non thật vui nhộn và vì vậy dễ thu hút các bé.
Đến Trường mầm non Bạch Yến ở quận Sơn Trà trong một buổi học về ATGT sẽ thấy được sức cuốn hút của tiết học này. Các bé được làm quen với mô hình hoàn toàn giống với thực tế, được tham gia giao thông và nhất là nhiều bé rất thích được làm CSGT. Những bé đóng vai người tham gia giao thông sẽ di chuyển theo hiệu lệnh của bạn đóng vai CSGT. Việc tập cho bé thói quen đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông là một yêu cầu bắt buộc của tiết học. Bé Ngọc Anh khoe: “Con rất thích học ATGT vì chơi với các bạn rất vui”. Còn bé Gia Bảo luôn nhớ lời cô dạy: “Cô dạy con là không được vượt đèn đỏ, đèn xanh mới được đi. Ai không chấp hành luật giao thông là không tốt, vì sẽ gây ra TNGT cho những người khác”.
Dạy các luật về giao thông không dễ, đối với các bé mầm non lại càng kỳ công. Chính vì thế đòi hỏi các giáo viên phải hết sức sáng tạo, linh động. Cô Lê Thị Lý, Hiệu trưởng Trường mầm non Bạch Yến cho biết: “Đối với bậc học mầm non thì học ATGT thông qua các mô hình sẽ giúp trẻ dễ học, dễ nhớ. Trong những giờ học về giao thông, các cô giáo đã biến những bài học thành những trò chơi thật hấp dẫn hoặc những bài hát đầy màu sắc ngộ nghĩnh của tuổi thơ”.
Những kiến thức được học và ôn luyện thường xuyên, thói quen chấp hành pháp luật giao thông đã được các cô giáo định hình từ rất sớm. Đó là nền tảng hình thành tính cách nền nếp, biết tuân theo pháp luật và là nền tảng để trẻ tiếp thu những kiến thức phức tạp ở những cấp học cao hơn.
Xây dựng văn hóa giao thông từ thế hệ mầm non
Một hiệu quả nữa mà chương trình dạy ATGT ở bậc học mầm non mang lại, đó là trẻ đã góp phần làm thay đổi ý thức chấp hành luật giao thông của người lớn, những người vốn dĩ phải là gương tốt cho con trẻ. Chị Ngô Thị Mai, một phụ huynh nói: “Nhà tôi ở gần trường, nhiều lúc chở con đi học quên đội mũ bảo hiểm, con tôi cứ nhắc hoài. Nếu mình không đội mũ bảo hiểm, cháu không bao giờ chịu bước lên xe đâu!”. Cô Nguyễn Thị Như Quỳ, Tổ trưởng Tổ Mầm non, Phòng GD & ĐT quận Hải Châu cho biết: “Chương trình giáo dục ATGT cho hệ mầm non được tổ chức dạy lồng ghép trong các tiết học. Mỗi tháng các bé sẽ học ATGT với từng chủ đề riêng. Đặc biệt là trong tháng 9, tháng tuyên truyền trọng điểm về ATGT, ở quận thường tổ chức các hội thi với sự tham gia của các trường nhằm xây dựng văn hóa giao thông từ thế hệ mầm non”.
Trẻ em có nhu cầu tìm tòi, khám phá và khả năng học hỏi rất cao. Những điều các bé nhìn thấy, chưa biết, chưa hiểu đều được hỏi cụ thể và không ai khác, người lớn phải trả lời. Những tín hiệu giao thông, những chiếc đèn xanh-đỏ, những hành vi giao thông,… mà trẻ nhìn thấy luôn làm chúng tò mò. Đó cũng là lúc thuận tiện nhất để dạy cho trẻ biết về pháp luật giao thông với những điều đơn giản nhất. Nếu hình thành ở trẻ một thói quen và ý thức tốt về ATGT, chắc chắn trẻ sẽ có nền tảng tốt để trở thành những công dân gương mẫu khi tham gia giao thông.
Bài và ảnh: HOÀNG HÂN