15 giờ 30, bộ phận bếp ăn tầng 2 Trường tiểu học Hà Huy Tập (quận Thanh Khê) báo cháy. Nguy cơ đám cháy bùng phát sang dãy nhà ngang tầng 2 và tầng 3. Toàn bộ giáo viên, học sinh nhận được lệnh sơ tán...
Buổi diễn tập sơ tán khỏi đám cháy tại Trường tiểu học Hà Huy Tập. (Ảnh do Hội Chữ thập đỏ thành phố cung cấp) |
Trải nghiệm ứng phó thảm họa
Trong vòng 10 phút từ khi nhận lệnh đầu tiên, hàng trăm học sinh đã nhanh chóng chạy ra khỏi khu vực nguy hiểm theo sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm và đội xung kích trường học. Học sinh khuyết tật kịp thời nhận được hỗ trợ đặc biệt. Tiếp đó, đội sơ cấp cứu vào cuộc giúp người bị choáng, ngất, bị gãy chân, tay... Bên ngoài, đội cứu hộ chuẩn bị đầy đủ bánh, sữa, mì gói cho người gặp nạn. Xe đưa học sinh, giáo viên và phụ huynh đến nơi an toàn cũng đã sẵn sàng ở sân trường...
Đó là nội dung diễn tập ứng phó khi có hỏa hoạn xảy ra trong trường học vừa được Hội Chữ thập đỏ thành phố phối hợp với Trường tiểu học Hà Huy Tập thực hiện. Hoạt động trong khuôn khổ dự án Tăng cường năng lực cho các cộng đồng dễ bị tổn thương các tỉnh duyên hải miền Trung, do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ thông qua tổ chức Cứu trợ Trẻ em Việt Nam (Save the Children). Buổi diễn tập là cơ hội để học sinh trải nghiệm sau nhiều giờ học lý thuyết tìm hiểu kiến thức phòng ngừa thiên tai, thảm họa. Các cô, cậu bé tỏ ra bình tĩnh, nhạy bén trong việc nắm bắt thông tin và thực hiện theo hiệu lệnh. Với các em, có lửa thì... chạy xuống, còn nếu có sóng thần thì... chạy lên. Dù các em khá hồn nhiên trước thảm họa, bởi đây chỉ là buổi “làm nháp”, nhưng nhìn học trò tự tay băng bó, sơ cấp cứu cho người bị nạn một cách chuyên nghiệp, các thầy cô và phụ huynh đều bất ngờ. Thấy học trò đang “cứu” người bị gãy chân, một thầy giáo thử kiểm tra kiến thức: “Con chỉ kẹp nẹp gỗ vào là được rồi, đâu cần làm kỹ vậy”. Lập tức cậu học trò nhanh nhảu thưa: “Dạ, phải lót bông cho chặt ạ, vì như vậy trong quá trình di chuyển, nạn nhân sẽ đỡ bị trầy xước da chân”.
16 giờ 30, buổi diễn tập kết thúc, ai nấy đều phấn khởi vì đã “dập” được đám cháy. Nhiều cảm xúc vì lần đầu tiên thầy và trò được học một cách trực quan sinh động đến vậy; đồng thời nhiều băn khoăn cho công tác cứu hộ, cứu nạn trong trường học cũng gợi lên từ đây...
Hỏa hoạn thật, trường bó tay?
Ông Nguyễn Văn Lưu, Hội Chữ thập đỏ thành phố cho hay: Hiện chưa có những mô hình, sa bàn thực tế hay phòng học trực quan, hình ảnh 3D để học sinh cảm nhận thực tế sự rung động, sự kinh hoàng của thảm họa; đồng thời cảm nhận rõ thái độ của người đóng vai nạn nhân để ứng xử đầy đủ các kỹ năng cần thiết trong việc thoát hiểm. Dẫu vậy, hoạt động ban đầu này cũng đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các thầy cô giáo và học sinh các trường. Thầy Đỗ Phú Hùng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hà Huy Tập cho biết, buổi diễn tập không chỉ là dịp để các trò học cách ứng phó với thảm họa mà chính nhà trường cũng tự đánh giá lại quá trình chuẩn bị phương tiện, con người và công tác phòng chống cháy nổ. Cũng theo thầy Hùng, cần có nhiều hơn những hoạt động như thế này để tất cả học sinh thành phố đều được tiếp cận.
Điều đáng nói là lâu nay, học sinh được học khá nhiều thông tin về việc ứng phó với hỏa hoạn, nhưng thực tế phương tiện phòng cháy hiện còn quá sơ sài tại các trường học. Trường tiểu học Hà Huy Tập chỉ có 3 bình xịt chữa cháy. Theo thầy Hùng, loại bình này chỉ có khả năng dập những đám cháy nhỏ do dầu, xăng gây ra, nếu có đám cháy lớn, hoặc cháy do chập điện thì... chịu. Được biết, hiện toàn quận Thanh Khê có 15 trường tiểu học nhưng chỉ duy nhất Trường tiểu học Đinh Bộ Lĩnh được đầu tư vòi phun nước để chữa cháy. Đây tạm coi là phương tiện đạt chuẩn. Tất cả các trường còn lại chỉ biết ứng phó bằng cách bỏ của chạy lấy người là chính. Ông Nguyễn Văn Phước, Phó phòng GD-ĐT quận Thanh Khê cho biết, việc đầu tư phương tiện phòng cháy, chữa cháy ngoài sức của nhà trường cũng như Phòng GD-ĐT vì đòi hỏi kỹ thuật và kinh phí lớn.
Bài và ảnh: THU HOA