.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

Người bạn của thanh niên

.

Là đảng viên, được chi bộ phân công phụ trách tổ dân phố 38, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà và được nhân dân tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng từ năm 2005, ông Nguyễn Hồng Sơn luôn trăn trở với công tác thanh niên cũng như tổ chức, xây dựng Chi đoàn Thanh niên trong khu dân cư. Với kinh nghiệm vốn có trong công tác Đoàn và qua thực tiễn quá trình vận động thanh niên trong khu vực, ông đã mạnh dạn tự nguyện tham gia xây dựng và tham mưu cho cấp ủy Đảng củng cố, kiện toàn tổ chức Đoàn. Có thể xem đó là một thành công trong công tác Đoàn quận Sơn Trà.

Ông Nguyễn Hồng Sơn cùng các thanh niên dọn vệ sinh trong khu dân cư. 	  Ảnh: MAI TRANG
Ông Nguyễn Hồng Sơn cùng các thanh niên dọn vệ sinh trong khu dân cư. Ảnh: MAI TRANG

Trong thời đại công nghệ thông tin, thanh niên có nhiều sân chơi đa dạng và hấp dẫn, việc vận động họ tham gia các phong trào Đoàn, Hội là rất khó khăn. Hiểu được vấn đề này, ông Sơn tìm hiểu kỹ về hoàn cảnh gia đình, điều kiện cụ thể của mỗi thanh niên trong khu dân cư, tổ chức các buổi gặp mặt thanh niên một năm 4 lần vào các thời điểm như nghỉ hè, chuẩn bị vào năm học mới, đầu xuân và một ngày kỷ niệm lớn của dân tộc. Mỗi lần gặp mặt, ông Hồng Sơn lại thăm dò tất cả các thanh niên trong khu dân cư từ 3 đến 4 lần để xem các cháu có ở nhà không, thời gian họp nào là phù hợp nhất. Dựa vào những thông tin đó ông mới sắp xếp để đưa ra ngày họp mà phần lớn các học sinh, sinh viên không vướng vào thời gian đi học chính khóa, học thêm, làm thêm... Ông nhấn mạnh, nếu tổ chức gặp gỡ thanh niên mà chỉ có 1, 2 người đến dự thì cuộc họp không thành và rõ ràng là vô nghĩa, khi những chủ trương của quận, phường hay nhiều hoạt động bổ ích không được chuyển tải đến đông đảo thanh niên. Ông Sơn tâm sự, đối với thanh niên ở khu dân cư thì không bao giờ đao to búa lớn, sáo rỗng, xa rời thực tế mà phải nhẹ nhàng, tình cảm và chân thành, điều này không chỉ tác động đến các cháu ngoan mà thậm chí còn giúp thay đổi dần dần những cháu ngang bướng, từ từ “lôi kéo” thanh niên tham gia tích cực vào phong trào Đoàn, Hội. Vấn đề chính là hình thức sinh hoạt phải luôn mới, thiết thực và phù hợp. Tuy lớn tuổi, nhưng ông là người quản trò “ra trò”. Ông tổ chức các trò chơi như hái hoa dâng Đảng, tìm hiểu đất nước, lịch sử Việt Nam và Đảng quang vinh qua các câu hỏi gần gũi cùng những phần quà nhỏ nhưng là sự động viên, giúp các bạn thanh niên cảm thấy hứng thú hơn với các cuộc họp cũng như trau dồi thêm kiến thức lịch sử. Ông Sơn đặc biệt quan tâm đến kết quả học tập của học sinh, sinh viên, nếu các cháu có kết quả học tập tốt, đậu đại học thì sẽ được khen thưởng, biểu dương; kiên quyết không để những trường hợp vì gia đình khó khăn mà nghỉ học hay phổ biến những thủ tục, giấy tờ mà tổ dân phố làm để học sinh, sinh viên có thể vay tiền của Nhà nước tiếp tục học tập...

Ông Sơn còn khuyến khích “Nhóm tuổi trẻ” đường phố tổ 38 viết những bài văn, thơ hay những câu chuyện mộc mạc nhưng ý nghĩa về Bác Hồ, về niềm tin đối với Đảng... mà điển hình là 2 tập tin dày 35 trang “Thắp sáng niềm tin” và “Tạo niềm tin dâng Đảng” được “xuất bản” nhân ngày kỷ niệm sinh nhật Bác và ngày thành lập Đảng. Những vấn đề chính trị được viết một cách nhẹ nhàng, lồng ghép với các áng văn, thơ khiến cho tập tin trở nên mềm dẻo, dễ đi vào lòng người và được người dân  toàn phường đón nhận. Ông Sơn tâm sự: “Các cháu thanh niên thực sự rất sáng tạo và có khả năng viết, quan trọng là phải đánh thức ham mê, cảm xúc viết của các cháu. Tôi thực sự xúc động khi đọc những dòng văn về Đảng, về Bác Hồ, về thành phố đang đổi thay từng ngày được viết bằng cái nhìn hồn nhiên, thật và rất mới. Khi tập tin được “xuất bản”, những câu chuyện trong đó lại truyền đi cho nhân dân toàn phường về vai trò của Đảng quang vinh, về những bài học đạo đức cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách gần gũi và sinh động”.

Ông Sơn còn xây dựng chương trình “4 quản” cho thanh niên, bao gồm: quản trong gia đình (anh em quản nhau, đóng góp ý kiến về những việc trong gia đình cho cha mẹ, bản thân giúp đỡ cha mẹ...), quản ngoài xã hội (không để ô nhiễm môi trường, sáng chủ nhật tham gia dọn vệ sinh trong khu phố...), quản an ninh trật tự (không gây rối, tụ tập, luôn đề cao cảnh giác, nếu có người lạ mặt ở khu vực thì kịp thời báo cho các ngành chức năng, đoàn thể đến kiểm tra) và tự quản bản thân mình với các nội dung cụ thể như có trách nhiệm với việc học tập, lễ phép với thầy cô, chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông...

Anh Nguyễn Anh Phi, Bí thư chi đoàn tổ dân phố 38 cho biết, bác Sơn thực sự đã tạo ra môi trường sinh hoạt bổ ích, góp phần tăng cường sự đoàn kết, hiểu biết, gắn bó cũng như học tập lẫn nhau giữa các thanh niên trong khu dân cư. Bác động viên mọi người tham gia đóng góp xây dựng phong trào của địa phương và khu vực, tạo môi trường để tuổi trẻ phấn đấu trở thành lực lượng nòng cốt, là nguồn phát triển Đảng cho chi bộ.

Anh Bùi Hữu Toàn, đoàn viên tổ 38, chia sẻ: “Nhờ bác Sơn tích cực vận động bà con giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông mà khu dân cư luôn có môi trường bình yên, sạch, đẹp. Bác còn quan tâm chăm lo việc học hành, đặc biệt với các em có hoàn cảnh khó khăn, động viên phát thưởng cho các học sinh giỏi, xuất sắc, phổ biến các chính sách của Đảng và Nhà nước xuống từng hộ dân... Bằng tâm huyết với công việc “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, bác Sơn dường như đã thu hẹp khoảng cách về tuổi tác, suy nghĩ và trở thành bạn của tất cả các thanh niên tổ 38”.

MAI TRANG

 

;
.
.
.
.
.